Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tài chính cá nhân - bài 16. Dạy con về tiền bạc

24/03/2020 23:27

Kiến thức về quản lý tiền bạc, một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất của cuộc sống, chưa được dạy trong trường học. Muốn con thành công và hạnh phúc, chúng ta phải dạy kiến thức tiền bạc cho con.

Ngoài những kiến thức chính thức từ sách giáo khoa, có những nội dung quan trọng mà gia đình và nhà trường cần phải dạy, hướng dẫn cho trẻ từ lúc trẻ 3-4 tuổi cho đến khi trẻ trưởng thành. Đó là: 1) Kỹ năng sống, 2) "Học làm người" 3) Giới tính, 4) Hướng nghiệp, 5) Tiền và quản lý tiền bạc.

Các nội dung: Kỹ năng sống, Học làm người, Giới tính, Hướng nghiệp, dần dần đã được vào giáo dục trong nhà trường, và nhiều phụ huynh cũng chủ động giáo dục, hướng dẫn con em của mình các kiến thức này.

Điều khá bất ngờ là kiến thức về quản lý tiền bạc, một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất của cuộc sống, lại thì lại bị bỏ ngỏ hoàn toàn. Trường không có giáo trình, giờ dạy. Thầy cô hầu như rất ít giảng thêm về tiền. Đa số cha mẹ thì lại không chủ động dạy con về tiền mà chỉ giảng giải cho con khi "có chuyện". Hầu hết đều để cho con tự học theo kiểu quan sát, tự học từ môi trường.

Có một câu nói luôn đúng đó là "Nếu chúng ta không làm điều đó, thì người khác sẽ thay chúng ta làm điều đó". Cha mẹ không dạy con về tiền, thì con sẽ học từ người khác, sẽ tự học. Khi đó con có thể học sai hướng và điều này là một sự thiệt thòi cho con. Thực tế và những nghiên cứu cho thấy, khi có thái độ đúng về tiền và biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ trở nên dễ dàng, trở nên dễ giải quyết hơn.

Vì thế đã đến lúc phụ huynh chúng ta cần chủ động dạy con về tiền, cách quản lý tiền bạc.

DẠY CON TRẺ QUẢN LÝ TIỀN BẠC BẰNG NHỮNG CHIẾC LỌ

Người Do Thái thành công vượt trội hơn nhiều dân tộc khác. Tính theo tỷ lệ dân số, thì người gốc Do Thái đứng đầu thế giới về số lượng tỷ phú và số lượng nhà khoa học giành được giải Nobel. Họ có nhiều đóng góp cho thành tựu của nhân loại. Thống kê tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ ly dị của gia đình người Mỹ gốc Do Thái thấp hơn 90% so với những gia đình người Mỹ khác và đa số người Do thái có mức độ hài lòng cao với tài chính và công việc kinh doanh của họ. Một trong những nguyên nhân giúp người Do Thái vượt trội là do họ có thái độ đúng với tiền, và họ quản lý tiền bạc rất khôn ngoan.

Người Do Thái dạy con trí thông minh về tiền bạc bằng cách sử dụng 5 chiếc lọ. Mỗi lọ đều được dán tên tương ứng với mục đích sử dụng. Cứ mỗi lần được cho, hoặc kiếm được 10 đồng, trẻ em Do Thái sẽ bỏ 1 đồng vào mỗi lọ" đóng thuế, tiết kiệm, từ thiện; 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày.

Lọ Tithe: đóng thuế, chiếm 10%. Đây là 1 loại thuế trong tín ngưỡng của người Do Thái. Lọ này sẽ được mở ra cuối tháng.

Lọ Saving: tiết kiệm, chiếm 10%. Lọ này chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm

Lọ Giving: từ thiện, chiếm 10%. Lọ này chỉ được mở khi trẻ dùng tiền làm từ thiện để giúp đỡ người khác. Người Do Thái đã chú trọng dạy dạy cho con trẻ biết cách "cho đi" từ khi còn rất nhỏ.

Lọ Investing: đầu tư, chiếm 20%. Lọ này chỉ được mở khi nó đã đầy. Đến độ tuổi thích hợp, người Do Thái sẽ dạy con đầu tư sinh lãi.

Lọ Spending: chi tiêu hàng ngày 50%. Người Do Thái trao cho con quyền tự quyết định chi tiêu, và quyền được mắc sai lầm. Họ cho rằng, trẻ sẽ tự học sau những sai lầm này, tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và do đó sẽ trở nên thông minh trong quá trình quyết định sau này.

** Tương tự như vậy, T. Harv Eker, tác giả của "Bí mật tư duy triệu phú", cũng phát triển hệ thống 6 Jars (6 lọ) gồm 6 lọ với các tên như sau.

Necessity: Nhu cầu thiết yếu, chiếm 55%;
Long-term saving for spending: Tiết kiệm dài hạn cho chi tiêu chiếm 10%;
Financial freedom: Quỹ tự do tài chính; 10%,
Education: Giáo dục đào tạo, chiếm 10%;
Play: Hưởng thụ: 5%;
Give: Cho đi, từ thiện, chiếm 10%.

** Bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, Dương Thanh Thúy, 13 tuổi, nổi tiếng với dự án "Bé Bống bán chè bưởi" gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa thứ 2, đã cho tác giả biết rằng "Khi con còn nhỏ, mẹ con có hướng dẫn cho con đọc và tìm hiểu về cách quản lý tiền bằng 6 chiếc lọ. Và khi con bắt đầu bán chè thì con đã làm 6 chiếc phong bì, bên ngoài ghi những nội dung như tiền để mua sắm tiêu dùng, tiền để tiết kiệm dài hạn, tiền để đi du lịch vui chơi giải trí, tiền dành cho học tập, tiền để đầu tư và tiền để dành cho từ thiện".

Tôi sẽ nói chi tiết về các loại quỹ tài chính cá nhân này, cũng như cách quản lý chúng trong phần hoạch định tài chính cá nhân.

DẠY CON 3-5 TUỔI

Ngay khi trẻ 3 tuổi chúng ta có thể dạy con nhận biết tiền. "Tờ này này 10.000 đồng, tờ kia là 20.000 đồng…". "Mình lấy tiền này mua sữa, mua đồ chơi cho con".

Đôi khi chúng ta đưa con ra chỗ quầy tính tiền "Cái xe này là 100.000 đồng. Mình trả cho cô bằng tờ 100.000 này nhé".

Dạy con về giá trị của đồng tiền: tiền do lao động, làm việc mà ra. Hồi con trai tôi còn nhỏ, cháu nói ba dùng thẻ rút tiền mua cái này cái kia cho con. Tôi dạy con "Hàng ngày, ba phải đi làm thì thẻ mới có tiền, mình mới rút được, nghe con"

Có một số gia đình, quá giàu có, hoặc quá cưng chìu con, con đòi mua gì cũng cho con. Điều này tạo ra sự lệnh lạc của con về tiền. Những trẻ em được nuông chìu quá mức như thế sẽ tưởng rằng tiền của ba mẹ là vô hạn, hoặc tiền rất dễ kiếm. Thay vì nuông chiều, hãy nói với với con "Mỗi ngày ba chỉ có bao nhiêu tiền này thôi". "Mình mua con búp bê đó thì mình không còn tiền mua sữa cho con đó!"

DẠY CON 6-10 TUỔI

Dạy con tiết kiệm và để dành tiền. Để tiền trong heo đất sẽ tạo sự hồi hộp về số tiền khi khui heo. Còn để tiền trong heo bằng thủy tinh sẽ giúp cho con thấy rõ tiền tích lũy và tăng lên. "Tuần trước con có 1 tờ 50.000 đồng. Tuần này con có 2 tờ 50.000 đồng kìa". Điều này làm cho con thích thú và mong muốn tiết kiệm.

Thỉnh thoảng, hãy để con dùng tiền từ heo đất ra để mua đồ con muốn. "Món này là ngoài danh sách nghen con gái. Con muốn mua thì con dùng 200.000 đồng từ heo của con. Mẹ sẽ hùn với con 200.000 đồng là đủ 400.000 đồng". Chúng ta làm vậy sẽ giúp cho con biết được tiền của con, và tiền do cha mẹ cho, giúp cho con biết quý đồng tiền hơn.

Chúng ta luôn phải làm gương cho con. Chúng ta thường cho rằng con chưa biết gì. Thật ra thì ở tuổi này con đã biết quan sát cha mẹ về những hành vi ứng xử với tiền. Ba mẹ nói con phải tiết kiệm nhưng khi mua đồ dùng cho mình, hoặc khi đi ăn nhà hàng thì ba mẹ lại vung tay. Con quan sát thấy, để lại hết trong đầu. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy rằng, thói quen về tiền bạn của trẻ em được hình thành từ năm 7 tuổi và có khuynh hướng bắt chước, copy từ những hành vi của cha mẹ. Do vậy chúng ta phải luôn làm gương, hành động đi với lời nói, không chỉ việc quản lý tiền bạc, mà còn cho tất cả những việc hàng ngày khác.

Khi con đòi mua những món đồ đắt tiền, hãy giải thích cho con giá của nó. "Con trai à, chiếc xe mô hình này giá 4 triệu. Bằng nửa tháng làm việc của các anh chị trong xưởng đó." Những so sánh đó sẽ làm cho con hiểu hơn về cái giá của món đồ. Con sẽ từ bỏ ý định mua. Chúng ta đừng bao giờ giận dữ với con "Con nghĩ sao vậy, cái xe nhỏ xíu đó 4 triệu, nhà mình nghèo làm sao có tiền mua". Cũng đừng chìu con "Ba mua liền. Nhưng con phải chơi lâu chứ không bỏ nhen". Chìu như vậy, con sẽ hư.

Dạy con về sự đánh đổi. "Nếu con mua trò chơi này thì năm sau con mới có thể mua giày ". Con cần học cách cân đo sự quan trọng của các món đồ để ra quyết định. Hãy hỏi lại con "Con thích game này thật hả? Con không thích đôi giày nữa hả. Con suy nghĩ kỹ chưa nè?". Không chỉ trong tiền bạc, mà chúng ta hãy luôn dạy con về sự đánh đổi, về sự lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Con chọn A thì không có B. Mà chọn B thì không có A".

Dạy con kiếm tiền bằng cách cho con phụ làm công việc nhà. Chúng ta nên phân biệt ra những việc thuộc về trách nhiệm của con như: đánh răng, rửa mặt, dọn giường của mình, dọn dẹp phòng... Những việc này chúng ta không nên thưởng tiền cho con. Mà phải giải thích đó là trách nhiệm của con đối với với bản thân mình và với gia đình. "Con mà không đánh răng trước khi đi ngủ thì con là con hư. Răng con sẽ bị sâu. Con không đánh răng 1 buổi mẹ sẽ trừ của con …điểm". Đối với những việc không thuộc trách nhiệm của con, như lau dọn vườn, nhổ cỏ…thì ba mẹ có thể thưởng điểm và đổi thành tiền cho con. Đây là cách dạy con làm việc, kiếm tiền và quý tiền.

DẠY CON 11-15 TUỔI

Dạy con sự khác biệt giữa cần và muốn. "Con không thể có tiền để mua hết mọi thứ trên đời. Đồng phục, sách vở, phiếu ăn trưa …. là những thứ cần thiết mình phải ưu tiên mua trước. Còn Ipad thì con thích chơi nhưng không phải là đồ cần thiết mình chưa mua lúc này".

Dạy con hoãn lại 1 ngày trước khi quyết định dùng tiết tiết kiệm để mua món gì mà con quá thích. Qua 1 ngày, đa số trong các trường hợp là con sẽ không còn giữ ý thích tức thời đó nữa.

Dạy con làm kế hoạch ngân sách, cân đối thu chi. Từ những năm con trai tôi 11 tuổi, cháu đã được làm cố vấn cho ba mẹ các cuộc đi chơi, và đến năm 14 tuổi thì ba mẹ giao luôn cho làm tour leader/ trưởng đoàn các cuộc đi chơi. Con chịu trách nhiệm từ việc mua vé máy bay, đặt khách sạn, đi taxi hay xe bus, chi tiêu mỗi ngày ….hợp lý và trong ngân sách đã được giao. Cuối chuyến đi ba mẹ thảo luận với con, điểm nào con làm tốt, điểm nào cần rút kinh nghiệm. Những bài học thực tế như vậy, rất tốt cho tư duy quản lý tiền bạc của con.

Dẫn con ra ngân hàng mở sổ tiết kiện cho con, ba mẹ đứng tên giúp. Dạy cho con tiền phải sinh ra tiền. Ngân hàng là 1 công cụ đầu tư, sinh tiền cơ bản nhất.

Dạy con biết "cho đi", biết làm từ thiện, hướng về điều tốt đẹp. Ba mẹ có thể dẫn con cùng tham gia các chương trình từ thiện, hoặc hướng cho con tổ chức từ thiện cùng bạn bè. Tiền cho từ thiện phải là tiền do con làm ra hoặc tiết kiệm được. Và dạy cho con sự cảm thông với người khác. Dạy cho con cảm nhận sự hạnh phúc của người "cho đi". "Con cho như vậy là con cảm thấy hạnh phúc, vì con giúp được người khác, và con sẽ cảm nhận giá trị của những đồng tiền con làm ra, con sẽ cảm nhận hạnh phúc khi con trao đi cho người khác".

DẠY CON 16-18 TUỔI

Có nhiều gia đình giàu quá mức, thương con đến mức bao cấp toàn bộ chuyện tiền bạc cho con. Làm như thế là không hoàn toàn đúng. Con cái được đặt tiền vào tay thì có thể sẽ không có bản lãnh để quản lý tiền, không có bản lãnh để vượt qua khó khăn nếu sóng gió ập đến. Cha mẹ khôn ngoan sẽ dạy con như thế này " Ba mẹ luôn yêu thương con, nhưng khi con lớn lên con sẽ là người làm ra tiền, quản lý tiền và sinh sôi tiền. Con phải chịu trách nhiệm với cuộc sống, và tiền bạc của chính mình. Ba mẹ không thể làm thay cho con"

Dạy con về 4 nhóm nghề nghiệp: làm công, làm tự do làm chủ doanh nghiệp, làm nhà đầu tư dài hạn. Dạy con tự tìm hiểu "Con thích làm gì nhất. Con làm cái gì giỏi nhất. Xã hội đang cần cái gì nhất". "Nếu con được 3 trong 1 thì quá tốt. Không thì con phải lựa chọn theo từng giai đoạn.

Dạy con biết hiệu quả của lãi suất kép, như trong bài 1. "Tiết kiệm đều đặn mỗi tháng, đầu tư khoản tiền này, sau một thời gian sẽ có cả gia tài". "Khi con bắt đầu làm ra tiền con cần phải tiết kiệm. Ngay khi nhận được tháng lương đầu tiên, con hãy trích ngay 10% để giữ lại. Con tiết kiệm hàng tháng, hàng năm, và đầu tư số tiền này sau một thời gian, nhờ tác dụng của lãi suất kép, con sẽ có 1 số tiền lớn cho mục tiêu tài chính của mình". Con tiết kiệm 1 tháng 3 triệu, đầu tư với tỷ suất lợi nhuận 15%/năm, sau 20 năm con sẽ có 4,2 tỷ.

Dạy cho con về những công cụ đầu tư của nhà đầu tư nghiệp dư như trong bài 2, trong đó quan trọng nhất là bất động sản đầu tư và quỹ đầu tư, và đặc biệt là cổ phiếu dài hạn. Nhưng con cần nghiên cứu kỹ để chọn lựa và đầu tư cho đúng.

Dạy cho con nguyên tắc về rủi ro, nguyên tắc không có một buổi trưa miễn phí nào trong kinh doanh và đầu tư. Khi có dự án cam kết tỷ suất lợi nhuận cao hơn ngân hàng thì chắc chắn là có rủi ro, khó xảy ra. Còn dự án mà cam kết cao hơn ngân hàng nhiều lần thì mang tính lừa đảo.

Dạy con chơi với bạn công bằng, quân tử. Không lợi dụng bạn về tiền bạc, và cũng không để bạn lợi dụng.

Dạy con về giá trị của con người. Dạy con không theo đuổi những vật chất phù phiếm.

Dạy con "tiền bạc cực kỳ quan trọng nhưng chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu. Mục tiêu là những gì mà tiền đem lại cho cuộc sống của con, mục tiêu còn là hạnh phúc, và là những giá trị mà con đóng góp cho cuộc đời".

Tác giả: Lâm Minh Chánh – Giám đốc trường QTKD Bizuni

Bài 1 – Tiết kiệm đều đặn hàng tháng, đầu tư số tiền này, bạn sẽ có cả 1 gia tài!

Bài 2 – Nhà đầu tư nghiệp dư. Các nguyên tắc vàng trong đầu tư. Rủi ro trong đầu tư.

Bài 3 – Đầu tư vào doanh nghiệp. Mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Bài 4 – Tại sao chơi Casino và kinh doanh ngắn hạn (trading) thua nhiều hơn thắng.

Bài 5 – Vàng. Nhà đầu tư nên có 5%-10% vàng trong danh mục tài sản.

Bài 6 – Tài chính cá nhân: Cơ bản về Bảo hiểm nhân thọ

Bài 7 – Tỷ suất sinh lời trong đầu tư và cách tính

Bài 8 – Vay Mượn – Con dao hai lưỡi: Bạn có biết cách vay mượn tiền thế nào cho hiệu quả?

Bài 9: Tình hình thực tế ngày 29/2/2020 (Dự án “Nhà trọ tiền chế, thuê – xây dựng – cho thuê”

Bài 10: Sự thật về thu nhập thụ động: Có thật sự thụ động, làm ít hưởng nhiều?

Bài 11: Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền để đạt mục tiêu tài chính, bất cứ ai cũng có thể áp dụng!

Bài 12: Vay tiền mua nhà hay là thuê nhà và để tiền đầu tư?!

Bài 13: Chơi hụi có tốt không?

Bài 14: Nguyên tắc chọn và đầu tư cổ phiếu trong dài hạn (phần 1)

Bài 15: Thu Nhập Khi Về Hưu!

 

Bạn đang đọc bài viết "Tài chính cá nhân - bài 16. Dạy con về tiền bạc" tại chuyên mục Tài chính.