Tình hình kinh doanh bết bát của các công ty thành viên đã khiến PVC đứng bên bờ vực thua lỗ, lãi sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Công ty mẹ tăng lãi mạnh hơn 25% nhưng lỗ luỹ kế vẫn khổng lồ, gần 3.664 tỷ đồng, còn nợ ngắn hạn thì đã lớn hơn tài sản ngắn hạn.
Theo dữ liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX) vừa công bố thì doanh nghiệp này vừa kết thúc quý đầu năm 2019 không mấy thuận lợi.
Đã 6 năm sau thời Trịnh Xuân Thanh, PVC loay hoay vượt khó nhưng vẫn đầm đìa nợ và gánh lỗ luỹ kế khổng lồ
Cụ thể, với doanh thu thuần 614,8 tỷ đồng trong quý 1, con số này đã sụt giảm nhẹ khoảng gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ trước đó. Vấn đề nằm ở giá vốn hàng bán. Yếu tố này trong kỳ lại tăng và choán đến gần 99,9% doanh thu thuần, làm cho lợi nhuận gộp của PVC chỉ còn vỏn vẹn gần 805 triệu đồng, tức giảm gần 96% so với kết quả đạt được của quý I/2018.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, bằng khoảng 9% cùng kỳ.
Chính vì vậy, mặc dù đã tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng (giảm hơn 89%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 9%) nhưng PVC vẫn bị lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn nửa tỷ đồng.
Lợi nhuận khác trong kỳ này của PVC đạt hơn 1,4 tỷ đồng, song cũng đã sụt giảm gần 75% cùng kỳ và qua đó “cứu” PVC thoát lỗ. Khép lại quý I, PVC báo lãi khiêm tốn 878 triệu đồng, giảm tới 96,6% so cùng kỳ và có lợi nhuận sau thuế (sau khi được hoàn thuế) 1,1 tỷ đồng, bằng 4,5% kết quả của quý I/2018.
Điều đáng chú ý là mức lỗ sau thuế này của PVC thuộc về cổ đông không kiểm soát, trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ vẫn đạt 23,3 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Công văn giải trình của PVC nêu rõ báo cáo hợp nhất được lập trên cơ sở hợp công báo cáo tài chính của các đơn vị. Trong quý I/2019, kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên PVC sụt giảm, do đó, kết quả kinh doanh của tổ hợp cũng giảm theo.
Với kết quả này, lỗ luỹ kế đến 31/3/2019 của PVC giảm nhẹ còn 3.663,95 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, sau 6 năm kể từ thời Trịnh Xuân Thanh, PVC vẫn chưa thể giải quyết được “vũng lầy lỗ luỹ kế” của “di sản cũ”.
Cũng theo số liệu tại báo cáo tài chính, đến cuối quý I, PVC có khoản nợ ngắn hạn 8.157 tỷ đồng, chiếm 96,5% tổng nợ phải trả và vượt quá số tài sản ngắn hạn mà PVC đang có là 7.884,7 tỷ đồng.
Lãnh đạo PVC cũng cho biết trong công văn này: “Ban lãnh đạo PVC nhận thức rõ PVC đang gặp khó khăn và đã từng bước vượt qua”. Và giải pháp được nêu ra đó là quyết liệt trong công tác điều hành thi công trên tất cả các công trình, dự án đang thực hiện; tích cực thực hiện công tác tiếp thị, đấu thầu đều tìm kiểm và bổ sung nguồn việc.
Lãnh đạo của PVC cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể theo hướng công ty mẹ trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp và thực hiện vai trò định hướng hoạt động cho các công ty trực thuộc, đồng thời thoái toàn bộ vốn đầu tư tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề hoạt động chính…
PVC cũng tiết lộ sẽ chủ động và tích cực làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giải toả các khoản bảo lãnh trong thời gian tới.
Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX vẫn giao dịch đì đẹt. Thanh khoản phiên 7/5 giảm mạnh so với phiên trước, chỉ đạt 642 nghìn cổ phiếu và mức giá “dẫm chân” tại 1.200 đồng.
Xem thêm: PVcomBank đồng hành cùng hàng triệu trẻ em nghèo hiếu học qua quỹ 'Thắp sáng niềm tin'
Theo VietnamFinance