Giá cổ phiếu MSN bỗng bật tăng mạnh đã giúp tài sản ông Hồ Hùng Anh tăng thêm 1.335 tỷ đồng và tài sản đại gia Nguyễn Đăng Quang tăng 1.361 tỷ đồng chỉ trong hai ngày 5-6/3.
Phiên giao dịch cuối tuần (6/3) kết thúc trong sự nỗ lực hồi phục của các chỉ số, tuy nhiên, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ.
VN-Index tuy đã giảm đáng kể biên độ thiệt hại, song ghi nhận mất 1,87 điểm tương ứng 0,21% còn 891,44 điểm. HNX-Index giảm 1,37 điểm tương ứng 1,19% còn 113,66 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,06% còn 55,42 điểm.
Thanh khoản đạt 214,33 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.939,72 tỷ đồng và đạt 50,49 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 576,3 tỷ đồng. Sàn UPCoM có 12,97 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 114,37 tỷ đồng.
Trên quy mô thị trường, số lượng mã tăng - giảm không có cách biệt đáng kể. Có 353 mã giảm giá, 48 mã giảm sàn so với 315 mã tăng và 73 mã tăng trần.
Trong nhóm vốn hoá lớn, MSN gây bất ngờ nhất khi tăng kịch trần 3.500 đồng lên 54.400 đồng, khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu và không hề còn dư bán, trong khi vẫn còn dư mua giá trần hơn 22 nghìn đơn vị. Riêng mã này đóng góp tới 1,19 điểm cho VN-Index. Mã có đóng góp lớn nhất là VCB với 1,5 điểm.
Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh đều là các đại gia khởi nghiệp thành công tại Đông Âu và được Forbes vinh danh "tỷ phú USD"
Trước đó, MSN cũng đã có phiên tăng 1.900 đồng tương ứng 3,88% trong phiên 5/3 sau nhiều phiên không “nhúc nhích” về giá. Chỉ 2 phiên gần đây nhất, MSN tăng 5.400 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến đầy bất ngờ của cổ phiếu trong bối cảnh thị trường lình xình, tài sản của các đại gia Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã tăng đáng kể. Cụ thể, tài sản ông Hồ Hùng Anh tăng thêm 1.335 tỷ đồng và tài sản đại gia Nguyễn Đăng Quang tăng 1.361 tỷ đồng (tính theo tổng khối lượng cổ phần nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp tại Masan Group).
YEG hụt trần song vẫn tăng mạnh 4.200 đồng lên 83.000 đồng. Trong khi đó, QCG tăng trần bền bỉ, hiện thị giá đã đạt 5.970 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh tại QCG đạt hơn 4 triệu cổ phiếu và cũng không hề có dư bán, dư mua giá trần hơn 95 nghìn cổ phiếu.
Ngoài ra, phiên hôm qua, với mức tăng tại BID, DXG tăng trần và một số mã khác như SCS, CTD, PGD… cũng có ảnh hưởng đến đà tăng chung. Ngược lại, SAB lấy đi của chỉ số 1,19 điểm; VIC, VJC, CTG, HVN, GAS, MWG giảm giá khiến thị trường gặp bất lợi.
Tính chung trong tuần vừa qua, VN-Index có 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm điểm, kết thúc tuần với tổng mức tăng 9,25 điểm tương đương 1,02% so với cuối tuần trước. Trên sàn HNX, chỉ số đóng cửa tuần tăng tổng cộng 4,08 điểm tương đương 3,72% so với cuối tuần trước.
Khối lượng giao dịch trung bình phiên tuần qua trên cả 2 sàn HSX và HNX đều tăng, mức tăng lần lượt là 4,03% và 40,26% lên 221 và 85 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần thứ 3 liên tiếp bán ròng tất cả các phiên trong tuần. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng lần lượt 963 và 564 tỷ đồng trên HSX và HNX.
Theo nhận định của chuyên gia BVSC, tuần tới, VN-Index vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 865-880 điểm. Nhóm phân tích tiếp tục kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn để tiến đến thử thách vùng 905-910 điểm từ vùng hỗ trợ này.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và rủi ro về sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước. Những yếu tố này nếu còn tiếp diễn sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với xu thế hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
Do vậy, theo BVSC, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 905-910.
Nhà đầu tư sau khi đã thực hiện giải ngân tại vùng hỗ trợ 860-880 điểm, có thể tiếp tục xem xét thực hiện mua nâng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh quanh vùng 880-885.
Theo Dân Trí