Dù mới gục ngã ‘trước ngưỡng cửa thiên đường’, song chị Nguyễn Mai đã đứng dậy rất nhanh, bởi muốn chia sẻ những kinh nghiệm thương đau để những bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B không phải đi theo ‘vết xe đổ’ của mình, đồng thời muốn huy động vốn để khởi nghiệp lần 3 với dự án nhà hàng ảo.
Tại Việt Nam, ẩm thực – nhà hàng (F&B) là một trong những thị trường béo bở nhất song cũng gian truân nhất; điều này thể hiện rõ qua quá trình khởi nghiệp của chị Nguyễn Mai – bà chủ công ty Baobab – quán cà phê Vamos và founder nhà hàng Thành Cổ.
Do không chuẩn bị chu đáo, dự án khởi nghiệp về nhà hàng chuyên món Việt đầu tiên của chị đã thất bại đáng tiếc, cái giá phải trả cho thất bài này là 2 tỷ đồng và gần 2 năm lao tâm khổ tứ.
Dự án khởi nghiệp nhà hàng thứ hai dù đã phát triển tốt nhờ những kinh nghiệm thương đau được rút ra từ thất bại lần 1, nhưng do những xui xẻo bất ngờ và công ty dần cạn tiền mà lại tìm không được nhà đầu tư, chị Nguyễn Mai đành ngậm ngùi đóng cửa cửa hàng hàng vật lý khi ‘sắp chạm đỉnh thành công’.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Mai nói rằng, mình sẽ không bỏ cuộc. Hiện chị vẫn đang trong quá trình tìm nhà đầu tư để khởi động dự án khởi nghiệp nhà hàng lần 3 – nhà hàng ảo hay bếp trung tâm (CloudKitchens), với mục tiêu đưa sản phẩm của Thành Cổ tiếp cận với khách hàng nhiều nhất.
“Tôi có thể từ bỏ những dự án khởi nghiệp nếu nó chưa mang lại thành công, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ ‘mang văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới’, để cả thế giới biết chúng ta có nền ẩm thực tuyệt vời như thế nào”, chị Nguyễn Mai chia sẻ.
Về nước khởi nghiệp ẩm thực Việt nhờ những lời khen từ bạn bè quốc tế tại… Angola
Trước khi về nước khởi nghiệp, chị Nguyễn Mai có gần 10 năm làm việc tại Angola và đã xây dựng được một chuỗi tiệm nail và spa chuyên làm đẹp cho phụ nữ ở đất nước này.
“Trong thời gian làm việc bên Angola, tôi may mắn có nhiều cơ hội trải nghiệm nền văn hoá bản địa và thưởng thức rất nhiều những sản vật quý hiếm rất tốt cho sức khỏe con người của Châu Phi. Đồng thời, tôi cũng phát hiện ra một chuyện: món ăn - ẩm thực Việt Nam thực sự là một tài sản quý hiếm mà chúng ta chưa khai thác triệt để và chưa được nâng tầm giá trị.
Tôi nhận thấy rằng người nước ngoài ở Châu Phi và ngay cả người Châu Phi rất thích ăn những món ăn của Việt Nam; đặc biệt là các món như: phở, bánh mỳ, món cuốn, nem rán, bún chả.... Họ thường trầm trồ khen ngợi xuýt xoa mỗi khi tôi trổ tài nấu nướng, thết đãi họ một món ăn Việt Nam nào đó”, chị Nguyễn Mai nêu lý do vì sao chị lại quyết định về Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B.
Đến năm 2015, khi thị trường Châu Phi có dấu hiệu lạm phát và khủng hoảng tiền tệ do dầu mỏ mất giá, chị quyết định để lại công ty gồm các tiệm nail cho nhân viên ruột và đối tác ở lại trông nom. Sau khi hồi hương, chị đã mở một quán ăn kinh doanh món đồng quê, đặt tên là Thành Cổ, tọa lạc tại số 60 phố Tô hiến Thành.
Nhưng kinh doanh được hơn một năm, chị phải đóng cửa hàng vì doanh thu cao nhưng không có lãi. “Với sự án này, có thể nói tôi khởi nghiệp vì đam mê. Tôi mở nhà hàng với suy nghĩ là mình thích thì mọi người sẽ thích, nhưng kết quả cho thấy: suy nghĩ của tôi đã sai.
Tôi thất bại vì kinh doanh theo kiểu tự phát, không có sự chuẩn bị chu đáo: tôi không đi nghiên cứu thị trường - khách hàng, không có chiến lược tài chính, cũng không biết nhiều về quản trị - điều hành một nhà hàng sẽ như thế nào.
Chỉ sau một năm hoạt động, có không ít bạn bè đã khuyên tôi nên đóng cửa đi, vì họ thấy nó sai sai ở đâu đó. Lúc đó, bản thân tôi vẫn cảm nhận được điều đó, khi không chỉ bà chủ mà các cấp quản lý và nhân viên thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Nhưng, tôi vẫn cứ muốn đi tới cùng, tất nhiên càng đi xa thì mất tiền càng nhiều”, chị Nguyễn Mai hồi tưởng.
Vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó với dự án khởi nghiệp nhà hàng lần 2
Để bảo đảm, dự án lần 2 không đi theo ‘vết xe đổ’ của lần 1, chị Nguyễn Mai đã lao vào học hỏi nghề mọi thứ trong ngành F&B: từ kiến thức ẩm thực, chuyên môn phục vụ, setup vận hành, học kinh doanh, bán hàng marketing, học kế toán tài chính cho nhà hàng...
“Và cuối năm 2016, tôi tìm địa điểm mới tại phố Hoàng Cầu để mở 1 nhà hàng Thành Cổ và quán cà phê Vamos. Rút kinh nghiệm từ thất bại cũ, tôi đã hoạch định một chiến lược đầu tư phát triển bền vững bằng cách xây dựng thương hiệu cho cái tên Thành Cổ, định vị thương hiệu Thành Cổ, xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi, điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh, xây dựng hệ thống quy trình vận hành, quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống quản trị kinh doanh đặc thù cho ngành nhà hàng, xây dựng bộ công thức món ăn....
Vì thế hơn một năm đầu, tôi chỉ sử dụng phương pháp marketing truyền miệng là chủ yếu. Tôi chú trọng ra món ăn và dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tôi đầu tư cho quảng cáo rất ít, để có thời gian nghiên cứu hoàn thiện mô hình kinh doanh, hoàn thiện concept, hoàng thiện mô hình quản trị phù hợp với tầm nhìn chiến lược kinh doanh văn hoá ẩm thực Việt.
Theo kế hoạch của tôi, hết năm 2018, đầu năm 2019, tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động truyền thông và marketing để tạo đột phá doanh thu. Tiếp theo là đưa sản phẩm ra thị trường, kêu gọi đầu tư và tập hợp nguồn lực nhằm tiến tới mở rộng hệ thống tại các tỉnh thành có du lịch phát triển, xa hơn nữa là xuất khẩu ra nước ngoài”, chị Nguyễn Mai cho biết.
Tai bay vạ gió và phải tạm dừng dự án khởi nghiệp lần 2
Nhưng thật không may cho chị Nguyễn Mai là giữa năm 2018, một sự cố bất ngờ ập đến, khi đối tác của chị bên Châu Phi đóng cửa công ty cũ, chuyển hết cơ sở kinh doanh sang công ty mới để lấy hết toàn bộ cổ phần của chị. Những tài sản chị dùng tiền mua và nhờ người bản địa đứng tên tạm, trong lúc chờ làm xong giấy tờ định cư, cũng không đòi lại được.
Mất thị trường Châu Phi, chị quyết tâm dồn toàn bộ tâm huyết cho công ty Baobab cũng như dự án Thành Cổ. Sau gần 2 năm chạy đôn chạy đáo với nhiều đêm thức trắng, chị đã tối ưu được mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cho Thành Cổ. Cho đến giữa 2019, Thành Cổ đã vượt qua thời điểm khó khăn, hỗn loạn của giai đoạn đầu khởi nghiệp, đã có lãi và tìm ra những bí quyết thành công.
“Nhưng tôi bắt đầu rơi vào tình trạng hết tiền để đầu tư. Gần 1 năm trời, tôi đã nỗ lực cố gắng: một mặt động viên trấn an nhân viên, một mặt tham gia học các lớp đào tạo kỹ năng huy động vốn, thiết kế slide thuyết trình, nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư, hoặc các đối tác, các doanh nhân lớn, các hội nhóm, cộng đồng... nhưng đều thất bại và bị từ chối đầu tư.
Có lẽ, ai cũng sợ rủi ro về quản trị - quản lý trong ngành F&B. Thêm nữa, cũng chưa có doanh nghiệp F&B nào tại Việt Nam đã IPO thành công, nên chưa có chỉ số kinh doanh ngành để đối chiếu. Cũng ít ai nghĩ là có thể đóng gói thành công và nhân bản mô hình kinh doanh ẩm thực Việt”, chị Nguyễn Mai suy đoán.
Phần vì do biến cố bất ngờ từ nguồn tài chính cá nhân, phần do không thuyết phục được các nhà đầu tư, dù rất xót xa nhưng chị Nguyễn Mai vẫn phải cho tạm dừng hoạt động nhà hàng để xử lý các công việc cấp bách, như bảo vệ uy tín cá nhân, nhằm có thể tiếp tục khởi nghiệp lại dự án kinh doanh thương hiệu Thành Cổ trong tương lai
Đang ủ mưu khởi nghiệp nhà hàng lần 3 với mô hình nhà hàng ảo – CloudKitchens
Cho dù thất bại tạm thời, nhưng chị nói sẽ không từ bỏ ước mơ và chị sẽ bắt đầu lại với một hướng đi khác.
Trước mắt, chị muốn được chia sẻ miễn phí toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, cũng như những quy trình, hệ thống... mà đội ngũ Thành Cổ đã tạo ra được dưới sự hướng dẫn tư vấn của chuyên gia Hà Lan do Hà Nội SME giới thiệu, cũng như sự tư vấn của rất nhiều chuyên gia Việt Nam khác; để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ngành F&B nói chung và ngành nhà hàng nói riêng.
“Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục khởi nghiệp lại, nhưng là bắt đầu với mô hình nhà hàng ảo - CloudKitchens nhằm đưa sản phẩm của Thành Cổ tiếp cận với khách hàng được nhiều nhất, phủ được thị trường nhanh nhất, sau đó sẽ cho khởi tạo lại concept nhà hàng Thành Cổ với phiên bản mới hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn mang đậm phong cách và bản sắc Việt Nam.
Tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ như big data hay cloud vào quản trị và kinh doanh, tham gia thương mại điện tử và các ứng dụng giao hàng hay nền tảng kết nối... nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng. Cuối cùng, tôi sẽ nghiên cứu sử dụng blokchain để minh bạch tài chính cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư cho dự án”, chị Nguyễn Mai tiết lộ kế hoạch lớn của mình.
Linh Đan/VBI