Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sự tương đồng và tương phản kỳ lạ của hai ông bầu nổi tiếng xứ Thanh

30/09/2021 19:03

Doanh nhân Cao Tiến Đoan và Nguyễn Văn Đệ là 2 ông bầu nổi tiếng xứ Thanh. Hai ông có mối lương duyên kì lạ nhưng tính cách lại vô cùng tương phản, tựa như nước với lửa.

Hệ sinh thái của bầu Đệ

Bầu Đệ là cái tên thân mật người dân xứ Thanh gọi doanh nhân Nguyễn Văn Đệ. Ông sinh ra ở xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông từng có 20 năm công tác trong ngành công an, đến năm 1992, ông xin nghỉ hưu sớm. Sau khi rời ngành công an, ông Đệ vào Nam khởi nghiệp với công việc chính là buôn gạo. Sau nhiều lần đi xe đò vào Nam ra Bắc, ông đứng ra thuê bãi, lập bến xe, để mở HTX xe khách đầu tiên ở Thanh Hóa vào năm 1996 - tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực.

Chân dung bầu Đệ

Chân dung bầu Đệ

Cách đây hơn 15 năm, khi loại hình bệnh viện tư nhân còn mới manh nha, bầu Đệ đã xác định đây chính là lĩnh vực triển vọng trong tương lai. Từ khi Bệnh viện đa khoa Hợp Lực đi vào hoạt động (2005) rồi mở rộng quy mô (2009), người dân Thanh Hóa và các tỉnh lân cận đã có thêm địa chỉ khám chữa bệnh rộng lớn, uy tín. Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực ra đời tại thị xã Nghi Sơn quê hương ông.

Dự án Bệnh viện quốc tế này xây dựng trên diện tích rộng 4ha, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đạt chuẩn quốc tế. Công trình được thiết kế, xây dựng gồm 2 khu: Khu nhà 3 tầng dành cho hoạt động khám bệnh, khu nhà 7 tầng dành riêng cho hoạt động chăm sóc, điều trị và ăn nghỉ, sinh hoạt của cán bộ, y bác sỹ, nhân viên bệnh viện.

Hiện nay, bên cạnh y tế, Hợp Lực còn hoạt động trong các lĩnh vực: Giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác – chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ caa với các công ty thành viên là Công ty TNHH MTV Phúc Lạc viên Hợp Lực, Công ty TNHH một thành viên Phúc Lạc viên - đài hóa thân Hoàn vũ Hà Tĩnh, Công ty TNHH trung tâm tư vấn và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Bệnh viện đa khoa Hợp Lực...

Với bất động sản, trong những năm gần đây, Hợp Lực liên tục triển khai đầu tư hàng loạt dự án ở Thanh Hoá. Tháng 4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh tại phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, quy mô 12,68 ha và vốn đầu tư 260 tỷ đồng.

Ngày 20/7/2020, liên danh Hợp Lực – Anh Phát đã vượt qua vòng sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư kết hợp công viên thể thao Đình Hương có quy mô hơn 20 ha tại TP. Thanh Hoá, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.420 tỷ đồng. Hợp Lực cũng là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp phía Đông Bắc, TP. Thanh Hoá, có diện tích 19,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 156 tỷ đồng. Ngoài ra, Hợp Lực còn là chủ đầu tư Khu thương mại dịch vụ Hợp Lực tại Khu kinh tế Nghi Sơn (quy mô 1,7ha, vốn đầu tư 282 tỷ đồng), Khu dân cư phường Đông Vệ (quy mô 7,6ha), Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (quy mô 28,8ha tại Hà Tĩnh), Khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh (12,8ha).

Giai đoạn 2016-2019, tài sản của Hợp Lực tăng trưởng nhanh chóng, từ 495,8 tỷ đồng năm 2016, đến năm 2019 tăng lên mức 1.284 tỷ đồng, tương ứng với biên độ tăng 158%. Cùng với việc mở rộng quy mô hoạt động, doanh thu thuần của tổng công ty cũng duy trì quanh mức 300 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chỉ báo lãi khá hạn chế. Như năm 2019, doanh nghiệp của bầu Đệ ghi nhận doanh thu 386 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 16,7 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 4%.

Cơ nghiệp nghìn tỷ của bầu Đoan

Bầu Đoan tên đầy đủ là Cao Tiến Đoan, sinh năm 1960 tuổi Canh Tý tại TP. Sầm Sơn. Ông là người gây dựng lên Tập đoàn bất động sản Đông Á nổi tiếng xứ Thanh. Dự án khu đô thị đầu tiên mà doanh nghiệp này xây dựng là khu đô thị ven sông Hạc ở ngay khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa.

Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á thành lập ngày 25/10/1996, được biết đến là chủ đầu tư khu đô thị Quảng Tân (Quốc lộ 1A, cách trung tâm TP. Thanh Hóa 7km về phía nam). Đây là dự án có quy mô 15ha, tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Chân dung bầu Đoan

Chân dung bầu Đoan

Ngoài khu đô thị Quảng Tân, trên website của mình, Tập đoàn Bất động sản Đông Á còn tự giới thiệu 3 dự án khác tại Thanh Hóa là: Trường Lệ Pearl Land quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng tại TP. Sầm Sơn; khu đô thị sinh thái biển Đông Á quy mô 61ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại TP. Sầm Sơn; khu đô thị ven sông Hạc quy mô 37ha, tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, tại TP. Thanh Hóa. Cả 3 dự án này đều được giới thiệu là đã hoàn tất thủ tục, đang xây dựng và mời gọi đầu tư.

Tập đoàn Bất động sản Đông Á, doanh nghiệp này có trụ sở ban đầu tại xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại thời điểm tháng 3 năm 2017, công ty có vốn điều lệ 262 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm có: ông Cao Tiến Đoan nắm 66,931%, bà Nguyễn Thị Điệp nắm 12,323%, ông Cao Văn Phú nắm 4,334% và ông Cao Đức Thiện nắm 16,412%. Tất cả cổ đông này đều thường trú tại thôn Châu An, xã Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 3/2017, công ty tăng vốn lên 583 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông cũng có sự thay đổi, theo đó ông Cao Tiến Đoan giảm xuống 57,64%, bà Nguyễn Thị Điệp tăng lên 13,59%, ông Cao Văn Phú tăng lên 5,95% và Cao Đức Thiện tăng lên 22,82%. Tháng 4/2020, Tập đoàn Bất động sản Đông Á dời trụ sở về đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa và tăng vốn điều lệ lên 689 tỷ đồng. Lúc này, ông Cao Tiến Đoan nắm 57,771%, bà Nguyễn Thị Điệp nắm 13,676%, ông Cao Văn Phú nắm 6,676%, ông Cao Đức Thiện nắm 21,777%.

Tháng 4/2021, công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.269 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Cao Tiến Đoan tăng lên 58,364%, bà Nguyễn Thị Điệp tăng lên 15,861%, ông Cao Văn Phú tăng lên 7,931%, riêng ông Cao Đức Thiện giảm xuống 17,844%.

Giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã tăng hơn 2 lần, từ 499 tỷ đồng lên 962 tỷ đồng, lên tiếp 984 tỷ đồng rồi cán mốc 1.191 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tài trợ hơn một nửa cho sự tăng trưởng của tổng tài sản. Tuy vậy, sự gia tăng vốn chủ sở hữu chỉ diễn ra vào năm 2017. Từ đó đến hết 2019, vốn chủ sở hữu gần như đi ngang và ổn định ở mức 629 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa trong giai đoạn 2017 – 2019, nợ phải trả tăng trưởng mạnh. Cụ thể, nợ phải trả năm 2017 là 327 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 562 tỷ đồng, tương đương tăng tới 72%.

Về tình hình kinh doanh, những năm 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty suy giảm rất mạnh. Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần là 73 tỷ đồng, năm 2017 giảm gần một nửa xuống chỉ còn 37,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm tiếp còn 21,5 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần mới gượng lên 29,2 tỷ đồng. Trong suốt 3 năm 2016 – 2018, công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp âm, mỗi năm lỗ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Phải đến năm 2019, công ty mới có lợi nhuận gộp thực dương, đạt 4,5 tỷ đồng. Chính vì điều này mà trong suốt 4 năm 2016 – 2019, công ty đều báo lỗ sau thuế, nhất là giai đoạn kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ mỗi năm hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Doanh nhân Việt Nam, giai đoạn này doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp xuống thấp bởi công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đang triển khai. Từ năm 2020, doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh đột phá khi dự án Quảng Tân và đô thị ven sông Hạc mang lại trái ngọt đầu mùa cho doanh nghiệp.

Sự tương đồng và tương phản kỳ lạ của hai ông bầu

Hành trình của bầu Đoan và bầu Đệ có nhiều diểm giao thoa kì lạ. Trước đây, cả 2 ông bầu đều tham gia góp vốn vào Công ty CP bóng đá Thanh Hóa trước thời điểm bàn giao cho FLC. Trong đó vai trò của bầu Đệ là nổi bật khi nắm giữ vị trí Chủ tịch đội bóng. Đồng thời, ở Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, bầu Đoan cũng giữ vai trò Phó chủ tịch, trong khi bầu Đệ là Chủ tịch đội bóng.Cuối năm 2020, bầu Đệ “cáo già”, “quy ẩn giang hồ”, rút khỏi làng bóng nhiều thị phi, vị trí này được chuyển giao cho bầu Đoan. Tập đoàn bất động sản Đông Á đã thành lập công ty TNHH MTV CLB bóng đá Thanh Hóa với vốn điều lệ ở mức 36 tỷ đồng để quản lý, điều hành CLB bóng đá Thanh Hóa. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Đông Á sẽ làm Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa, Tuy nhiên, hiện tại, công tác điều hành sẽ được giao cho ông Cao Hoàng Đức, hiện là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa (con trai ông Cao Tiến Đoan). Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Cao Tiến Đoan cho biết: “Muốn bóng đá Thanh Hóa phát triển, tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi mà còn là sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cầu thủ, ban huấn luyện, cổ động viên. Bóng đá là một môn thể thao có thể xây dựng được hình ảnh của quê hương, do đó cầu thủ cần phải là những người đầu tiên ý thức được điều này. Cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn cứ yên tâm đá”. Quả thực, từ khi điếp quản đội bóng, CLB Đông Á Thanh Hóa đã ổn định, “yên ấm” và thành tích được cải thiện rõ nét với nhiều quyết sách thấu tình đạt lý của ông bầu mới.

Cái bắt tay của 2 ông bầu trong buổi chuyển giao đội bóng

Cái bắt tay của 2 ông bầu trong buổi chuyển giao đội bóng

Không chỉ thay thế bầu Đệ tiếp quản đội bóng, bầu Đoan cũng thay thế người đàn anh của mình trở thành Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa. Bên cạnh đó, doanh nhân Cao Tiến Đoán cũng thay thế bầu Đệ tham gia ứng cử ở khối doanh nghiệp, doanh nhân và trở thành “ông hội đồng” khi trúng cử Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Mối lương duyên của 2 ông bầu còn thể hiện ở việc cả hai vị cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Tập đoàn doanh nhân Thanh Hóa. Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực của ông Đệ có 33,33% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hóa – nơi ông Cao Tiến Đoan đang là tổng giám đốc. Được biết, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hóa vào năm 2019 đạt gần 300 tỷ đồng.

Ở thành phố Thanh Hóa, bầu Đệ nổi tiếng với tư gia được xây dụng như một tòa lâu đài tráng lệ được xây dựng theo kiến trúc tân cổ điển. Trong khi đó, tại thành phố Sầm Sơn, Cung điện Bạch Dinh của bầu Đoan rộng hàng hecta được thiết kế theo phong cách hiện đại, hài hòa với thiên nhiên đã một thời làm xôn xao dư luận xứ Thanh.

Tuy có những mối tương đồng trong con đường sự nghiệp nhưng tích cách của hai ông bầu nổi tiếng này lại có sự tương phản kỳ lạ. Nếu tính cách của ông Đệ nổi tiếng “nóng như lửa” thì tâm tính của ông Đoan lại mềm mại như nước.

Bầu Đệ nổi tiếng nóng như lửa

Bầu Đệ nổi tiếng nóng như lửa

Khi còn là ông bầu đội bóng Thanh Hóa, ông Đệ không ít lần gây xôn xao dư luận với những phát ngôn không giống ai, gây sốc nhưng thẳng thắn, máu lửa. Thậm chí, có lần ông còn khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi tham gia cuộc họp báo của UBND tỉnh và cướp diễn đàn, thậm chị nói thẳng Giám đốc Sở Thông tin truyền thông là “chưa đủ tuổi”. Hay như giữa Hội đồng nhân dân tỉnh, ông mạnh dạn nhận xét và đề nghị nhân sự giới thiệu cho vị trí Giám đốc Sở Xây dựng là còn ít kinh nghiệm, cần có thêm thời gian thử thách để chứng tỏ năng lực. Rất nhiều lần, phát ngôn của bầu Đệ dã khiến truyền thông chao đảo, dậy sóng. Nổi tiếng nhất có lẽ tại cuộc họp VPF, ông đã tuyên chiến với cả bầu Kiên và bầu Đức ngay trên diễn đàn. Ông luôn thẳng thắn đến cực đoan để bảo vệ đội bóng cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp trong tỉnh trên tất cả các diễn đàn. Vì thế, ông cũng không ít lần dính thị phi, khẩu thiệt dù ai cũng biết ông là người thẳng thắn, quyết đoán.

Cung Bạch dinh của bầu Đoan

Cung Bạch dinh của bầu Đoan

Trong khi đó, bầu Đoan luôn phát ngôn rất khéo léo và thận trọng. Ngay khi vừa nhận đội bóng ông phát biểu: Cơm áo gạo tiền tôi lo, các bạn cứ yên tâm đá. Câu nói đó của ông đã làm tất cả anh em trong CLB ấm lòng. Và trong mọi hoạt động của đội đội bóng ông luôn làm được một điều cổ nhân đã dạy: Đắc nhân tâm, thu phục tình cảm của mọi người. Ông là ông bầu đầu tiên ở Việt Nam chi trả lương tuần cho các cầu thủ và ban huấn luyện. Việc ông mời lại bố già Petkovic về làm “ông giáo” cũng được dư luận hết sức đồng tình. Trong những ngày đại dịch, ông Đoan luôn là người năng nổ các các hoạt động từ thiện. Cá nhân ông, tập đoàn BĐS Đông Á đã quyên góp, ủng hộ cá địa phương hàng chục tỷ đồng để phòng chống COVID-19. Thậm chí, có lần ông còn xắn tay trực tiếp tham gia nấu nướng, phân phát hàng nghìn suất cơm miễn phí cho các khu cách ly.

 

Theo Thiên Anh/Doanh nhân Việt Nam