Không còn là sự bồng bột của tuổi trẻ, cái mà tuổi 35 mong muốn là khao khát “làm mới” lại chính mình sau một quãng thời gian dài bị đóng khung bởi những thứ vốn dĩ đã rất cũ và nhàm chán.
Tuổi 35 bỗng dưng muốn “nổi loạn” để bắt tay làm một điều gì đó mới mẻ
Nhưng họ lại lo sợ sự “lạc nhịp” của bản thân, sợ không bắt kịp được xu thế hiện đại, đặc biệt là SỢ THẤT BẠI.
Dường như mọi khó khăn của đàn ông được “cộng dồn” vào giai đoạn 30-35 tuổi. Cuộc sống của những người đàn ông ở độ tuổi này chẳng thể nào yên ổn, bằng phẳng lấy một giây phút nào cả, những trắc trở, khó khăn không thể gọi tên cứ ùa đến như định mệnh.
Nếu như 20 là độ tuổi đàn ông khao khát để chứng minh, bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ của đời mình. Thì ở độ tuổi 35, tức là hơn mười năm sau đó, khi mà người đàn ông đã trải qua khá nhiều thăng trầm trong cuộc sống, quỹ đạo của sự “ổn định” bắt đầu hình thành thì cũng là lúc họ muốn phá bỏ hết quy tắc sống cũ và “làm mới” mình.
Đạt –người bạn cũ của tôi là giáo viên dạy thanh nhạc cho một trường THCS tại Hà Nội. Đây được coi là công việc mà hồi trẻ cậu mơ ước. Thời gian cứ trôi, ngồi nhìn lại công việc mà bản thân từng yêu thích và khao khát, hiện tại nó chẳng có gì ngoài sự nhàm chán, cũ kỹ. Hơn chục năm công tác trong nghề, Đạt đã dần hiểu thế nào là công việc ngày 8 tiếng, nếu như là phụ nữ thì chỉ cần như vậy là đủ, nhưng với một người đàn ông luôn khao khát thể hiện mình mà bỗng dưng lại tự “trói” bản thân vào guồng quay ấy… Nghĩ đến đây những tiếng thở dài trong lòng cứ thế lớn dần hơn.
Nếu được dùng 2 từ để miêu tả trạng thái của bản thân ở hiện tại: “NỔI LOẠN” chắc có lẽ là câu nói ăn khớp nhất để diễn tả cho điều ấy.
Nhưng “nổi loạn”, làm mới mình ở tuổi 35 ư? Đạt lại trộm nghĩ: Liệu có quá muộn để làm lại những gì mình đã bỏ lỡ? Muốn xóa bỏ công việc nhàm chán hiện tại để được tự do với công việc kinh doanh mình từng ấp ủ liệu có ổn? Đam mê là thế, nhưng đi kèm đó là nỗi lo mình không thể thành công vì sự “lạc hậu” công nghệ, không phản ứng nhanh và cũng chẳng còn sáng tạo như người trẻ… Và đó cũng chính là lý do khiến Đạt tiếp tục chấp nhận với cái thực tại ấy.
Nếu chán thì cứ mạnh dạn từ bỏ, nếu muốn thì cứ mạnh mẽ hành động. Không có quy chuẩn cụ thể nào cho việc sớm hay muộn
Nếu niềm tin đủ lớn và khao khát đủ mạnh bạn sẽ biết cách đi tìm giải pháp chứ không ngồi đó để bày tỏ lý do hay than vãn.
Hãy thử ngồi và ngẫm lại xem, nỗi đau thực sự mà bạn sẽ phải đối mặt đó là gì? Là sợ bản thân không đủ kinh nghiệm để bắt đầu cho một công việc mới; là sợ mối quan hệ của mình không đủ rộng để kinh doanh hay sợ rằng bỏ đi công việc cũ thì bỗng dưng bản thân sẽ trở thành kẻ thất nghiệp… Nếu là chàng trai trẻ 25-17 thì vốn chẳng sao, nhưng ở độ tuổi này nếu lỡ thất nghiệp thì cũng đáng báo động lắm đấy chứ…
Bạn à, thử hỏi có con đường nào đến thành công mà không chông gai? Nếu nó cứ bằng phẳng thì bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được giá trị đích thực khi thành công đến. Những lựa chọn “nhỡ nhàng” của tuổi trẻ khi chưa đủ tầm nhận thức thấu đáo, những công việc được lập trình một cách lặp lại liên tục kia vốn dĩ PHẢI THAY ĐỔI. Hơn ai hết, bạn là người hiểu thấu được điều đó, hiểu được cuộc sống thực tại của mình đang ở mức độ nào. Chính vì vậy mà bạn vẫn luôn luôn thổn thức, đấu tranh, mong muốn từng ngày để thay đổi đấy thôi!
Cuộc sống này vốn “ngắn chẳng tày gang”, nếu chán thì cứ mạnh dạn từ bỏ, nếu muốn thì cứ mạnh mẽ hành động, không có quy chuẩn nào cụ thể cho việc “sớm hay muộn” dù bạn 25 hay 35.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế