Năm 2018, Amazon đạt lợi nhuận khổng lồ 11,16 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2017. Điều đặc biệt là hãng không phải trả một đồng thuế nào cho dù đạt doanh thu khủng.
Hãy cùng đến năm 2018 khi Amazon đạt lợi nhuận khổng lồ 11,16 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2017. Điều đặc biệt là hãng không phải trả một đồng thuế nào cho dù đạt doanh thu khủng. Vậy tại sao Amazon làm được điều đó trước mắt cơ quan luật pháp mà không bị tố cáo?
Câu trả lời là những chiêu lách luật kế toán và chúng chẳng hề khó khăn hay phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Tương tự như nhiều công ty trên thế giới, Amazon sử dụng các khoản khấu trừ để cắt giảm số tiền thuế mình phải trả.
Trong năm 2018, Amazon đã tận dụng rất nhiều khoản khấu trừ, chủ yếu chia làm 3 loại nhằm không phải trả một đồng thuế nào cho chính phủ Mỹ.
Một trong những khoản khấu trừ thuế được Amazon tận dụng là chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Hàng năm, khoảng 7% tiền lương và chi phí cho bên cung ứng của Amazon là dành cho bộ phận R&D, bởi vậy đương nhiên hãng có quyền yêu cầu khấu trừ thuế cho các khoản này.
Đối với cơ quan thuế và chính phủ Mỹ, điều này nghe có vẻ hợp lý. Nghị viện Mỹ rất muốn nền kinh tế số 1 thế giới giữ được vị thế về công nghệ và còn điều gì hay hơn khi khuyến khích các công ty bỏ tiền vào R&D để được khấu trừ thuế.
Năm 2018, Amazon đã tiết kiệm được gần 1,5 tỷ USD tiền thuế nhờ các khoản khấu trừ R&D.
Sắc lệnh thuế của Tổng thống Donald Trump
Tuy nhiên đây không phải khoản khấu trừ thuế duy nhất giúp Amazon tăng lợi nhuận khủng khiếp. Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cải cách thuế và một trong những nội dung chính là cho phép các doanh nghiệp khấu hao tài sản 1 lần thay vì rải ra trong nhiều năm. Dù chính sách này chỉ là tạm thời và có hiệu lực đến năm 2022 nhưng cũng giúp những công ty như Amazon thu lãi khổng lồ.
Thông thường, tài sản của doanh nghiệp như máy móc, cơ sở vật chất hạ tầng sẽ mài mòn theo thời gian và không còn giữ được giá trị như ban đầu. Bởi vậy trong kế toán xuất hiện thuật ngữ "khấu hao" (Depreciation) để chỉ việc định giá, tính toán, phân bổ một cách có hệ thống giá trị của tài sản do sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng. Khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng tài sản cố định.
Khấu hao tài sản cố định liên quan đến việc hao mòn tài sản, đó là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, do hao mòn tự nhiên hoặc do tiến bộ khoa học công nghệ. Một số tài sản cố định thường được tính vào khấu hao là máy móc, đồ nội thất, thiết bị văn phòng…
Về mặt kinh tế, việc hao mòn tài sản cố định sẽ gây khó khăn cho việc theo dõi và quản lý tài sản của doanh nghiệp. Bởi thế, người ta sẽ thông qua phương pháp trích khấu hao để phản ánh giá trị thực của tài sản cố định. Đồng thời, khấu hao tài sản được tính vào chi phí kinh doanh. Do đó, việc này sẽ làm giảm lợi tức ròng của doanh nghiệp.
Thông thường các công ty sẽ chỉ được trích khấu hao dần dần nhưng với quyết định của Tổng thống Trump, những hãng như Amazon có thể trích toàn bộ khấu hao trong 1 lần, qua đó gia tăng chi phí để né thuế.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu Amazon xây dựng một trung tâm dữ liệu mới, họ sẽ được trích khấu hao ngay lập tức dù cơ sở vật chất còn mới thay vì rải ra trong khoảng 40 năm.
Ngay lập tức, chi phí khấu hao của Amazon tăng 40% trong năm 2018 lên tới 12,1 tỷ USD, qua đó tiết kiệm hàng triệu USD tiền thuế cho công ty.
Cáo già phố Wall
Phương pháp tránh thuế thứ 3 mà Amazon hay sử dụng liên quan đến cổ phiếu. Thông thường Amazon không trả lương nhân viên bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu. Với hình thức này, Amazon có thể tiết kiệm được chi phí bởi họ chỉ cần in thêm cổ phiếu trả cho nhân viên.
Người duy nhất chịu thiệt ở đây là các cổ đông hiện hữu khi cổ phần bị pha loãng, nhưng họ cũng chẳng có vấn đề gì nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng giúp tài sản của họ phình to hơn. Trong 10 năm qua, cổ phiếu duy nhất tại Mỹ đánh bại Amazon về mức tăng trưởng là Domino’s Pizza.
Bên cạnh đó, dù Amazon tiết kiệm được chi phí tiền lương nhưng việc trả cho nhân viên bằng cổ phiếu vẫn được coi là chi phí của công ty, qua đó giảm số tiền thuế phải thanh toán. Năm 2018, Amazon tiết kiệm được đến 1 tỷ USD tiền thuế nhờ khấu trừ các khoản trả cổ phiếu cho nhân viên.
Xin được nhắc lại rằng Amazon vừa tiết kiệm được tiền vừa được giảm thuế chỉ bằng cách in thêm cổ phiếu cho nhân viên, một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại hoàn toàn hiệu quả với hãng thương mại điện tử này.
Đến tận đây nhiều người sẽ thắc mắc tại sao Amazon làm được điều đó trong khi các công ty khác không áp dụng. Câu trả lời nằm ở nhà sáng lập Jeff Bezos.
Những công ty khác thường có động thái mua lại cổ phiếu (Stock Buyback) nhằm đẩy giá chúng đi lên trước khi trả lương cho nhân viên bằng cổ phiếu, qua đó cân bằng giữa dòng tiền và thị trường chứng khoán.
Thế nhưng Amazon lại là một trong những hãng hiếm hoi không thực hiện điều này bởi nhà sáng lập Bezos tự tin rằng giá cổ phiếu của công ty sẽ liên tục đi lên bất chấp việc phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường qua việc trả lương cho nhân viên bằng chứng khoán.
May mắn thay, sự tự tin của Bezos đã chính xác khi cổ phiếu Amazon liên tục tăng giá nhờ sự phát triển của thương mại điện tử. Tuy vậy đến tận đây nhiều chuyên gia cho rằng tỷ phú Bezos chẳng khác gì một con "cáo già phố Wall" khi tận dụng thị trường chứng khoán để tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí tiền lương cũng như tránh thuế.
Theo Tổ Quốc