Tư duy nghèo nàn chỉ có thể là "tư duy chết", là nhân tố nguy hiểm kéo dài khoảng cách giữa giàu - nghèo.
Khi bạn tiêu đồng tiền do mình khó khăn làm ra, dù có dư dả đến mấy, người ta vẫn sẽ cảm thấy tiếc. Hoặc thậm chí càng dư dả, người ta lại càng tiếc vì càng kiếm được nhiều tiền, họ lại càng hiểu làm ra đồng tiền khó ra sao, phải tiêu thế nào cho đúng. Thứ họ tiếc không chỉ đơn giản là tiền bạc hay tài sản tích lũy mà đó là cơ sở để tạo ra tài phú, là nguồn tài chính để làm ăn. Đó cũng là lý do biến khoảng cách giữa giàu với nghèo trở thành khoảng cách về tinh thần, về tư duy, chứ không chỉ mang tính vật chất.
Trong mắt đại đa số chúng ta, người giàu thường đi liền với "keo kiệt". Họ có thể vẫn mặc cả từng mớ rau khi đi chợ, vẫn mua hàng giảm giá trên mạng, vẫn tính toán chi li từng đồng. Thực ra, chính hành động đó thể hiện rằng, họ là những người hiểu rõ nhất về tiền bạc cũng như tầm quan trọng của việc tích lũy tài chính.
Nhờ có nguồn tài chính nhiều hơn, họ mới có cơ hội để đầu tư và phát triển nhanh hơn. Chính vì thế, họ càng phân chia rạch ròi đâu là những khoản chi tiêu không cần thiết rồi loại bỏ hoàn toàn.
Trong mắt nhiều người, đó có thể là tằn tiện, keo kiệt nhưng thực tế cho thấy, đây là sự khác biệt về khái niệm tiền bạc và quan niệm tiêu dùng của riêng họ chủ yếu nằm trong 3 lý do sau đây:
1. Trước khi thành công giàu có, họ cũng đã nếm đủ mọi gian khổ chông gai nên hiểu rằng kiếm tiền không phải dễ
Không phải ai sinh ra cũng đã có gia tài bạc triệu trong tay. Đại đa số những người thành công, giàu có đều tự vươn lên từ trong gian khó và khổ nhọc mà rất ít người biết được. Đặc biệt là trong thời điểm gây dựng sự nghiệp ban đầu, vì gom góp tài chính duy trì vốn kinh doanh, vốn lưu động, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải vay nợ, thế chấp tài sản khắp nơi. Khi một người phải đi vay, họ sẽ nếm trải sự cay đắng của cái nghèo.
Cho dù sau này giàu có hơn bao nhiêu thì họ cũng không quên những tháng ngày đổ mồ hôi, rơi nước mắt mới kiếm ra số tiền đó. Từ đó, họ lại càng quý trọng nhiều hơn.
2. Những người giàu có kế hoạch quản lý tài chính chặt chẽ và hợp lý, biết cách chi tiêu và biết những khoản tiền nào là không nên tiêu
Không có của cải nào tồn tại mãi mãi, tiêu hoài không hết nên để duy trì sự giàu có lâu dài, những người thành công phải hiểu được nguyên tắc "tiền đẻ ra tiền". Tiền bạc sẽ là nguồn tài nguyên phục vụ mục đích đầu tư, sinh ra những giá trị cao hơn để tích lũy. Do đó, lúc cần thì họ sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu đồng mà không chần chừ, nhưng lúc không cần, dù phải bỏ ra chỉ một đồng họ cũng thấy tiếc.
Cách một người quản lý tài sản của mình từ việc thu nhập nhiều hay ít cho đến việc chi tiêu những khoản nào với số lượng ra sao, đều sẽ phản ánh khả năng thành công sau này của họ.
3. Người càng giàu có lại càng hiểu về "khiêm tốn" và "giấu tài"
Núi cao có núi cao hơn, người giỏi lại có người giỏi hơn. Trên đời này cũng không có người nào mãi mãi giàu nhất thế giới. Hôm nay còn thịnh vượng nhưng ngày mai đã phá sản là chuyện quá mức bình thường. Cộng thêm rất nhiều nguy hiểm có thể xảy ra khi bị kẻ xấu để ý tới tài sản của mình, những người giàu có thường luôn tỏ ra khiêm tốn, không thích khoe khoang hay thể hiện. Trước mặt mọi người, họ chỉ cư xử bình thường như bao người khác, từ cách ăn mặc chi tiêu thường ngày cho đến thái độ đối nhân xử thế với xã hội xung quanh.
Nhìn vào cuộc sống hàng ngày, chúng ta nghĩ thế nào là "keo kiệt"? Thế nào là "hào phóng"? Những hành động tiêu tiền như nước, "đắp" lên người hàng đống đồ hiệu, bao ăn bao uống, rong chơi với bạn bè suốt ngày... chỉ là hành động khoe khoang của một kẻ thiển cận. Còn hào phóng thực sự là khi chúng ta dám tiêu tiền vào những thời điểm, những mục tiêu và những người cần thiết. Đó chính là lý do mà người ta có thể quyên góp cho trẻ em cơ nhỡ hàng trăm triệu đồng nhưng sẽ không đem tặng vài triệu đồng cho hàng xóm xài chơi.
Kiếm tiền không dễ, lại càng không dễ để kiếm được nhiều tiền. Dù chúng ta là ai, giàu hay nghèo, thì đồng tiền làm ra đều là sự tích lũy của mồ hôi công sức suốt một thời gian dài. Thông thường, mọi người chỉ nhìn thấy kết quả chứ không thể biết được quá trình họ đã trải qua những khó khăn gì. Càng là thứ miễn phí có được, chúng ta tiêu xài càng thoải mái; còn những thứ vất vả kiếm ra, chúng ta sẽ hiểu được sự quý trọng, càng cẩn thận hơn khi chi tiêu cho bất cứ việc gì.
Thay vì nói người giàu "keo kiệt", thực tế là, họ chỉ đủ thông minh để phân biệt rõ đâu là những khoản chi phù hợp, còn đâu là sự lãng phí bất hợp lý.
Theo Dương Mộc
Trí thức trẻ