Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sương mù bủa vây đế chế Sir Philip Green

17/10/2019 22:02

Philip Nigel Ross Green là một người London, đặc biệt hơn là một “cậu bé ngoại ô Croydon” và là một doanh nhân được truyền thông gọi là “wheeler-dealer - người khéo mặc cả trong các thương vụ”.

Tuy nhiên, đế chế hùng mạnh này đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, nếu không thể ứng phó được với những khủng hoảng trong tương lai, đặc biệt là những rắc rối xung quanh kế hoạch Brexit cứng của Thủ tướng Boris Johnson.
Philip Green khởi đầu là một người học việc trong một nhà kho giày, trước khi thành lập doanh nghiệp nhập khẩu và bán quần jean. Năm 1985, khi mới 23 tuổi, ông đã mua được chuỗi cửa hàng thời trang Jean Jeanie đình đám của người Hồi giáo với giá 78.000USD. Chỉ 6 tháng sau, ông đã bán lại với giá hơn 3 triệu USD. Và câu chuyện về Green, người quyết định thương vụ (deal maker) thực sự bắt đầu.

Xây đế chế tỷ đô từ kho chứa đồ

Tới cuối những năm 90, cái tên Philip Green nổi lên như một “hiện tượng” trong lĩnh vực bán lẻ tại Anh. Để cạnh tranh với các đối thủ lớn lúc bấy giờ, Green đã lên kế hoạch thâu tóm một số chuỗi cửa hiệu lớn khác trên thị trường. Cơ hội đã đến với ông khi chuỗi cửa hiệu BHS đã có nhiều năm thống lĩnh trên thị trường bán lẻ đang rơi vào giai đoạn tụt dốc, ban lãnh đạo đã phải rao bán BHS với mức giá 200 triệu bảng. Chớp lấy thời cơ này, Green đã dồn toàn bộ số vốn đang có khoảng 50 triệu bảng và sau đó vay thêm 150 triệu bảng để tiến hành ngay thương vụ mua lại.
Sương mù bủa vây  đế chế Sir Philip Green ảnh 1
Ông còn tiếp tục thâu tóm Arcadia Group, một trong những tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ của Anh để sở hữu một loạt các cửa hiệu danh tiếng như Burton, Evans, Outfit, Topshop... Arcadia Group đã dần trở thành một đầu mối đặc biệt quan trọng trong chuỗi cửa hiệu bán lẻ của Green, góp phần không nhỏ tạo nên hệ thống bán lẻ thời trang lớn nhất tại Anh. Đế chế bán lẻ Green đã ra đời từ đây, và Sir Philip Green trỗi dậy từ kho chứa đồ để trở thành một trong những nhân vật tầm cỡ nhất trong ngành bán lẻ Vương quốc Anh.
Năm 2005, Green và vợ là Lady Tina Green đã kiếm được 2,1 tỷ USD (1,2 tỷ bảng Anh) từ Arcadia, mức lương cao nhất trong lịch sử bán lẻ ở Anh. Sau đó 1 năm, Forbes ước tính tài sản kết hợp của vợ chồng Green lên đến 5,9 tỷ USD, đưa tên tuổi của Greens lên hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ của quốc gia và đảng Lao động của Thủ tướng Tony Blair đã trao tặng cho ông danh hiệu hiệp sĩ (Sir) trong ngành dịch vụ bán lẻ. Năm 2009, thương hiệu thời trang bình dân Anh quốc Topshop chính thức đổ bộ vào nước Mỹ với tham vọng tạo nên một đế chế hùng mạnh tại đây.
Đế chế cạn kiệt
Tuy nhiên, may mắn của “ông vua phố thương mại Green” dường như đang cạn kiệt, mất cân bằng trong việc thích nghi và phát triển công nghệ của chuỗi cửa hàng Topshop, và kế hoạch giải cứu đế chế tỷ đô này có thể bị cản trở vì thỏa thuận Brexit cứng.
Vào thời kỳ đỉnh cao, cửa hàng Topshop được đặt tại London Oxford Circus thuộc trung tâm West End được xem như cửa hàng thời trang đường phố cao cấp lớn nhất thế giới, thu hút hơn 200.000 lượt mua sắm mỗi tuần. Riêng sự kiện ngày 1-5-2007 “Moss-Mania” đã thu hút hơn 2.000 người mua sắm tại London xếp hàng cả đêm để có được những món quà trong bộ sưu tập thời trang đầu tiên của hãng. Vào năm 2007, lợi nhuận của Arcadia đạt mức 490 triệu USD, tổng doanh thu của tập đoàn lên 3,81 tỷ USD. Nhưng thời kỳ hoàng kim của Topshop lại không thể duy trì được lâu trước một “thương vụ tử thần”.
Sương mù bủa vây  đế chế Sir Philip Green ảnh 2Thời kỳ hoàng kim, cửa hàng Topshop thu hút hơn 200.000 lượt người mua sắm mỗi tháng.
Năm 2012, Green đã bán 25% cổ phần trong chuỗi bán lẻ Topshop cho công ty tư nhân Mỹ Leonard Green & Partners với giá ước tính 805 triệu USD. Thỏa thuận này được cho là đi trước mở rộng thị phần của Topshop tại Mỹ, theo đó chỉ riêng giá trị của Green đã lên đến hơn 3 tỷ USD. Nhưng thất bại trong việc thích nghi với sự thay đổi thói quen của người mua hàng đã khiến Green phải trả giá quá đắt.
Natalie Berg, nhà phân tích bán lẻ tại NBK Retail, cho rằng Topshop đã bị tụt hậu về mức độ phổ biến vì cách tiếp cận nửa vời trong việc nắm lấy công nghệ. Mặc dù có mặt tại Mỹ từ sớm, nhưng sau 10 năm, hãng chỉ mở được tổng cộng 11 cửa hàng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Không riêng tại Mỹ, tình hình làm ăn nói chung của Topshop đã có dấu hiệu tụt dốc khi hãng phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ đồng hương sừng sỏ khác như ASOS và Boohoo. Cả 2 thương hiệu này đều được đánh giá là nhỉnh hơn Topshop về cả tốc độ sản xuất hàng cũng như độ nhanh nhạy trong việc bắt sóng xu hướng.
Trả lời phỏng vấn với Financial Times vào năm 2015, Green đã mô tả về một thỏa thuận ông gọi là giao dịch đầu tư mạo hiểm điển hình. Nhưng 1 năm sau đó, nhà tư bản phiêu lưu mạo hiểm đã trở thành tỷ phú bị gièm pha nhất nước Anh vì vai trò của ông trong việc để BHS sụp đổ, đặt lương hưu của 19.000 công nhân Anh trong tình trạng rủi ro cao. Và danh tiếng của Green mất dần từ đây mặc dù ông đã đồng ý trả khoảng 450 triệu USD để bù đắp thâm hụt lương hưu vào năm 2017.
Vào tháng 4-2019, sự gia tăng của các lựa chọn trực tuyến như Boohoo, ASOS và việc Green bỏ qua nhận thức về các cửa hàng “lỗi thời” khiến Arcadia chỉ trả 1USD để mua lại 25% cổ phần, biến viên ngọc bán lẻ của Green giảm từ 3 tỷ USD xuống vô giá trị. Trong vòng 7 ngày, giám đốc điều hành David Shepherd và chuyên gia tái cấu trúc Jamie Muffond Smith đều từ chức.
Một tin tức tồi tệ hơn vào 6-2019, Finacial Times đã báo cáo việc Lloyd Bank rời khỏi Arcadia, bán lại 7,6% cổ phần của họ với số tiền trị giá 1 bảng Anh, chấm dứt mối quan hệ lâu dài với gia đình Green.

Đối mặt khủng hoảng

Quỹ đầu tư Taveta Investments, sở hữu Arcadia Group đã cho thấy những khó khăn trong việc tái cấp vốn khoản vay 310 triệu bảng cho cửa hàng Topshop’s Oxford Street, khoản vay sẽ hết hạn vào tháng 12 đồng nghĩa với việc họ sẽ phải huy động vốn mới. Các khoản đầu tư của Taveta cũng báo cáo khoản lỗ 177 triệu bảng và cảnh báo về thỏa thuận Brexit cứng có thể cản trở kế hoạch giải cứu 3 năm của đế chế này.
Green đang nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ vào tháng 6-2019 sau khi giành được sự ủng hộ của các chủ nợ cho kế hoạch giải cứu liên quan đến việc đóng cửa khoảng 50 cửa hàng, sa thải 1.000 nhân viên và cắt giảm tiền thuê tới 50%.
Giám đốc tài chính của Quỹ đầu tư Taveta, ông Gillian Hague cho biết: “Các số liệu tài chính của tập đoàn đang cho thấy sự không chắc chắn về khả năng hoạt động từ việc thanh toán tiền mặt đến các thỏa thuận cấp vốn”. Điều này cũng được nhấn mạnh trong một tuyên bố tương tự của kiểm toán viên Paul Cragg khi “có sự không chắc chắn” có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng duy trì của Arcadia.
Doanh số của tập đoàn giảm 4,5%, xuống còn 1,82 tỷ bảng so với năm 2018, chủ yếu liên quan đến việc cho thuê các cửa hàng thua lỗ khiến tập đoàn rơi vào bảng đỏ. Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2019 nước Anh đã chứng kiến hơn 1.000 cửa hàng phải đóng cửa.
Để cứu tập đoàn đang trên đà phá sản, bà Tina Green đã đồng ý cho công ty vay 50 triệu bảng và cam kết đầu tư thêm 50 triệu bảng tiền mặt giúp đỡ cho các kế hoạch xoay vòng. Bà Green cũng rót 100 triệu bảng vào chương trình lương hưu của Arcadia trong 3 năm. Các khoản thanh toán nhằm đảm bảo sự hỗ trợ cho kế hoạch tái cơ cấu Arcadia. Arcadia đã thành lập một quỹ tín dụng lên tới 40 triệu bảng để có tiền trả chi phí dịch vụ sửa chữa các cửa hàng.
 Kể từ năm 2016 đến nay, Philip và Cristina Green đã chứng kiến khối tài sản mất tới 3,38 tỷ USD, trong đó, giảm còn 4,8 tỷ USD vào năm 2018; còn 3,5 tỷ USD vào đầu năm 2019; và 2,5 tỷ USD vào tháng 7-2019. Đỉnh điểm là trong năm 2019, tài sản của Arcadia Group giảm 1 tỷ USD, xương sống của đế chế hùng mạnh Green dần trở nên khô héo trong thời kỳ cực kỳ ảm đạm của ngành bán lẻ ở Anh.

Nhã Trúc/DTTCO

Bạn đang đọc bài viết "Sương mù bủa vây đế chế Sir Philip Green" tại chuyên mục Doanh nhân.