Tài chính cá nhân - bài15. Thu Nhập Khi Về Hưu!

22/03/2020 09:58

Khi về hưu, nếu bạn muốn một cuộc sống như tương đương như hiện tại thì bây giờ bạn phải phải tiết kệm và đầu tư bao nhiêu 1 tháng?!

Khi đến tuổi 60 tuổi, chúng ta sẽ về hưu. Dĩ nhiên sẽ có người ngừng công việc để sống an nhàn hưởng tuổi già, có người vẫn tiếp tục làm việc để khỏi buồn, và để chứng tỏ giá trị bản thân. Có người sẽ tiếp tục "chiến đấu" không mệt mỏi. Nhưng trong đa số trường hợp, thu nhập chúng ta sẽ giảm khá nhiều so với thu nhập khi ta còn làm việc. Vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho tuổi hưu trí của mình?

Sẽ có người nói tới đâu hay tới đó, “Trời sinh voi thì trời sinh cỏ”.
Có người nói tôi sẽ sống bằng lương hưu từ BHXH.
Có người nói sẽ làm thêm, làm tự do.
Có người nói tôi sẽ khởi nghiệp, sẽ giàu có và tự lo cho mình. (Chắc anh ta nghĩ khởi nghiệp chắc chắn thành công?!)
Có người nói con tôi sẽ lo cho tôi như tôi đã từng lo cho ông bà nội, ông bà ngoại của cháu. Nếu chúng ta được con cái lo thì quá tốt rồi. Vì đó không chỉ là tiền mà còn là tình yêu thương hiếu thảo. Tuy vậy, xã hội của Việt Nam chúng ta đang thay đổi theo xu hướng hiện đại, phương Tây. Đó là cha mẹ chỉ lo cho con đến 18 tuổi, cao lắm là 22 tuổi, và về già thì cha mẹ tự lo.
Thế hệ 6X, 7X và 8X là thế hệ chuyển giao giữa xu hướng cũ và xu hướng mới. Nghĩa là chúng ta vẫn giống như bố mẹ mình, lo lắng bảo bọc cho con không phải đến 18,22 như người phương Tây, mà đến 30, 40 tuổi. Nhưng con của những người thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X chúng ta có thể sẽ theo xu hướng hiện đại, sống độc lập, vì thế có thể sẽ không chu cấp 100% cho chúng ta khi chúng ta về hưu. Không phải là con chúng ta không thương chúng ta, nhưng bởi vì xu hướng xã hội đã thay đổi.

Vì thế, chúng ta hãy chủ động thu nhập khi về hưu của mình, đừng phó thác cho ông trời hay bất kỳ ai khác. Bài này sẽ cụ thể hóa việc chuẩn bị tiền ngay bây giờ để có thể sống một cuộc sống độc lập khi về hưu. Nếu chúng ta chuẩn bị tiết kiệm từng tháng, và đầu tư từng năm thì áp lực sẽ không phải là quá lớn.

***** Ví dụ anh A, năm nay 30 tuổi, thu nhập sau thuế, sau BHXH là 40 triệu. Giả sữ các doanh nghiệp (người sử dụng lao động) của anh A đã đóng BHXH cho anh A, từ năm anh A 25 tuổi, trên mức lương bình quân tháng là 35 triệu.
Anh A tiêu dùng mỗi tháng khoản 30 triệu. Anh A muốn duy trì một mức sống tương đương với múc tiêu dùng hiện tại (30 triệu/tháng), thì mỗi tháng anh sẽ tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu?
Giả sử mức tỷ suất sinh lợi của từ 30 – 60 tuổi của anh A là 10%/năm, mức tỷ suất sinh lợi sau 60 tuổi là 8% năm, lạm phát là 3% mỗi năm, và anh A sống đến 80 tuổi.

Giải thích:
Anh A muốn sống 1 cuộc sống tương đương với mức hiện tại (30triệu/tháng), tức là số tiền mà anh tiêu dùng hàng tháng nhận vào năm anh 61 tuổi sẽ có sức mua tương đương với 30 triệu hiện nay. Lạm phát là 3%/1 năm, và lạm phát cũng có tác dụng như lãi suất kép (nhưng theo chiều ngược lại), do đó số tiền tương đương với 30 triệu hiện nay vào năm anh 61 tuổi sẽ lớn hơn 30 triệu nhiều. Cụ thể nó sẽ là = 30*(1+3%)^30 = 54.183.337 đồng

Các doanh nghiệp của anh A đóng Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) trên mức lương 35 triệu trong 25 năm. Số % lương hưu anh được hưởng là = Tối thiểu của (75%, 45%+2*số năm đóng BHXH)= Tối thiều của (75%, 105%) = 75%.
Như vậy mức lương hưu từ BHXN của anh A vào năm anh 61 tuổi sẽ là = 35 triệu * 75% = 26.250.000. Theo tinh thần của BHXH, mức lương hưu này, hàng năm cũng sẽ được điều chỉnh theo lạm phát.

Vào năm 61 tuổi, háng tháng Anh A cần 54.183.337 đồng một tháng, và đã có 26.250.000 từ BHXH, nên anh A sẽ cần có thêm mỗi tháng 1 số tiền là = 54.183.337 - 26.250.000 = 27.933.337 đồng/tháng, tương đương = 12*27.933.337 = 335.200.044 đồng/năm, tại năm anh A 60 tuổi. Và số tiền này phải tăng theo kịp với lạm phát.

Như vậy anh A cần có 1 số tiền vào năm 60 tuổi, số tiền này đầu tư với tỷ suất sinh lợi thật là 5% để sinh ra lãi hàng hàng năm là 335.200.044 đồng.
(Tỷ suất sinh lợi trước lạm phát là 8%, mà lạm phát 3%. Tiền tăng trưởng lên 8% thì lại bị kéo xuống 3% do lạm phát, nên nên tỷ suất sinh lợi thật sẽ là = 8% - 3% = 5%/năm)

Sẽ có 2 phương án cho anh A lựa chọn: Phương án 1 (còn tiền gốc), và phương án 2 (không còn tiền gốc).

** Phương án 1: Số tiền, gọi là A1 này, sau khi sinh lãi 335.200.044 đồng hàng năm, từ năm anh A 61 tuổi cho đến năm anh A từ trần vào năm 80 tuổi thì vẫn có nguyên tiền gốc. Số tiền gốc tức gia tài này, anh A có thể để lại cho con cái, người thân hay xã hội.

Chúng ta tính số tiền của phương án 1:
Công thức tính số tiền gốc sinh lãi đều đặn là = số tiền gốc = số tiền lãi/lãi suất.
Như vậy số tiền gốc cần đầu tư vào lúc 60 tuổi sẽ là = 335.200.044/5% = 6.704.000.890 đồng.
(Lấy số tiền gốc 6.704.000.890 đồng này nhân cho tỷ suất sinh lợi thực là 5, chúng ta sẽ ra lãi hàng năm là 335.200.044 đồng)

Bây giờ nhiệm vụ của ta là tìm ra số tiền mà anh A cần tiết kiệm và đầu tư hàng tháng từ 30 tuổi đến 60 tuổi để có được số tiền 6.704.000.890 lúc anh 60 tuổi.

Các bạn hãy đọc lài bài 1 “Đầu tư đều đặn số tiền hàng tháng, sau 1 thời gian chúng ta sẽ có 1 số tiền lớn” nhé. Bài đó là bài toán thuận: đầu tư hàng tháng số tiền cụ thể, sau một thời gian ta có số tiền nào đó.

Bây giờ chúng ta giải bài toán ngược: muốn có 1 số tiền 6.704.000.890 thì hàng năm anh A tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu?
Bây giờ chúng ta lập bảng tính Excel, gọi số tiền anh A tiết kiệm vào hàng năm là X%.
Tính ra dòng tiền của mỗi năm.
X đồng vào năm anh A 30 tuổi, sẽ có giá trị vào năm anh A 60 tuổi là = X*(1+8%)^30
X đồng vào năm anh A 31 tuổi, sẽ có giá trị vào năm anh A 60 tuổi là = X*(1+8%)^29.
X đồng vào năm anh A 32 tuổi, sẽ có giá trị vào năm anh A 60 tuổi là = X*(1+8%)^28.
X đồng vào năm anh A 60 tuổi, sẽ có giá trị vào năm anh A 60 tuổi là = X*(1+8%)^0.

Cộng tất cả dòng tiền này lại, dùng công thức Goal seek, giả định cho tổng các dòng tiền này bằng 6.704.000.890 đồng chúng ta sẽ tính ra X = 54.351.240 đồng/năm.

Kết quả: Số tiền hàng tháng anh A phải tiết kiệm và đầu tư là = 54.351.240/12 = 4.529.270 đồng/tháng.
Khi đó anh A có thể sống với mức sống mong muốn, và sẽ còn nguyên số tiền gốc 6.704.000.890 đồng khi lìa trần lúc 80 tuổi.

** Phương án 2: Số tiền, gọi là A2, này được đầu tư vào năm anh A 60 tuổi, với tỷ suất lợi nhuật thật 5%, sẽ tạo ra ra dòng tiền 335.200.044 đồng hàng năm, trong đó gồm lãi và một phần gốc, từ năm anh A 61 tuổi cho đến năm anh A từ trần vào năm 80 tuổi thì số tiền gốc A2 này không còn nữa.

Nghĩa là hàng năm anh A rút lãi và và một phần tiền gốc ra để sử dụng. Đến 80 tuổi thì số tiền này cũng hết.

Nếu gọi PV là số tiền cần đầu tư (Giá trị hiện tại), với lãi suất thật là r, số tiền rút ra đều đặn hàng năm là A2, số tiền gốc không còn (Giá trị tương lai bằng 0), thì chúng ta có công thức như sau:

Giá trị hiện tại = Tiền rút đều đặn * ((1-(1+r)^-n)/r),
Giá trị hiện tại = 335.200.044 *((1-(1+5%)^-20)/20)
Giá trị hiện tại = 4.177.333.461 đồng.

Chúng ta cũng có thể dùng công thức trên Excel
Giá trị hiện tại = (lãi suất, số kỳ,số tiền đều đặn,giá trị tương lai,0)
Giá trị hiện tạo = (5%,20, 335.200.044,0,0)
Giá trị hiện tại = 4.177.333.461 đồng.

Bây giờ chúng ta giải bài toán ngược: muốn có 1 số tiền 4.177.333.461 đồng thì hàng năm anh A tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu?

Giải tương tự như trên, ta có số tiền hàng năm anh A phải tiết kiệm và đầu tư là: 33.866.829 đồng.
Kết quả: Số tiền hàng tháng anh A phải tiết kiệm và đầu tư là = 33.866.829/12 = 2.822.236 đồng/tháng.

Khi đó anh A có thể sống với mức sống mong muốn, và sẽ hết tiền khi lìa trần lúc 80 tuổi.

Ghi chú: Vì phương án 1 giữ lại tiền gốc nên danh mục đầu tư của phương án 1 có thể là bất động sản, cổ phiếu dài hạn hay bất kỳ tài sản nào sinh lợi 8%/năm. Còn phương án thì rút vốn gốc ra từ từ nên danh mục đầu tư của phương án 2 gồm các các tài sản có thể rút ra như cổ phiếu, trái phiếu, ngân hàng, chứ không thể có bất động sản. Lý do bất động sản chỉ có thể sinh lãi chứ không thể rút vốn ra hàng năm được.

***** Ví dụ anh B, 40 tuổi doanh nhân. Anh B có sơ sót là không đóng BHXH cho chính mình. Mỗi tháng anh B rút tiền từ lợi nhuận ra để tiêu dùng. Dịch cô Vi, dạy cho anh biết rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế anh B muốn tăng tốc kiếm tiền và đầu tư để có thể an nhàn từ sau tuổi 55. Anh dự định tiền bán doanh nghiệp lúc đó được 10 tỷ.
Kể từ 56 tuổi, anh B dự định sẽ làm Freelance (tự do) và kiếm được mỗi tháng 20 triệu, tức là mỗi năm 240 triệu. Số tiền này cũng sẽ tăng theo lạm phát, là 3%/năm.
Anh B lên kế hoạch sẽ tiết kiệm và đầu tư vào cổ phiếu dài hạn từ năm nay (40 tuổi) cho đến khi anh 55 tuổi với mức lãi suất dự kiến 15%/năm.
Vào năm 55 tuổi, anh sẽ rút hết tiền vốn gốc và lãi ra, và cộng chung với số tiền 10 tỷ thu được do bán doanh nghiệp để đầu tư sinh lợi với mức 10%/năm.
Bắt đầu từ tuổi thứ 56, Anh B muốn tiêu dùng mỗi tháng 1 số tiền tương đương với 70 triệu trong hiện tại, cho đến khi anh từ trần ở tuổi 75. Vậy từ giờ đến 55 tuổi, mỗi tháng anh B cần tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu tiền?

Giải thích:
Vào tuổi 56, anh B muốn có thu nhập hàng tháng tương đương với mức hiện tại (70 triệu). Vì lạm pháp là 3%/1 năm, nên số tiền tương đương với 70 triệu hiện nay vào năm anh 56 tuổi sẽ là = 70.000.000*(1+3%)^15 = 126.427.786 đồng

Vào năm 56 tuổi, háng tháng Anh B cần 126.427.786 đồng một tháng. Anh B đã có 20.000.000 từ tiền làm tự đo, nên anh A sẽ cần có thêm mỗi tháng 1 số tiền là = 126.427.786 - 20.000.000 = 106.427.786 đồng/tháng, tương đương = 12*106.427.786 = 1.277.133.437 đồng/năm, khi anh B 56 tuổi. Và số tiền này phải tăng theo kịp với lạm phát.

Như vậy anh B cần có 1 số tiền vào năm 56 tuổi, số tiền này đầu tư với tỷ suất sinh lợi thực 7% để sinh ra lãi hàng hàng năm là 1.277.133.437 đồng.
(Tỷ suất sinh lợi trước lạm phát là 10%, mà lạm phát 3%, nên tỷ suất sinh lợi thực sự sẽ là = 10% - 3% = 7%)

Sẽ có 2 phương án cho anh B lựa chọn.

** Phương án 1: Số tiền, gọi là B1, này sau khi sinh lãi 1.277.133.437 đồng hàng năm, từ năm 56 tuổi cho đến năm anh B từ trần vào năm 75 tuổi thì vẫn có nguyên tiền gốc. Số tiền gốc, tức gia tài này, anh B có thể để lại cho con cái, người thân hay xã hội.

Chúng ta tính số tiền của phương án 1:
Như ở trên đã giải thích, số tiền gốc cần đầu tư khi anh B 55 tuổi sẽ là = 1.277.133.437 /7% = ‪18.244.763.387‬ đồng.

Số tiền anh B bán doanh nghiệp = ‪10.000.000.000‬ đồng
Vậy anh B cần có thêm 1 số tiền là:
‪18.244.763.387‬ - ‪10.000.000.000‬ = 8.244.763.387

Bây giờ nhiệm vụ của ta là tìm ra số tiền mà anh B cần tiết kiệm và đầu tư hàng tháng để có được số tiền 8.244.763.387 lúc anh 55 tuổi.

Giải tương tự như trường hợp anh A, ta có số tiền hàng năm anh A phải tiết kiệm và đầu tư là: 147.974.469 đồng / năm.

Kết quả: Số tiền hàng tháng anh B phải tiết kiệm và đầu tư là = 147.974.469 /12 = 12.331.206 đồng/tháng.
Khi đó anh B có thể sống với mức sống mong muốn, và sẽ còn nguyên số tiền gốc ‪18.244.763.387‬ đồng khi lìa trần lúc 75 tuổi.

** Phương án 2: Số tiền, gọi là B2 này được đầu tư vào năm anh B 55 tuổi, với tỷ suất lợi nhuận thật 7%, sẽ tạo ra ra dòng tiền 1.277.133.437 đồng hàng năm, cho đến năm anh B từ trần vào năm 75 tuổi thì số tiền gốc B2 này không còn nữa.

Nghĩa là hàng năm anh B rút lãi và và một phần tiền gốc ra để sử dụng. Khi anh B đến 75 tuổi thì số tiền này cũng hết.

Như đã trình bày bên trên, ta tính số tiền này bằng 2 cách như sau:

Giá trị hiện tại = 1.277.133.437 *((1-(1+7%)^-20)/20)
Giá trị hiện tại = ‪13.529.969.826‬ đồng.

Hoặc bằng công thức Excel
Giá trị hiện tại = (lãi suất, số kỳ,số tiều đều đặn,giá trị tương lai,0)
Giá trị hiện tạo = (5%,20, 1.277.133.437,0,0)
Giá trị hiện tại = ‪13.529.969.826‬ đồng.

Số tiền anh B bán doanh nghiệp = ‪10.000.000.000‬ đồng

Vậy anh B cần kiếm thêm 1 số tiền = ‪13.529.969.826‬ - ‪10.000.000.000‬ = 3.529.969.826

Bây giờ chúng ta giải bài toán ngược: muốn có 1 số tiền 3.529.969.826 thì hàng năm, kể từ khi 40 đến 55 tuổi, anh B tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu?
Giải tương tự như trên, ta có số tiền hàng năm anh B phải tiết kiệm và đầu tư là: 28.618.468 đồng.

Kết quả: Số tiền hàng tháng anh B phải tiết kiệm và đầu tư là = 28.618.468 /12 = 2.384.872 đồng/tháng.
Khi đó anh B có thể sống với mức sống mong muốn, và sẽ hết tiền khi lìa trần lúc 75 tuổi.

BẢO HIỂM XÃ HỘI.
Luật mới nhất của BHXH là Doanh nghiệp sẽ đóng 20.5%, và người lao động đóng 9.5% trên lương hàng tháng của người lao động, tổng cộng là 30%.
Trong đó 10% dành cho: bảo hiểm ốm đau và thai sản (3%) bảo hiểm y tế (4.5%) và các bảo hiểm khác.
Còn 22% sẽ dành cho hưu trí và tử tuất.

Hôm trước tôi có viết bài về BHXH, có nói các ý sau.
Thứ nhất, tỷ suất sinh lợi của dòng tiền BHXH là thấp. Tôi có nhận được thông tin là BHXH sẽ điều chỉnh hệ số lương hưu theo lạm phát nên tỷ suất lợi nhuận của BHXH không quá thấp nhưng tôi đã tính. Rất tiếc, sự điều chỉnh này không có lịch trình và số điều chỉnh chính xác nên tôi chưa thể tính lại lãi suất của dòng tiền BHXH được.

Thứ hai tôi đề nghị BHXHVN nên tách hẳn quỹ hưu trí và tử tuất (phần 22%)ra khỏi các quỹ bảo hiểm khác (8%), vì tính chất của chúng khác hẳn.

Thứ ba, tôi đề nghị nhà nước nên quản lý quỹ hưu trí theo từng cá nhân chứ không nên quản lý chung, và áp dụng 1 công thức chung là: Số % lương hưu được hưởng là = Tối đa của 75%, 45%+2*số năm đóng BHXH. Các quỹ bảo hiểm khác: BHYT, ốm đau thai sải, thất nghiệp chúng ta gôm chung để đảm bảo tính chất bảo hiểm, sự hỗ trợ lẫn nhau của các thành phần tham gia. Còn quỹ hưu trí là rất cá nhân, không nên quản lý chung. Hầu hết các nước đều quản lý riêng cho từng cá nhân. Và mỗi cá nhân sẽ chọn cho mình 1 loại quỹ phù hợp để đầu tư. Người thận trọng sẽ chọn quỹ phòng ngự (tỷ lệ trái phiếu cao), người ít thận trọng sẽ chọn quỹ tăng trưởng (tỷ lệ cổ phiếu cao).

Một số “bạn” đọc không kỹ khúc dưới của bài viết BHXH trước đây của tôi đã kết luận tôi kêu gọi mọi người không đóng BHXH.

Tôi luôn ủng hộ BHXH và luôn khuyến khích doanh nghiệp và người lao động đóng BHXH mức qui định, vì đó là quyền của người lao động. Trong các trường hợp trả thấp hơn quy định, người lao động cần phải có kế hoạch tự tiết kiệm và đầu tư để bổ sung cho quỹ hưu của mình.

                                         Tác giả: Lâm Minh Chánh - Giám đốc trường QTKD Bizuni

Bài 1 – Tiết kiệm đều đặn hàng tháng, đầu tư số tiền này, bạn sẽ có cả 1 gia tài!

Bài 2 – Nhà đầu tư nghiệp dư. Các nguyên tắc vàng trong đầu tư. Rủi ro trong đầu tư.

Bài 3 – Đầu tư vào doanh nghiệp. Mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Bài 4 – Tại sao chơi Casino và kinh doanh ngắn hạn (trading) thua nhiều hơn thắng.

Bài 5 – Vàng. Nhà đầu tư nên có 5%-10% vàng trong danh mục tài sản.

Bài 6 – Tài chính cá nhân: Cơ bản về Bảo hiểm nhân thọ

Bài 7 – Tỷ suất sinh lời trong đầu tư và cách tính

Bài 8 – Vay Mượn – Con dao hai lưỡi: Bạn có biết cách vay mượn tiền thế nào cho hiệu quả?

Bài 9: Tình hình thực tế ngày 29/2/2020 (Dự án “Nhà trọ tiền chế, thuê – xây dựng – cho thuê”

Bài 10: Sự thật về thu nhập thụ động: Có thật sự thụ động, làm ít hưởng nhiều?

Bài 11: Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền để đạt mục tiêu tài chính, bất cứ ai cũng có thể áp dụng!

Bài 12: Vay tiền mua nhà hay là thuê nhà và để tiền đầu tư?!

Bài 13: Chơi hụi có tốt không?

Bài 14: Nguyên tắc chọn và đầu tư cổ phiếu trong dài hạn (phần 1)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tài chính cá nhân - bài15. Thu Nhập Khi Về Hưu!" tại chuyên mục Tài chính.