Tài sản của ông chủ Hóa chất Đức Giang tăng vọt

19/09/2021 12:47

Nhờ giá cổ phiếu tăng gấp 10 lần, giá trị số cổ phần của ông Đào Hữu Huyền đạt gần 4.500 tỷ đồng, giúp ông thăng hạng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng trần lên 141.900 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất từ khi lên sàn của mã chứng khoán này. Cùng với đó là thanh khoản đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 2 tháng vừa qua.

Đà tăng giá này rất ấn tượng bởi vào cuối tháng 3/2020, cổ phiếu ngành hóa chất này từng rơi về vùng đáy khoảng 14.000 đồng/đơn vị. Tính từ đó đến nay, mã chứng khoán này ghi nhận mức tăng giá đến 10 lần, vượt trội so với mức tăng chung của VN-Index chỉ khoảng 100%.

Với việc thị giá liên tục vượt đỉnh, giá trị vốn hóa của Hóa chất Đức Giang cũng liên tiếp leo lên các mức mới và hiện đạt 24.276 tỷ đồng. Qua đó Hóa chất Đức Giang trở thành doanh nghiệp tiếp theo có vốn hóa 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.

dgc-1-1632029953.png

Giá DGC gấp 10 lần so với cuối tháng 3/2020. Đồ thị: Investing.com

Nhóm chủ tịch nắm giữ 41,5% vốn

Cũng nhờ đà tăng giá này mà tài sản của cổ đông cũng có sự đột biến, nhất là nhóm cổ đông lớn liên quan đến ông Đào Hữu Huyền, chủ tịch Hội đồng quản trị Hóa chất Đức Giang.

Vào đầu năm 2021, ông Huyền mua 1 triệu cổ phiếu DGC và sau đó nhận thêm cổ tức tỷ lệ 20:3 bằng cổ phiếu. Nhờ đó lượng cổ phiếu mà vị doanh nhân đang sở hữu là hơn 31,66 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ gần 18,5% vốn.

Xét theo giá thị trường, khối cổ phần mà đại gia này đang nắm giữ trực tiếp lên đến 4.493 tỷ đồng. Giá trị tài sản này giúp cá nhân ông lên vị trí thứ 33 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện ông đang xếp trên ông Đặng Thành Tâm (chủ tịch Đô thị Kinh Bắc) và xếp dưới ông Trần Lê Quân (đồng sáng lập Thế Giới Di Động).

Đương nhiên đây chỉ là phần nắm giữ cá nhân, nếu tính tổng sở hữu của người thân thì khối tài sản gia đình ông Đào Hữu Huyền còn lớn hơn nhiều. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, tổng sở hữu của người có liên quan đến cá nhân này vào khoảng 71 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 41,5%), tương đương với giá trị trên 10.000 tỷ đồng.

Một số cá nhân liên quan ông Huyền có nắm giữ lượng lớn cổ phần như em trai Đào Hữu Kha sở hữu 6,1%, em dâu Ngô Thị Ngọc Lan có 6,79%, vợ Nguyễn Thị Hồng Lan nắm giữ 3,83% hay như con trai Đào Hữu Duy Anh (tổng giám đốc) sở hữu 2,92% vốn...

z2774707104257-da5c72973f8265da2aea63c0693009b5-1632030267.jpg

Ông Đào Hữu Huyền sinh năm 1956 tại Hưng Yên. Trước khi trở thành chủ tịch Hóa Chất Đức Giang, ông là giám đốc Công ty TNHH Văn Minh - công ty thuộc sở hữu riêng chuyên về nhập khẩu hóa chất. Bên cạnh đó ông Huyền cũng kiêm nhiệm chức danh chủ tịch tại các công ty thành viên như Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL), Hóa chất Phân bón Lào Cai, Phốt pho Apatit Việt Nam...

Tháng 4/2004, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Đào Hữu Huyền và vợ Nguyễn Thị Hồng Lan mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất. Vị đại gia ngành hóa chất này nhanh chóng được chú ý khi cổ phiếu DGC bắt đầu lên sàn chứng khoán ngay trong năm 2014.

Ngoài nhóm liên quan đến ông Huyền, một cổ đông lớn khác là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang nắm giữ 8,85% cổ phần. Vào tháng 12/2019, Vinachem từng đăng ký bán đấu giá toàn bộ 11,45 triệu cổ phiếu DGC đang nắm giữ với mức giá 49.100 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi so với vùng giá lúc bấy giờ quanh 25.000/cổ phiếu. Do vậy, phiên đấu giá đã thất bại khi chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân mua vỏn vẹn 200 cổ phiếu.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông Đào Hữu Huyền còn được biết đến là “ông bầu” có tiếng trong môn bóng chuyền tại Việt Nam. Câu lạc bộ bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội là đơn vị mà vị doanh nhân gốc Hưng Yên đang đầu tư vào.

Triển vọng kinh doanh tích cực

Trở lại với Hóa chất Đức Giang, đây là công ty được thành lập vào năm 1963. Năm 2007 trở thành công ty đại chúng và đến năm 2014 niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Đến nay tập đoàn có vốn điều lệ hơn 1.710 tỷ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, mảng bột giặt từng làm nên tên tuổi Đức Giang dần bị lu mờ khi chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ còn 1%), trong khi doanh thu và lợi nhuận hiện nay được đóng góp chủ yếu bởi các sản phẩm chính là phốt pho vàng (chiếm 47% doanh thu năm ngoái), axit các loại.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng mở rộng hoạt động sản xuất xút, hợp chất clo, nhựa PVC, phụ gia thức ăn chăn nuôi, apatit và các hóa chất đang thiếu nguồn cung tại Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu về các sản phẩm hóa chất ngày một lớn. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục lần lượt 6.236 tỷ và 948 tỷ đồng.

Sang năm 2021, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch tổng doanh thu 7.552 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

dg-1632030331.jpg

Theo báo cáo kinh doanh bán niên, công ty đạt gần 4.000 tỷ đồng doanh thu và 625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau hai quý đầu năm, Hóa chất Đức Giang thực hiện 53% chỉ tiêu doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo cơ cấu địa lý, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.812 tỷ và thị trường trong nước 1.176 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 70% và 30% trong doanh thu thuần.

Theo thư gửi cổ đông ngày 28/7, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền cho biết tập đoàn đã chạy thử dây chuyền 2 của nhà máy sản xuất axit phosphoric điện tử dự kiến có lợi nhuận cao. Do đó vị lãnh đạo này dự báo doanh thu năm 2021 của tập đoàn có thể đạt trên 8.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế có thể đạt 1.500 tỷ đồng.

Trong khi đó SSI Research cũng có dự báo doanh thu thuần Hóa chất Đức Giang có thể tăng 27% lên mức 7.900 tỷ đồng trong năm nay. Lợi nhuận ròng theo đó ước đạt 1.333 tỷ đồng, tăng khoảng 41%.

Nganh hoa chat,  Tap doan Hoa chat Duc Giang,  Dao Huu Huyen anh 2

Giá phốt pho vàng - sản phẩm chủ lực của Hóa chất Đức Giang tăng đột biến trong tháng 9. Nguồn: Sunsirs.com

Đà tăng trưởng cao ngay trong đại dịch là nhờ sản phẩm mới axit điện tử bắt đầu cung ứng từ tháng 8, nâng công suất sản xuất axit thực phẩm hiện tại và sản lượng tiêu thụ DAP tăng do nhu cầu phân bón nói chung tăng lên và hoạt động xuyên suốt trong năm 2021, so với chỉ 3 tháng hoạt động trong năm 2020.

SSI Research còn đánh giá biên lãi gộp trong nửa cuối năm 2021 sẽ tốt hơn do chi phí nguyên vật liệu quay lại mức bình thường từ mức cao nhất trong quý II/2021 và do tập đoàn đã chốt giá bán ở mức cao cho các hợp đồng trong những tháng cuối năm.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết giá photpho vàng tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, còn giá axit photphoric nhiệt cũng tăng 40% khi Chính phủ nước này hạn chế tiêu thụ năng lượng và các tiêu chuẩn môi trường đối với các nhà máy hóa chất.

Do vậy VCSC nâng dự báo giá bán trung bình (ASP) dự phóng giai đoạn 2021-2023 (dựa trên hàm lượng photpho) lên 15%. Do giá thị trường gần đây đã tăng mạnh, VCSC dự báo giá bán trung bình photpho của Hóa chất Đức Giang cũng tăng tương ứng 19% vào năm 2022.

Theo Huy Lê/Zing
Bạn đang đọc bài viết "Tài sản của ông chủ Hóa chất Đức Giang tăng vọt" tại chuyên mục Doanh nhân.