Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế trong đại dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD trong năm 2020 và 2021.
Thực tế, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã công bố báo cáo về những tổn thất đến từ ngành du lịch toàn cầu trong năm 2020 là 2,4 nghìn tỷ USD. Trong năm 2021, những tổn thất có thể sẽ tồi tệ hơn nữa.
Cũng trong báo cáo, UNWTO đánh giá việc đại dịch lây lan nhanh và mạnh không chỉ khiến lượng khách du lịch sụt giảm, các công ty du lịch, hãng hàng không và khách sạn phần lớn phải đóng cửa, mà còn gây thiệt hại nặng nề tới cơ sở vật chất quốc gia.
Bên cạnh đó, việc không thể nhanh chóng phân phối vaccine đồng đều trên khắp thế giới cũng làm gia tăng ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch ở các nước đang phát triển chiếm tới 60% thiệt hại toàn cầu.
Trong khi các quốc gia có tỷ lệ được tiêm chủng cao như Anh, Mỹ và Pháp dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn, các chuyên gia tin rằng ngành du lịch nói chung khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2022.
Mới đây, một cuộc khảo sát của UNWTO cho thấy 43% chuyên gia cho rằng ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, còn 41% cho rằng điều đó chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc thậm chí muộn hơn.
Tổng thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili, cho biết: "Việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ khởi động lại du lịch an toàn là rất quan trọng đối với việc phục hồi công ăn việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các nước đang phát triển".
Liên hợp quốc ước tính lạc quan rằng thời gian ngành du lịch chịu sự trì trệ sẽ kéo dài khoảng 12 tháng và khiến thế giới thiệt hại từ 1,2 nghìn tỷ USD đến 3,3 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy Mỹ phải đối mặt với mức GDP sụt giảm 2,1% do ngành công nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia hy vọng việc tiêm vaccine sẽ đem lại kịch bản lạc quan cho đất nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới với mức giảm chỉ 1,1%.