Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sức hấp dẫn của logistics Việt qua góc nhìn nữ tướng logistics Võ Thị Phương Lan

22/09/2018 21:10

Logistics tuy không mới tại Việt Nam, nhưng để đánh đấu sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội thì phải xét trong độ 10 năm trở lại đây, khi nhiều tên tuổi đã tạo nên dấu ấn trên thị trường với vị thế ngày càng cao cả trước bối cảnh toàn cầu hóa. Trong số đó, không thể không nhắc đến Amerasian Shipping Logistics (ASL) của nữ chủ tịch Võ Thị Phương Lan.

Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Amerasian Shipping Logistics (ASL), Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam.

Khởi nghiệp từ những ngày đầu tiên trên giảng đường của chương trình thạc sĩ MSM-MBA (thuộc Đại học Bách khoa), bà Phương Lan cho rằng, quyết định chọn logistics trước hết là một cái duyên.

Tài sản khởi nghiệp lớn nhất của bà không nằm ở số vốn tự thân ít ỏi khi tuổi đời chỉ 30 mà chính là lời gợi ý, động viên về việc lập doanh nghiệp của một đối tác lớn cùng với sự tin tưởng của nhiều đơn vị trong quá trình huy động nguồn vốn. Nhiều thách thức và mang tính mạo hiểm, song nữ chủ tịch ASL khẳng định mình chưa bao giờ hối hận vì quyết định này.

Bà Lan kể lại, trước một cơ hội lớn, bà chỉ biết dốc hết những năng lực để tìm hiểu về môi trường ngành logistics thời bấy giờ. May mắn thay, kiến thức học được từ chương trình MSM-MBA trong 4 tháng đầu (gồm các môn tài chính, kế toán, kinh tế, quản trị chiến lược và nhập môn quản trị nhân sự) đã phần nào giúp nữ doanh nhân tạo nên bản kế hoạch khởi nghiệp vừa chi tiết, khoa học lại thiết thực, dễ hiểu, tạo được sự hài lòng trước đối tác lớn. Hai tuần sau đó, ASL đã nhận được số tiền đầu tư thành lập ban đầu mà mình mong muốn.

Trải qua 12 năm đồng hành cùng nền kinh tế, ASL ngày nào của bà Phương Lan giờ đây đã trở thành một trong những doanh nghiệp logistics hàng đầu của Việt Nam cả về khả năng cung ứng dịch vụ, mạng lưới đối tác lẫn uy tín với nhiều giải thưởng, danh hiệu.

ASL được thành lập từ những ngày mà ngành logistic ở Việt Nam còn chưa được định hình và phát triển - đó là câu chuyện của người tiên phong. Còn trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để khẳng định vị thế doanh nghiệp, vai trò của người quản trị lại được xướng lên. Câu chuyện của một trong những nữ tướng logistics Việt cũng bắt đầu sang trang mới.

Gặp bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch của Amerasian Shipping Logistics (ASL) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam trong những ngày tháng 9, bà đã có dịp chia sẻ về những diễn biến mới của doanh nghiệp mình trong bức tranh chung của ngành logistics Việt Nam thời gian gần đây.

Theo bà, đâu là sức hấp dẫn của các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đến các đối tác quốc tế?

Bà Võ Thị Phương Lan: Trước hết, Việt Nam là một thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng khai thác, đặc biệt là ở những khu vực mới như logistics ngành thương mại điện tử.

Do có vị trí trung tâm trong khu vực, đồng thời là một cửa ngõ vận chuyện hàng hóa cho khối Đông Dương nên trong giai đoạn logistics có nhiều dễn biến mới như hiện nay, các đối tác quốc tế sẽ hướng đến Việt Nam để khai thác triệt để nguồn lực này.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp ngành cũng đã chủ động thay đổi tư duy, hoàn thiện các bộ giấy phép logistics quốc tế, áp dụng công nghệ theo hướng hội nhập nên những hạn chế thường thấy trước đây của logistics trong nước khiến các khách hàng quốc tế ngần ngại đã hạn chế đáng kể.

Quan trọng hơn, nguồn nhân lực ngành logistics cũng bắt đầu được mở rộng vì nhu cầu mới của thị trường. Các lĩnh vực mới, nhất là công nghệ như e-logistics hay logistics cho e-commerce đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn cao hơn.

Thông thường, các đối tác lớn sẽ cung cấp các giải pháp đào tạo này, việc cần làm của doanh nghiệp là triển khai phòng ban chuyên môn trên cơ sở xây dựng lực lượng nhân sự nhằm chuẩn bị cho dự án. Nhân lực trẻ có xu hướng tiếp thu nhanh cùng khả năng về tiếng Anh cũng đã khiến quá trình này diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Bản thân ASL đã làm gì để tận dụng được hấp lực này của nền kinh tế?

Bà Võ Thị Phương Lan: Như đã nói ở trên, các lĩnh vực mới tại Việt Nam sẽ thu hút nguồn đầu tư từ đối tác quốc tế, do đó tiếp cận các khu vực mới của ngành, nhất là logistics công nghệ, được ASL đặt ra như một trong những chiến lược trọng tâm trong giai đoạn này.

Doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận lĩnh vực logistics cho thương mại điện tử B2B

Gần đây nhất ASL cũng có cơ hội làm việc với một trong số những “gã khổng lồ” thương mại điện tử thế giới để xây dựng các đề án quan trọng cho ngành e-commerce và logistics tại thị trường Việt Nam.

Các đối tác này quan tâm đến các công ty logistics Việt Nam vì khả năng vận chuyển hàng hóa đến các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu nhưng yêu cầu các gói dịch vụ bao trọn với giá thành cạnh tranh.

Các công ty ASL có những ưu đãi về vị trí (Việt Nam giáp sát với Trung Quốc, trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh), năng lực (các giấy phép quốc tế, kinh nghiệm) và mạng lưới (đối tác) giúp giá dịch vụ thấp hơn nên sẽ dễ dàng thu hút các doanh nghiệp lớn. Nói cách khác, với những trường hợp này, đơn vị logistics vừa làm cố vấn, vừa là người triển khai dự án.

Hội nhập quốc tế cũng đặt ra cho logistics yêu cầu về sự nhập cuộc nhanh hơn. Hiểu được điều này, ASL đã chủ động chuẩn bị cho mình các văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Ngoài giấy phép kinh doanh, giấy phép đại lý hải quan (hiện ASL là đại lý hải quan cho rất nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam), công ty còn sở hữu giấy phép vận chuyển đa quốc gia, đội xe container/tải riêng tiêu chuẩn quốc tế cùng đội ngũ làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp.

Với nền tảng này, ASL đã xây dựng tương đối hoàn thiện mô hình dịch vụ trọn gói (door-to-door services) từ Việt Nam đi quốc tế, từ hàng B2B (Business-to -Business) đến các công hàng lẻ.

Đối với các nhà xuất khẩu, dịch vụ logistics trọn gói xuất hiện là để tạo sự yên tâm và tiết kiệm thời gian cho họ. Khách hàng chỉ việc sản xuất hàng hóa và để tại nhà máy, những công ty như ASL phụ trách phần giao nhận từ nhà máy đến đơn vị nhận.

Các kênh thương mại điện tử B2B như Alibaba có rất nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam và họ đề nghị các nhà cung cấp này xuất hàng đi nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử B2B của họ, dịch vụ logistics trọn gói như ASL đã làm chính là chìa khóa cuối cùng cho quy trình trên.

Doanh nghiệp thương mại điện tử B2B thường không chuyên về lĩnh vực logistics nên sẽ tìm kiếm các đơn vị chuyên ngành về logistics B2B có tiềm năng (còn khu vực thương mại điện tử B2C thường có hệ thống giao nhận riêng của từng doanh nghiệp).

Để đến với mô hình vận chuyển B2B như trên, ASL đang xây dựng một lộ trình, chiến lược kinh doanh - marketing, kế hoạch xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực thật sự chặt chẽ. Trong đó, nền tảng cụ thể nhất là phải xây dựng được 1 phòng e-commerce B2B (khoảng 20 nhân viên chuyên nghiệp, tiếng Anh thông thạo) ngay tại doamh nghiệp. Tiếp sau đó là cơ sở vật chất hoàn thiện và khả năng đào tạo được cho đội ngũ trẻ.

Là một người đồng hành và thấu hiểu logistics tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Theo bà, hiện nay Việt Nam có những sản phẩm logistics nào mới có khả năng phát triển thời gian tới?

Bà Võ Thị Phương Lan: ASL tự ý thức là một doanh nghiệp năng động, thích ứng cao với nền kinh tế dù ở thời điểm nào nên các xu hướng (nếu có) cũng chính là định hướng kinh doanh ASL theo đuổi trong giai đoạn đó. Ngoài các mô hình đã đề cập ở trên, hiện tại, từ 2017-2018, ASL có các dịch vụ mới ngoài các dịch vụ logistic truyền thống.

Thứ nhất, là dịch vụ liên vận quốc tế (cross-border service), cụ thể cho lộ trình chuyển hàng từ Trung Quốc đến Campuchia. Thông thường hàng sẽ được di chuyển qua đường biển từ Trung Quốc đến cảng Sihanoukville, đây là quãng đường xa cùng chi phí vận chuyển lớn, dịch vụ ASL cung cấp sẽ cắt giảm chi phí này mà hàng vẫn được chuyển xuyên suốt (không qua trung gian).

ASL trước đây có giấy phép vận tải và đội xe quốc tế, bây giờ bổ sung thêm giấy phép liên vận (cross-border), nghĩa là từ nay xe của ASL từ Việt Nam có thể chạy thẳng đến tận nơi cần giao tại Campuchia được.

Quy trình này cụ thể như sau: hàng từ Trung Quốc và các nước chuyển về cảng tại TP. Hồ Chí Minh và đội ngũ ASL sẽ làm thủ tục hải quan chuyển tiếp (giai đoạn này cần giấy phép đại lý hải quan). Sau đó, xe của ASL (tài xế có giấy phép vận chuyển hàng hóa trong tiểu vùng sông Mekong - GMS) đến cảng bắt đầu chuyển hàng đến cửa khẩu Mộc Bài.

Từ Mộc Bài muốn chuyển tiếp qua Campuchia, lại phải có giấy phép vận tải đa phương thức quốc tế để qua cửa khẩu. Qua cửa khẩu rồi nhưng để chạy đến Phnong Penh thì phải có giấy phép vận chuyển hàng qua Campuchia.

Giấy phép đại lý hải quan thì ở Việt Nam khá phổ biến, nhưng có thì cũng không vận chuyển hàng qua biên giới được mà phải có đội xe quốc tế (tài xế có các giấy phép riêng) và giấy phép vận tải đa phương thức quốc tế (văn bản pháp lý này rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vì đòi hỏi nhiều điều kiện).

Thứ hai là dịch vụ vận chuyển hàng “siêu trường, siêu trọng” (transformer). Khách hàng gần nhất của ASL chính là các thủy điện của Việt Nam mà cụ thể là thủy điện A Lin (Huế).. Toàn bộ giàn máy tua-bin đặt tại công trình được ASL đảm nhận việc vận chuyển và làm thủ tục hải quan từ Ấn Độ đến cảng Hải Phòng rồi đến Đà Nẵng.

Bà đánh giá thế nào về tổng quan thị phần ngành logistics hiện nay? ASL đang ở đâu trong bức tranh chung đó?

Bà Võ Thị Phương Lan: Đối với lĩnh vực này, thị phần rất khó xác định vì tuy có nhiều doanh nghiệp nhưng mỗi người chuyên về 1 mảng hoặc nhiều mảng khác nhau.

Chỉ một chữ logistics nhưng có thể hiểu theo nghĩa rất rộng. Thậm chí doanh nghiệp khai thác các mảng như kho bãi (warehousing - Việt Nam có những đơn vị chi chục triệu USD chỉ để làm kho bãi) hay vận tải (xe container, xe tải) thì vẫn là công ty logistic. Ngoài ra thì còn NVOCC, những công ty chỉ làm về air cargo, bao bì… cũng là logistics. Vì vậy, nói nước ta có mấy ngàn doanh nghiệp logistic nhưng thật ra có doanh nghiệp chỉ tập trung một mảng.

Riêng ASL thì mang tính tích hợp hơn (vừa có xe, vừa là đại lý hải quan và cũng làm NVOCC). Nhìn chung, những công ty tương tự ASL có khoảng 50 công ty, nhưng tùy theo quy mô và mỗi người có một thế mạnh riêng, ASL mạnh ở dịch vụ ‘door-to-door service’ và chuỗi vận chuyển xuyên suốt đã nói ở trên.

Xét về thị phần (market segment) thì tại thị trường miền Nam, ASL có thể nằm ở 10 doanh nghiệp dẫn đầu (chỉ xét trong nhóm nội địa, không thể xét với doanh nghiệp quốc tế được, nhất là về mảng giao nhận quốc tế - frieght forwarding). Còn vể đội xe vận tải thì ASL được đánh giá nằm trong số 30 công ty ở Việt Nam. Tuy vậy tổng doanh thu không thể so sánh với các tập đoàn lớn.

Cảm ơn bà về buổi trò chuyện!

Ha Sony/TheLeader