Chứng kiến rất nhiều cựu cầu thủ vật lộn tìm nghề sống mưu sinh sau khi treo giày, các cầu thủ Olympic Việt Nam muốn sớm khởi đầu cho sự nghiệp kinh doanh, thiết lập một nền tảng tài chính vững vàng và mối làm ăn truyền thống khi bản thân khi từ giã sân cỏ.
Sống được bằng nghề từ tài năng, nhưng tuổi cầu thủ có giới hạn, nhiều em đã rất năng động để vun đắp cho cuộng sống tương lai của mình sau khi rời sân cỏ.
Công Phượng kinh doanh giỏi chẳng kém đá bóng
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã trở thành “ông chủ” đúng nghĩa, khi anh và một vài người bạn cùng hùn vốn mở một quán cafe mang tên “CP10 Coffee” trên đường Cù Chính Lan (TP Pleiku, Gia Lai).
CP10 Coffee” được khai trương vào ngày 20/11/2017. Quán có tổng đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Kể từ ngày bắt tay thiết kế cho đến khi thi công mất khoảng 3 tháng và sắp tới, “CP10 Coffee” sẽ triển khai giai đoạn hai với phần trên tầng có tổng diện tích sử dụng lên đến 100m2 và có thể đón 100 khách/lượt.
Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn chưa tính toán được lợi nhuận hàng ngày. Chỉ biết, tất cả đều cảm thấy hứng khởi vì lượng khách ở thời điểm hiện tại khá ổn định. Đặc biệt, mỗi cuối tuần, nếu HAGL thi đấu trên sân Pleiku thì “ông chủ” Công Phượng cũng phải tăng cường nhân viên chạy bàn.
Tiền đạo Nguyễn Anh Đức thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ
Ngoài thành tích trên sân cỏ, Anh Đức còn là doanh nhân khá thành đạt với mặt hàng dụng cụ TDTT mang thương hiệu AD Sport có doanh thu lên đến 2,2 tỷ đồng/tháng. Chủ nhân của Quả bóng Vàng Việt Nam 2015 còn là chủ sở hữu của các khách sạn, spa, phòng gym... nổi tiếng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Đến thời điểm hiện tại, tiền đạo này đang sở hữu hai cửa hàng lớn tại thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát (Bình Dương). Ngoài ra, những sản phẩm đồ thể thao do Anh Đức sản xuất cũng được phân phối đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Doanh thu hàng tháng của chuỗi cửa hàng Anh Đức thu nhập lên đến hàng tỷ đồng. Đây được xem là con số đáng mơ ước với ngay cả những cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam có thể kiếm được nhờ bóng đá.
Tiền vệ Hồng Duy trước giờ bóng lăn vẫn đăng ảnh bán son
Nếu như trên sân đấu, Nguyễn Phong Hồng Duy chạy nhanh như sóc, khuôn mặt lạnh lùng với những đường chuyền dứt khoát thì ít ai có thể ngờ được Hồng Duy ngoài đời thường lại thích đắp mặt nạ, chuyên tư vấn và bán mỹ phẩm cho phái nữ với biệt danh Hồng Duy Pinky.
Anh thường xuyên đưa ra review các sản phẩm làm đẹp tư vấn cho các bạn nữ khác khiến các chị em “mê mẩn” và tỏ ra vô cùng thích thú vì một người đàn ông quan tâm “nhiệt tình” tới chuyện làm đẹp là một điều vô cùng hiếm hoi.
Doanh thu bán hàng của Hồng Duy sau cơn sốt U23 là câu chuyện nhận rất nhiều sự quan tâm, thắc mắc của người hâm mộ và chàng tiền vệ cũng không ngần ngại giải đáp:
"Em nghĩ cũng tăng lên rất nhiều so với ban đầu, số lượng lúc đầu chỉ là 1 nhưng giờ là 3,4 lần. Số tiền có được sẽ chia đôi. Đối với em mục đích làm để lấy kinh nghiệm cho tương lai. Số tiền lợi nhuận dư em sẽ trích ra làm gì đó có ý nghĩa với cuộc sống như làm từ thiện", Hồng Duy thoải mái chia sẻ.
Oribeans Coffee Văn Miếu của các cầu thủ U23 Việt Nam
Theo tìm hiểu của PV Nhadautu.vn, quán cà phê Oribeans tại Văn Miếu được mở ra do một số cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam như Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh và một số cầu thủ khác.
Quán cà phê này không chỉ có view đẹp, không gian thoải mái, ở đây còn có một phòng riêng trưng bày áo, giầy và ảnh của các cầu thủ U23 Việt Nam.
Nguyễn Trang/NĐT