Một trong những trận chiến khó khăn nhất mà ta phải chiến đấu đó là giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta cảm thấy. Nó cũng chính là cuộc chiến giữa những lí thuyết về hướng nội và hướng ngoại.
Rốt cuộc đều quy về xem chúng ta lựa chọn cái gì: thế giới lí trí, có một đời sống xã hội, sống với các lợi ích tách bạch rõ ràng, khôn ngoan, sắc bén – "Tình ra tình, tiền ra tiền;" hay chúng ta lựa chọn thế giới tâm cảm mà mỗi điều đều vận vào thân? Nếu không lựa chọn một trong hai, chúng ta sống mãi trong những nỗi ám ảnh, rối loạn giữa việc trở thành người hướng nội hay hướng ngoại, giữa sự va đập đấy điều duy nhất chúng ta nhận được chỉ là tổn thương mà thôi.
"Mình đang nằm trên chiếc ghế dài ngoài phòng khách để tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi với vài tập phim đang xem dở. Mọi thứ đều yên lặng. Tuyệt!!! Đột nhiên cô ấy bước vào và nói:
- Này, Linh.
- Hử?
- Tao vừa mời vài người bạn tới nhà mình chơi, hy vọng mày không phiền.
- Bao nhiêu người?
- 9 đứa.
- Cái gì?
- Bởi vì nhà yên tĩnh quá tao không chịu nổi!!!!! Bọn tao định sẽ nấu nướng hò hét trong 6 tiếng. Sẽ rất là vui đấy!!!"
Đây là câu chuyện bất cứ ai cũng có thể gặp chứ không phải câu chuyện thích ở một mình của riêng người hướng nội, nên đừng vội kết luận người hướng nội thích ở một mình.
Những người hướng ngoại có khả năng làm việc độc lập. (Họ dựa trên cái tôi cá nhân, phần bản ngã lớn mà!). Miễn anh làm việc sòng phẳng với tôi, còn tôi có thể làm việc một mình. Họ có thể chịu đựng được cô độc. Nên họ mới là người thích tận hưởng những giây phút gác chân lên ghế ngồi xem phim một mình và uống vài lon coca.
Còn người hướng nội mới là những người duy tình, cần tình yêu, sự quan tâm từ mọi người xung quanh, luôn thích có ai đó bên cạnh… Họ sợ cô đơn. Đời sống nội tâm của họ dựa trên sự liên tưởng và tâm cảm – Trong mỗi chúng ta đều cần có người còn lại. Vậy nên người hướng nội thì không chịu đựng được sự cô độc. Đấy mới là sự thật.
Nhưng bởi vì họ quen im lặng và hay quan sát, nên những người hướng nội có khả năng sao chép cái tốt nhất. Đây mới là khả năng của họ. Susan Cain - tác giả cuốn "Hướng nội", và hầu hết mọi người đều nhầm lẫn khả năng này thuộc về người hướng ngoại. Điều ấy là hoàn toàn sai lầm.
Mọi người đều nhầm lẫn. Có một thí nghiệm thế này: khi tổ chức một buổi diễn, chẳng hạn tất cả đều giả làm đầu bếp, thì nhóm hướng ngoại diễn rất dở. Cho dù họ quen giao tiếp, nhưng lúc đấy họ không biết phải diễn thế nào.
Còn nhóm hướng nội lại bắt chước vai đấy rất nhanh, và rất đúng, gần như 80% khớp với yêu cầu của vai diễn. Từ không biết làm bếp, họ giả vờ như làm bếp, sắc mặt họ biến chuyển nhanh.
Đấy chính là vì họ chỉ giỏi sao chép thôi, chứ không phải giỏi đột phá như người hướng ngoại
Đúng hơn, chúng ta đã sống trong một xã hội mà những người hướng ngoại tự nhận mình là người hướng nội, vì hay tổn thương.
Còn đám hướng nội không bao giờ nỡ dùng lời nói làm tổn thương ai, luôn biết cách mỉm cười, biết cách làm hài lòng người khác, họ đã quen nắm bắt tâm lý người khác, quen cười nói giả lả với người khác, nhận mình là người hướng ngoại.
Họ có thể nhanh chóng tìm ra cái tốt nhất, vì đã luôn luôn quan sát chi tiết và các nguy cơ (mà cách người bình thường hay gán cho họ là những suy nghĩ tiêu cực, trong khi nếu biết tận dụng thực chất đó là lợi thế chỉ riêng họ có).
Ví dụ, một người sếp nọ là người hướng ngoại, còn cô nhân viên bên dưới là người hướng nội. Mọi người thường thấy người sếp hay cau có, trông giống như dằn vặt, họ nghĩ là: "Chắc sếp là người hướng nội". Còn cô nhân viên kia luôn cười nói với mọi người, họ nghĩ: "Chắc cô bé này là người hướng ngoại".
Không đúng như thế. Cô nhân viên tỏ ra là người hướng ngoại bởi vì cô ấy đã sao chép cái mẫu được mọi người yêu quý. Cô ấy biết cách nói làm sao để cho mọi người yêu quý mình. Bản chất cô ấy là người hướng nội, bản chất cô ấy là người rất hay dằn vặt.
Cho nên, chúng ta phải kết luận là, cho dù cùng sống trong một khủng hoảng tâm lí, thế nhưng người sếp ấy sống trong một khủng hoảng tâm lí về lí tưởng kiểu "Mai ta nên làm gì, ta nên làm gì để giàu bây giờ?" (lí trí mà!).
Còn cô nhân viên kia sống trong một khủng khoảng tâm lí theo kiểu nội tâm bị khủng hoảng (Sáng nay mình chào mà anh sếp không cười với mình, hay anh ý ghét mình rồi…?). Kiểu người rất giỏi chiều lòng người khác, rất quen nhạy cảm và chiều ý người khác – như cô nhân viên – là người đang sống trong những cuộc khủng hoảng tâm lí triền miên.
Còn người rất thích cau có như người sếp, và thường ít khi dùng sắc mặt để làm vừa lòng người khác, là người khủng hoảng trong giá trị, trong lí tưởng, trong kế hoạch, trong sự đột phá về mặt thành tích, lợi nhuận...
Nếu như người sếp ấy gặp một chuyện khó khăn về tình cảm, cô ta vẫn có thể cười cho dù mặt hơi cau có. Nhưng nếu gặp một tin vui về lợi nhuận, cô ta sẽ cười cả ngày. Điều này chứng tỏ đấy là người tính toán, người hướng ngoại.
Đấy là khả năng của người hướng nội. Khả năng này được mài bén trong 10.000 giờ chịu đựng đau khổ sức mạnh của họ là họ biết đóng những vai đấy.
Còn rất nhiều điều chúng ta hiểu lầm về hai loại người này, và nếu chúng ta cứ lẫn lộn như vậy, là người hướng nội mà cứ mong muốn trở thành người hướng ngoại hoặc ngược lại. Luôn sống trong sự va đập giữa hai thế giới ấy, thì điều duy nhất chúng ta nhận được chỉ là tổn thương mà thôi. Và điều đặc biệt hơn là, bạn phải trải qua rất nhiều thời gian sống và nỗ lực một cách chủ động mới đạt đến thế mạnh đó. Nếu không, bạn mãi mãi là con số KHÔNG, dù là người hướng nội hay hướng ngoại.
*Bài viết của tác giả Oopsy được lược trích từ bộ sách tâm lý về Hướng nội-Hướng ngoại, có tên "Im lặng hay cười nói đừng trói buộc thành công" và "Hôm nay bạn nhất định phải sống ngay cuộc đời đẹp nhất".
PV
Theo Trí Thức Trẻ