Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tâm sự của 'vua' xuất khẩu trái cây Nguyễn Đình Tùng

23/01/2019 16:48

Trái cây Việt Nam mới chỉ bay sang 1-2 bang ở Mỹ khai thác 2-3% thị phần ít ỏi của thị trường này.

Trái cây Việt Nam mới chỉ bay sang 1-2 bang ở Mỹ khai thác 2-3% thị phần ít ỏi của thị trường này.

Trái cây Việt Nam mới chỉ bay sang 1-2 bang ở Mỹ khai thác 2-3% thị phần ít ỏi của thị trường này.

Chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và đang dần có chỗ đứng tại thị trường khó tính này nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group vẫn chưa bằng lòng với những gì đạt được.

“Cuộc đối đầu với trái cây Thái hay nhiều đối thủ khác càng khốc liệt, trái cây của Việt Nam phải vào hệ thống siêu thị lớn của Mỹ, tới tận tay những người tiêu dùng với chất lượng tươi ngon nhất trong năm tới”, ông chia sẻ.

. Phóng viên: Nhiều doanh nghiệp trái cây xuất khẩu Việt Nam “lắc đầu”, vậy người Mỹ khó tính cỡ nào?

+ Ông Nguyễn Đình Tùng: Mặc dù, Mỹ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng của thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn nhưng nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định, thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh. Nhưng chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng, và một cách liên tục khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị rút ngắn, mất cơ hội tiêu thụ, và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường này.

Trước khi trái cây xuất khẩu đến Mỹ thì phải qua chiếu xạ tại Việt Nam nhằm loại bỏ các côn trùng gây hại (đây là yêu cầu của Mỹ, riêng châu Âu thì bằng nhiệt hơi). Không đơn giản là thu hoạch xong, đóng gói và chuyển đến nhà máy chiếu xạ là có thể xuất khẩu được.

Tại các nhà máy chiếu xạ, luôn có một chuyên gia người Mỹ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu chuyên gia FDA phát hiện trái cây dính đất, hoặc phát hiện có sâu bọ là hủy ngay lô hàng của doanh nghiệp. Chôm chôm là loại quả rất dễ dính bẩn và sâu bọ do vỏ ngoài nhiều lông nhọn mềm.

. Vậy có khi nào ông “mất trắng” lô hàng?

+ Thực tế, Vina T&T cũng đã phải học nhiều bài học, mà chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Vina T&T đã từng mất trắng một số lượng lớn trái thanh long, vì sự chủ quan trong quá trình vận chuyển.

Thanh long được thu hái xong chuyển lên xe, chở đến nhà máy chiếu xạ, rồi dỡ hàng xuống để chiếu xạ, xong bốc hàng lên. Các công đoạn này xem ra rất bình thường, nhưng quá trình lên xuống hàng, rồi chạy qua máy chiếu xạ khiến trái thanh long bị sốc nhiệt khiến quả bị nhũn.

Chỉ sau này, khi doanh nghiệp hoàn thiện lại quy trình logistics mới giữ được trái có chất lượng. Đó là phải thu hoạch lúc 2 giờ sáng, đưa ngay vào nhà mát đóng hàn, chở hàng đến nhà máy chiếu xạ vào ban đêm, nhằm đảm bảo trái cây có sự cân bằng nhiệt độ.

Doanh nghiệp cũng vài lần bị chuyên gia FDA hủy các lô hàng chôm chôm do công nhân kiểm tra không kỹ trước khi đóng gói. Ngay tại nhà máy chiếu xạ, có khi doanh nghiệp bị hủy cả lô hàng chôm chôm đi Mỹ.

. Đã có đối tác ở Mỹ, tại sao Vina T&T lập hẳn đại lý tại nước này?

+ Trái cây xuất sang Mỹ đã khó khăn, thương trường cũng càng khốc liệt hơn. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu thường bị ép giá, bị đối tác dọa này nọ để giảm giá. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng không có người bên nước xuất khẩu để xử lý các vấn đề rủi ro nếu có.

Một vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp Việt là cạnh tranh bằng cách bán phá giá tại nước xuất khẩu. Vina T&T chỉ ký những hợp đồng có mức lợi nhuận trên 20%, vì xuất khẩu trái cây tươi rủi ro rất cao, do dễ hư hỏng hoặc bị phát hiện các loại bệnh mới mà không biết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt chỉ cần lời 5% hoặc thậm chí hòa vốn cũng xuất khẩu hàng sang Mỹ. Những doanh nghiệp này cũng chỉ hoạt động khoảng 1-2 năm là vắng bóng trên thị trường, nhưng để lại tác hại khôn lường.

Chẳng hạn, các đối tác thấy giá các doanh nghiệp khác bán rẻ nên yêu cầu T&T Vina giảm giá. Khi chúng tôi không chấp nhận thì họ giảm sản lượng mua hàng. Chưa kể, người tiêu dùng Mỹ đã mua hàng giá thấp thì khi bán giá cao sẽ rất khó, ảnh hưởng đến cả một dây chuyền cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

Để kiểm soát các rủi ro trên, công ty phải ký hợp đồng bán hàng cả năm với các đối tác Mỹ với giá cố định, để hạn chế việc bị ép giá. Chưa kể, Vina T&T thiết lập đại lý bên Mỹ để nghiên cứu thị trường, giám sát và xử lý các sự cố.

. Tại Mỹ, trái cây Việt gặp không ít đối thủ như trái cây đến từ Thái Lan, các nước Nam Mỹ, vậy có cửa nào để cạnh tranh?

+ Hiện thị trường tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ rất lớn, người Mỹ thích ăn trái cây nhiệt đới tươi ngon. Thế nhưng, sản lượng trái cây Việt Nam chỉ mới khai thác được 2% thị phần ít ỏi lại tại thị trường Mỹ. Các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung bán ở bang Califonia, trong khi Mỹ có hơn 50 bang.

Vì vậy, dù có đối thủ thì thị trường cho trái cây Việt Nam ở Mỹ là rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng khai thác. Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu đưa trái cây tươi mà cụ thể là trái dừa xiêm vào các hệ thống siêu thị lớn nhất tại Mỹ, điều các loại trái cây Việt Nam chưa làm được.

Để làm được điều đó, chất lượng là yếu tố hàng đầu quyết định thành công. Tôi không e ngại khi đối đầu với các đối thủ khác khi đã làm tốt điều này. Chấp nhận đầu tư mạnh ngay từ lúc trồng, mới cho ra được loại trái cây đúng quy chuẩn xuất khẩu. Vì thông thường, trong 10 tấn sản lượng, thì chỉ lựa được từ 2-3 tấn hàng đáp ứng đi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Như câu chuyện xuất khẩu trái dừa xiêm Bến Tre sang Mỹ, sau khi xuất thử nghiệm vài container, người tiêu dùng Mỹ phải thừa nhận dừa Việt Nam uống ngon hơn dừa Thái Lan. Và doanh nghiệp nhận được hợp đồng lớn 100.000 trái dừa/tuần, đánh bật đối thủ Thái Lan khi bao năm nay trái dừa nước này chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

. Ông có thể chia sẻ thêm về “vũ khí” công nghệ bảo quản?

+ Xuất khẩu trái cây tươi nên các doanh nghiệp có khuynh hướng vận chuyển bằng máy bay. Chi phí này rất đắt, vì tính theo trọng lượng, mà hiện có giá khoảng 3.000 USD/tấn hàng.

Doanh nghiệp đã tạo ra được công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu hơn, nhưng không lạm dụng chất bảo quản, không bị dư lượng thuốc, nhằm vận chuyển theo đường biển. Vận chuyển bằng tàu tính theo container, với chi phí khoảng 2.500 USD/container. Mà một container chứa được hơn 10 tấn hàng. Sự chênh lệch chi phí giữa vận chuyển hàng không và đường biển giúp trái cây Việt Nam đưa ra một giá thành rất cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

. Doanh nghiệp cũng phải “chơi được” với nông dân mới có trái ngọt?

+ Doanh nghiệp phải quy hoạch vùng trồng các loại trái cây xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc. Để sản xuất trái cây ở quy mô thương mại, buộc công ty phải có diện tích đất đủ lớn. Bằng cách liên kết với nông dân, hiện Vina T&T đã có trên 100 ha đất.

Thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp, và trồng đúng theo quy chuẩn đặt ra, vốn rất khắt khe và tốn nhiều công sức thì phải tạo niềm tin cho họ. Niềm tin đó được xây dựng bằng sự uy tín trong thanh toán, mua hàng một cách ổn định, và chứng minh được tính hiệu quả kinh doanh, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho các thương lái.

Nhìn chung, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng được vùng trồng, vì cứ mỗi 2 năm mất chi phí 2.000 USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP. Chưa kể, ngay đầu vụ phải đặt cọc cho nông dân số tiền 50 triệu đồng/ha để mua nguyên vật liệu.

. Động lực nào giúp anh hơn chục năm gắn bó với trái cây xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ dù đã có thời gian gặp nhiều thất bại?

+ Công ty tôi là một trong những công ty đầu tiên xuất khẩu thanh long sang Mỹ. Nhưng những năm khủng hoảng kinh tế năm 2012 đã khiến công ty gặp quá nhiều khó khăn, tôi đã định rẽ sang kinh doanh ngành khác.

Động lực khiến tôi tiếp tục sống chết với trái cây chính là vợ tôi. Cô ấy người miền Tây, vựa trái cây lớn nhất cả nước, nhìn người nông dân sản xuất ra những loại trái cây tươi ngon phải bán giá rẻ, đổ đống, đầu ra bấp bênh đã thôi thúc tôi tìm cách xuất khẩu. Đúng lúc đó, đối tác nhiều năm của tôi ở Mỹ lại tìm cách liện hệ nhập trái cây vì người tiêu dùng bên đó “ghiền” khen ngon, tôi quyết định dốc hết sức mình để đưa trái cây tươi ngon của Việt Nam chinh phục các thị trường trên thế giới.

Thực hiện: QUANG HUY (Nội dung) - HOÀNG QUYÊN (Đồ họa)

Theo Pháp luật TP.HCM

Bạn đang đọc bài viết "Tâm sự của 'vua' xuất khẩu trái cây Nguyễn Đình Tùng" tại chuyên mục Phong cách.