Syria: Thiên đường tan nát trong chiến tranh

23/08/2018 22:27

Quá nhiều khó khăn bủa vây Syria trong quá trình hồi phục nền kinh tế sau nhiều năm chiến tranh.

Đống hoang tàn sau chiến tranh

Sau khi giành được chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (hay còn gọi là IS) vào năm 2017, Syria đã bắt đầu từng bước tái thiết nền kinh tế của mình. Cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt 6 năm, khiến hơn 330.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và các cơ sở hạ tầng trọng yếu bị phá hủy hoàn toàn.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria từng đạt mức 60,2 tỷ USD vào năm 2010, song con số này trong năm 2016 đã giảm hơn một nửa xuống còn 27,2 tỷ USD (tính theo giá năm 2010). Theo các chuyên gia, nếu tính đến tỷ lệ tăng trưởng thực, tổng thiệt hại kinh tế của Syria đã lên tới ít nhất 430% GDP (tính theo giá năm 2010), và đây là một trong những mức thiệt hại lớn nhất về GDP do xung đột gây ra kể từ sau Thế chiến Thứ hai.

Trước khi cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 3/2011, Syria thường được nhắc đến như một quốc gia Trung Đông xinh đẹp, giàu truyền thống văn hoá. Đây là điểm du lịch thiên đường hấp dẫn nhất Trung Đông với những thành phố cổ kính, xinh xắn như Damascus, Aleppo...

Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột ở Syria đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia này khoảng 226 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần tổng sản phẩm quốc nội của Syria (GDP) năm 2010. Khoảng 85% dân số sống dưới mức nghèo đói, trong khi một nửa dân số không có công ăn việc làm. Động lực cho nền kinh tế Syria hầu như là đã ngưng lại. Hàng chục triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Các khó khăn hiện tại của Syria bao gồm: các rào cản thương mại quốc tế, sản lượng dầu suy giảm, thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách tăng lên, thiếu nước sạch và cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Liên Hiệp Quốc từng nhận định vào năm 2014 rằng, nền kinh tế Syria cần 30 năm để có thể phục hồi.

Quá trình tái thiết khó khăn

Các thể chế tài chính của Syria không thể cấp vốn cho nỗ lực tái thiết đất nước khi mà tổng tài sản của 12 ngân hàng của nước này chỉ vẻn vẹn 3,5 tỷ USD. Vốn tham chiến vào Syria từ năm 2015 và xoay chuyển thế cục theo hướng có lợi cho chính quyền của tổng tống Assad, Nga được cho là sẽ nhận được nhiều ưu đã và sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái thiết.

Trong một cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa Tổng thống Assad với phái đoàn Nga tại Damacus, Tổng thống đã nói rằng: "Một vấn đề quan trọng là khôi phục lại cơ sở hạ tầng, và chi phí này sẽ không dưới 400 tỷ USD và sẽ mất từ ​​10 đến 15 năm".

Một trong những lĩnh vực quan trọng giữa 2 nước là về hợp tác năng lượng. Trước chiến tranh, dầu khí đóng góp khoảng ¼ nguồn thu của chính phủ Syria. Tuy nhiên, sản lượng khí đốt năm 2017 chỉ bằng một nửa mức trước khi xảy ra xung đột và sản lượng dầu đã giảm từ 383.000 thùng mỗi ngày xuống còn 8.000 thùng/ngày.

Vào tháng 3, Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế với người đồng cấp Syria. Nga đang cố gắng đưa các công ty năng lượng của mình, một thế mạnh của Nga, vào tham gia tái cấu trúc ngành dầu mỏ của Syria.

Tổng thống Assad đã ủng hộ việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Moscow và Damascus. Ông nói: “Chúng tôi muốn các công ty Nga đến đây và đầu tư, càng nhanh càng tốt”.

Mặc dù vậy, giới quan sát phương Tây vẫn rất hoài nghi về khả năng Nga có thể giúp tái cấu trúc đất nước Syria, khi mà ngay chính bản thân nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Bất kỳ công ty Nga nào cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các nhà sản xuất dầu tại Syria sẽ có nguy cơ nhận các biện pháp trừng phạt tài chính.

Quan chức của một công cung cấp dịch vụ khai thác dầu của Nga nói: “Tôi đã đến Syria nhiều lần, nhưng chúng tôi chưa thể hình dung mình có thể làm được gì, với các lệnh cấm vận của phương Tây lên ngành dầu của Syria”. Một người khác thì nói rằng: “Vấn đề là không ai có tâm trạng làm việc. B-52 cứ bay trên đầu, lực lượng người Kurd vẫn tấn công với sự trợ giúp của Mỹ. Và đây không phải là môi trường đầu tư lý tưởng”.

"Miếng bánh" Syria thời hậu chiến cũng sẽ khiến phương Tây không thể làm ngơ. Các nước như Mỹ hay đồng minh châu Âu và tại khu vực sẽ tìm mọi cách để có thể đầu tư tái thiết Syria. Tuy nhiên, tổng thống Syria lại không hoan nghênh các công ty dầu mỏ phương Tây tới tham gia tái thiết ngành dầu mỏ của đất nước này. Các nước như Mỹ, Canada và Anh, cũng đã đóng băng khoản cam kết viện trợ 9,6 tỷ USD khi mà ông Assad vẫn là tổng thống của Syria.

Tuy nhiên, đây lại là cơ hội của Trung Quốc với sáng kiến "Nhất đới, nhất lộ" của mình. Bắc Kinh được cho là muốn tạo dựng vị thế tại Trung Đông và đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một khu công nghiệp ở Syria.

Bá Ứơc
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết "Syria: Thiên đường tan nát trong chiến tranh" tại chuyên mục Tiêu điểm.