Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tại sao nhiều người học kém ra đời lại kiếm tiền giỏi, lên sếp sớm, thành công vượt xa bạn bè xuất sắc thời đi học?

06/04/2018 15:20

Có những người bị cộp mác “học sinh cá biệt”, thường xuyên thu lượm điểm thấp trong trường học, khi ra đời lại thể hiện khả năng thích ứng đáng kinh ngạc, vượt xa những người bạn chăm học, suốt ngày ngồi bàn đầu. 

Cha mẹ luôn khuyến khích con cái mình hãy học thật giỏi để ra trường kiếm được công ăn, việc làm ổn định. Họ không nhận ra một sự thật hiển nhiên rằng: một tấm bằng giỏi không hề đảm bảo cho một sự nghiệp thành công hay một cuộc đời hạnh phúc.

Rất nhiều sinh viên ra trường phải đối mặt và gục ngã trước những khó khăn và thử thách trong sự nghiệp bất kể tấm bằng giỏi họ có trong tay.

Cùng lúc đó, những sinh viên được cộp mác "sinh viên cá biệt", thường xuyên thu lượm điểm 5, 6 trong trường, khi ra đời lại thể hiện khả năng thích ứng đáng kinh ngạc, vượt xa những người bạn chăm học. Chúng ta hãy cùng nhìn vào những nguyên nhân đằng sau thực tế này.

1. Trải nghiệm công việc sớm hơn

Thông thường một sinh viên cá biệt không phải bận tâm tìm việc làm sau khi đã tốt nghiệp, bởi họ đã bắt đầu làm việc từ rất sớm và tích góp được những kĩ năng nền tảng quan trọng. Làm việc sớm hơn bạn đồng trang lứa vài năm là một kho báu vô giá, giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của họ sau này.

Tiếp xúc với môi trường làm việc sớm cũng giúp những người này nhận ra được điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, từ đó nhanh chóng xác định được mục tiêu, công việc phù hợp với bản thân.

Tại sao nhiều người học kém ra đời lại kiếm tiền giỏi, lên sếp sớm, thành công vượt xa bạn bè xuất sắc thời đi học? - Ảnh 1.

2. Thiết lập nên những mối quan hệ hữu ích

Chúng ta đều biết rằng mạng lưới quan hệ đem lại vô vàn lợi ích. Những sinh viên cá biệt thường không để bản thân bị gò bó trong giảng đường. Họ dành thời gian để thiết lập nên mạng lưới quan hệ rộng lớn hơn, tìm được cho mình nhiều người bạn chất lượng.

Họ biết cách để kết thân với người khác hơn những người sinh viên chỉ chăm chú cho việc học, từ đó nhanh nhạy thông tin hơn những người bạn siêng năng, cần cù.

3. Khả năng đề xuất những giải pháp đơn giản mà hiệu quả

Sinh viên cá biệt không bao giờ phức tạp hoá vấn đề. Họ tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, trực diện và đơn giản cho mọi câu hỏi đặt ra. Một ví dụ điển hình là Bill Gates, ông không bao giờ để ý đến điểm số khi thuê người làm việc cho mình mà đề cao khả năng "tìm ra những con đường dễ dàng nhất để thực hiện công việc".

4. Hiểu rõ về những khó khăn để vươn tới thành công

Phần lớn những sinh viên cá biệt thường phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ biết cách tận dụng chính những chướng ngại vật đó làm gạch lót đường để có thể tiến xa hơn. Chướng ngại đã tôi luyện cho họ sự bản lĩnh, vượt qua chướng ngại là kinh nghiệm quý báu nhất của họ, giúp họ đặt nền móng vững chắc cho thành công của mình.

Những sinh viên điểm kém có cơ hội đối mặt và học cách vượt qua khó khăn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bằng cách cố gắng sống sót qua mỗi kỳ thi. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp ra trường, họ trở nên gai góc, bản lĩnh hơn trước những sóng gió của cuộc đời.

5. Định nghĩa khác biệt về sự thành công
Đối với rất nhiều sinh viên, đỉnh cao của thành công là đạt điểm tốt trong mỗi kì thi. Họ không nhận ra rằng những con số trong học bạ ấy, thực chất rất mơ hồ. Ngược lại, sinh viên cá biệt không chấp nhận những quy chuẩn thông thường ấy, luôn tự vấn bản thân tại sao điểm số quan trọng và từ chối đi theo đám đông. Họ sớm nhận ra rằng điểm không phải mục tiêu cao nhất, từ đó tự vạch ra con đường của riêng mình.

6. Không bao giờ đi theo chủ nghĩa hoàn hảo

Sinh viên cá biệt hiểu rõ rằng trên cuộc đời này, không có gì là hoàn hảo. Họ thích học hỏi từ những lỗi sai của mình, hơn là cố gắng học giỏi toàn diện các môn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế không một ai có thể tận dụng được toàn bộ kiến thức ở trong trường, phần lớn kinh nghiệm chúng ta đến từ những trải nghiệm thực tế. Những người bạn đồng trang lứa chăm ngoan của họ nhận ra điều này muộn màng hơn nhiều.

7. Bù lấp thiếu sót của bản thân bằng cách tận dụng kiến thức, kĩ năng của người khác

Những sinh viên học giỏi, luôn đạt điểm cao trong mỗi kì thi thường là những người siêng năng, cần cù, chăm chỉ, không dựa dẫm vào người khác. Ngược lại, sinh viên cá biệt luôn có những phương thức của riêng họ trong việc sử dụng kiến thức của người khác để vượt qua kì thi.

Họ nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng người, từ đó tập hợp thành một tập thể đoàn kết, có khả năng bổ trợ cho những thiếu sót của nhau. Và sau cùng, sức mạnh tập thể luôn lớn hơn sức mạnh cá nhân.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Đình Trọng

Theo Trí Thức Trẻ