Bạn có biết rằng một biến cố gia đình lớn trong thời niên thiếu có thể ảnh hưởng đến phong cách đầu tư của một nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp? Thời tiết ảnh hưởng thế nào đến “thần thái” của ban lãnh đạo khi họ diễn giải về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp? Sự tự tin thái quá của công ty đối thủ có thể tác động đến các hoạt động đầu tư của một doanh nghiệp như thế nào?
Bài viết dựa theo các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Quản trị Tài chính Quốc tế (Financial Management Assocciation International) diễn ra từ ngày 10-12/07/2019 tại Việt Nam. |
Tài chính hành vi là một phân ngành kinh tế học nghiên cứu về nhận thức và xu hướng cảm xúc của con người nhằm hiểu rõ hơn các quyết định của họ về kinh tế, đầu tư. Tài chính hành vi cũng nghiên cứu cách mà con người gây ảnh hưởng lên giá cả trên các thị trường, lên các khoản lợi nhuận,... Hãy cùng Vietstock tìm hiểu một số nghiên cứu thú vị trong lĩnh vực này.
Biến cố gia đình và sự e ngại rủi ro
Kinh nghiệm sống định hình nên thái độ của một người đối với rủi ro. Kỳ lạ thay những kinh nghiệm này lại thường được rút ra từ những sự kiện, sự việc tiêu cực chẳng hạn như suy thoái kinh tế, thảm họa thiên nhiên, xung đột bạo lực,... Giới đầu tư chuyên nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng đó.
Nhưng ngoài những biến cố lớn kể trên, những biến cố cá nhân về nền tảng gia đình cũng ảnh hưởng nhất định lên các quyết định đầu tư, kinh tế của những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trường hợp sau đây sẽ xét đến những ảnh hưởng hình thành qua biến cố gia đình lớn (BCGĐL) là việc bố mẹ qua đời hoặc ly hôn.
Những biến cố gia đình lớn ảnh hưởng nhất định lên thái độ với rủi ro của một nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Nguồn ảnh: Internet
|
Loterry stock (tạm dịch là "cổ phiếu xổ số") được hiểu là cổ phiếu có khả năng thắng thấp nhưng tiềm năng lợi nhuận rất lớn. Ví dụ điển hình là những cổ phiếu của các doanh nghiệp gồng mình tái cơ cấu bên bờ vực phá sản, những doanh nghiệp dính vào các vụ kiện tụng nghiêm trọng,… |
Một nghiên cứu của nhóm học giả từ Trường Kinh Doanh Schumpeter (BUW), Đại học Cambridge và Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Đại học Cologne (CFR) chỉ ra rằng việc bố mẹ qua đời hoặc ly hôn có xu hướng khiến các nhà quản lý quỹ e ngại rủi ro hơn trong việc điều hành các hoạt động đầu tư. Những nhà quản lý quỹ này thường ít lựa chọn những “cổ phiếu xổ số” khi so sánh với những nhà quản lý quỹ bình thường (những người không trải qua BCGĐL). Thêm nữa, họ thường không đánh cược vào những “cú lật kèo” trong giai đoạn thị trường suy thoái.
Các hiệu ứng kể trên thể hiện rõ nhất ở những nhà quản lý quỹ đầu tư trải qua các BCGĐL ngay trong thời niên thiếu, càng rõ thêm nữa đối với những trường hợp mà cha mẹ họ không tìm được bạn đời mới hoặc ít nhận được sự hỗ trợ và quan tâm từ xã hội.
Tuy nhiên, thành tích của những nhà quản lý từng trải qua biến cố lại không hề thua kém so với những đồng nghiệp may mắn hơn trong chuyện gia đình, nguyên nhân là vì họ ít mắc lỗi hơn trong các quyết định đầu tư.
Theo đó, những nhà quản lý quỹ từng trải qua BCGĐL thường giữ bình tĩnh tốt hơn, ít bốc đồng và chiều thua lỗ (downside risk) đối với danh mục đầu tư của họ cũng nhỏ hơn.
Hãy coi chừng khi thời tiết xấu!
Cảm xúc là thành phần quan trọng định hình cách hành xử, cách ra quyết định của con người trong hoạt động đời thường và cả trong các hoạt động kinh tế.
Dựa theo nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm học giả từ Học viện Bách khoa Rensselaer, có lẽ nhà đầu tư giờ đây cũng nên xem xét cả yếu tố thời tiết khi đánh giá lời nói của các vị lãnh đạo khi họ diễn giải về kết quả kinh doanh, về viễn cảnh của doanh nghiệp.
Giờ đây khi nói chuyện với các vị giám đốc điều hành, nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến yếu tố thời tiết? Nguồn ảnh: Internet
|
Đây là nghiên cứu tiến hành đối với các cuộc gọi hội đàm báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp (earnings-conference-call) giữa ban lãnh đạo và các bên quan tâm đến công ty (chuyên viên phân tích, nhà đầu tư,…). Tại các thị trường phát triển, các cuộc gọi hội đàm dạng này là một trong những kênh giao tiếp quan trọng giữa những người điều hành doanh nghiệp và giới đầu tư, thị trường.
Điểm thú vị là nghiên cứu chỉ ra rằng các ban lãnh đạo doanh nghiệp thường nói theo cách có phần bi quan hơn và diễn giải ít những thông tin định lượng hơn (tức sẽ khiến bức tranh doanh nghiệp bất định hơn) khi cuộc gọi hội đàm diễn ra trong khoảng thời gian có thời tiết xấu.
Cụ thể, các học giả thấy rằng thời tiết xấu cũng có những ảnh hưởng đến tông giọng (hạ thấp) của các vị giám đốc trong suốt cuộc hội đàm. Điều này cũng tương tự với cả cách mà các vị giám đốc sử dụng những thông tin định lượng (con số doanh thu, lợi nhuận,…) và cách mà họ sử dụng từ ngữ; họ có xu hướng ít diễn giải số liệu định lượng đồng thời lại gia tăng việc sử dụng những từ ngữ theo cảm quan cá nhân. Thậm chí, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến cả cách mà thị trường phản ứng lại chính những thông tin từ các cuộc gọi hội đàm.
Một điểm thú vị là những ảnh hưởng kể trên lại ít xảy ra hơn đối với các giám đốc tài chính, khi so sánh với các tổng giám đốc điều hành. Giải thích cho điều này, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng các chuyên gia tài chính thường quen làm việc với số liệu và họ có xu hướng ít bị ảnh hưởng hơn bởi các tác động ngoại cảnh (trường hợp này là thời tiết xấu). Điều này cũng sẽ đúng với những trường hợp vị tổng giám đốc điều hành có nền tảng mạnh về tài chính (đi lên từ các vị trí như kế toán, kiểm toán,...).
Dù vậy, nghiên cứu cũng xác nhận thực tế rằng những ban giám đốc hàng đầu thường lý trí và ít bị ảnh hưởng bởi những điều kiện ngoại cảnh hơn so với những người đồng cấp bình thường. Ngoài ra, những vị giám đốc là nữ và có nhiệm kỳ ngắn thì cảm xúc của họ cũng có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết hơn.
Bạn có muốn cạnh tranh với một đối thủ tự tin?
Đây là một nghiên cứu được tiến hành bởi các học giả đến từ Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Yuan Ze và Đại học Hồng Kông. Theo đó, mức độ tự tin từ phía công ty đối thủ có ảnh hưởng đáng kể lên các quyết định về chi phí vốn đầu tư hay cả những khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển của một doanh nghiệp.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự tự tin của công ty đối thủ ảnh hưởng đến ban lãnh đạo một doanh nghiệp theo 2 cách. Thứ nhất, một chính sách thưởng theo thành tích doanh nghiệp có thể khiến ban lãnh đạo chạy theo các con số và các cuộc cạnh tranh ngắn hạn để tối đa hóa lợi ích của bản thân trước tiên. Mức độ của những ảnh hưởng này tỷ lệ thuận với độ lớn các khoản thưởng cam kết cho ban lãnh đạo doanh nghiệp và điều thú vị là những ảnh hưởng này cũng lớn hơn nếu công ty đối thủ trả lương hậu hĩnh cho ban lãnh đạo của họ.
Thứ hai, các ban lãnh đạo (cũng như người bình thường) có xu hướng đi theo đám đông ít nhiều, một phần là vì họ thường học tập từ những người đồng cấp với bản thân.
Thêm vào đó, nghiên cứu cũng cho thấy những ảnh hưởng cũng lớn hơn khi doanh nghiệp hoạt động trong một ngành cạnh tranh gay gắt giữa giai đoạn kinh tế bùng nổ (tăng trưởng mạnh).
Các học giả cũng lưu ý rằng nên xét vấn đề trên nhiều khía cạnh. Cụ thể, việc có một đối thủ tự tin khiến doanh nghiệp có xu hướng mạnh tay hơn trong các hoạt động đầu tư, do đó mà sản phẩm của doanh nghiệp thường tiên tiến hơn và giá trị thị trường (vốn hóa) của những doanh nghiệp này cũng thường cao hơn.
Dù vậy, đạt giá trị thị trường cao nhưng cổ phiếu của những công ty này có xu hướng biến động nhiều hơn và có nguy cơ trải qua một đợt sụt giảm mạnh hơn (so với cổ phiếu của các công ty không có một đối thủ tự tin) khi các biến cố xảy ra (doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận, suy thoái ngành, thị trường chứng khoán khủng hoảng,…).
* Độc giả lưu ý rằng trên đây là bài viết dựa theo những nghiên cứu học thuật và có thể sẽ không hoàn toàn chính xác trong những trường hợp xét đến cụ thể.
Thừa Vân
FILI