Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tan tành giấc mộng làm giàu từ đất nông thôn

15/06/2022 06:48

Chỉ chưa đầy 3 tháng, những nhà đầu tư bất động sản tại Quảng Trị lần lượt chịu cú sốc lớn khi giấc mơ làm giàu từ đất nông thôn dần tan thành mây khói. Từ mục tiêu lướt cọc, hưởng chênh lệch nhanh chóng trong tâm sốt đất, nhiều nhà đầu tư tay ngang đã phải ngậm ngùi ôm trái đắng khi lỡ “đu đỉnh” và chưa biết bao giờ mới thu hồi được vốn. Rất nhiều trong số đó buộc phải “bỏ cọc” khi không gánh nổi lãi suất tiền vay.

Tan tành giấc mộng làm giàu từ đất nông thôn

Nhiều nhà đầu tư tay ngang đã phải ngậm ngùi ôm trái đắng khi lỡ “đu đỉnh”. Ảnh minh hoạ

Chốt cọc online

Đầu năm 2022, thị trường bất động sản vùng ven Quảng Trị trở nên nóng sốt, thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đổ về, nhất là những lô đất có diện tích lớn, nằm gần các tuyến đường ven biển.

Đơn cử như tại huyện Vĩnh Linh, trước thông tin tuyến Quốc lộ 3 ven biển sẽ được khởi công vào cuối tháng 4, giá đất tại các vùng Kim Thạch, Hiền Thành, Vĩnh Giang đã liên tục thiết lập những đỉnh giá mới chỉ trong vài ngày.

Nếu như vào tháng 1.2022, mỗi mét ngang đất mặt tiền đường nhựa tại xã Kim Thạch có giá từ 60-100 triệu đồng tùy vị trí thì đến tháng 2.2022 đã nhanh chóng chạm mức 100-140 triệu đồng. Và đến đầu tháng 3, những lô đất nằm trên tuyến Quốc lộ 9D, tuyến Quốc lộ 3 đã có giá 210 triệu đồng/mét ngang.

Điều đáng nói, giá đất cao như vậy vẫn không khiến các nhà đầu tư chùn chân. Việc xem và chốt đất được diễn ra nhanh chóng và liên tục trong ngày.

Chị Trần Thị Mỹ Trang, môi giới bất động sản tại huyện Vĩnh Linh, cho biết trung bình mỗi ngày chị môi giới được ít nhất 3 lô đất. Có nhà đầu tư, không cần đến tận nơi để xem đất mà sẵn sàng chốt cọc online, thậm chí chốt ngay trong đêm.

“Thời điểm đó, chúng tôi làm ăn vô cùng thuận lợi. Với sự tin tưởng của khách hàng, chúng tôi đến xem đất, người mua chỉ cần đánh giá tiềm năng thông qua các cuộc gọi video là đã có thể chốt đất nhanh gọn. Có những lô đất, chúng tôi vừa bán cho nhà đầu tư này đã nhanh chóng sang tay được cho nhà đầu tư khác mà không cần mất quá nhiều thời gian chờ đợi”, chị Trang cho biết thêm.

Không chỉ tại những vị trí có dự án, đất nông thôn cũng được đẩy lên mức giá cao chót vót. Đơn cử như tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, cuối năm 2021, cứ mỗi một mét ngang đất trên trục đường nhựa liên xã được chào bán với giá 35-45 triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau 5 tháng, giá chào bán đã được nâng lên 145 triệu đồng/mét ngang. Điều đáng nói là xã Vĩnh Giang không phải là địa phương có biển và cũng không thực sự phát triển như những vùng lân cận.

Anh Ngô Văn Toàn, người dân thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, cho biết mảnh đất của gia đình anh có diện tích 21 mét ngang, 30 mét sâu được bán với giá hơn 2,8 tỉ đồng. Thời điểm anh bán, giá mỗi mét ngang là 135 triệu đồng, ngay sau đó đã được bán lại với giá 145 triệu đồng.

“Tôi không nghĩ có ngày lô đất trồng cây lâu năm của gia đình lại giúp chúng tôi thu về một số tiền lớn như vậy. Quả thực, cả đời làm nông của mình, tôi đâu dám mơ”, anh Toàn cho biết.

Tuy nhiên, cơn sốt đất bất ngờ chững lại rồi đứng im từ giữa tháng 3 cho đến nay đã khiến tất cả những người mua cuối cùng lãnh đủ.

Chịu lỗ, chấp nhận bỏ cọc

Cuối năm 2021, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 2 năm 2021 với các lô đất thuộc dự án do UBND thành phố Đông Hà quản lý. Địa điểm các lô đất được đấu giá, nằm ở Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo (phường 3, thành phố Đông Hà) và Khu tái định cư Bắc sông Hiếu (phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà).

Tan tành giấc mộng làm giàu từ đất nông thôn

Nhiều khách hàng phải bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Ảnh minh hoạ

Kết quả, tổng số lô đất trúng đấu giá là 58 lô trên tổng diện tích hơn 12.500m2 với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 191 tỉ đồng. Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Chi cục Thuế khu vực Đông Hà Cam Lộ ban hành thông báo, người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền. Tuy nhiên, có 9 khách hàng không nộp đủ tiền, nên ngày 28.1.2022, UBND thành phố Đông Hà có quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá 2 lô đất ở khu dân cư nói trên.

Câu chuyện đấu giá vượt sàn cao, rồi bỏ cọc không chỉ diễn ra ở thành phố Đông Hà, mà ở miền núi, nông thôn cũng có kịch bản tương tự.

Giữa năm 2021, tại huyện miền núi Đakrông của tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các lô hai bên tuyến đường T4 thị trấn Krông Klang. Giá mỗi lô đất có giá khởi điểm bình quân hơn 200 triệu đồng, nhưng giá trúng đấu giá từ khoảng 400 triệu đồng đến hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, có đến 8 khách hàng đấu trúng giá cao… bỏ cọc.

Ở huyện Cam Lộ, quá trình đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3 năm 2022 tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền, có đến 11 lô đất bị bỏ cọc.

Xã Cam Tuyền thuộc khu vực miền núi của huyện Cam Lộ, quá trình đấu giá đất, chính quyền đưa ra giá khởi điểm 250 triệu đồng cho lô đất có diện tích 450m2, nhưng kết quả trúng đấu giá có lô gấp 4 lần so với giá khởi điểm.

Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cho biết sau khi các lô đất được đấu trúng với giá cao thì xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận. “Có thể đây là chiêu thức của nhà đầu tư. Trước đó, họ đã thu mua đất ở quanh khu vực đấu giá, rồi tham gia đấu giá đất với giá cao, tiếp đó là thổi giá đất quanh đó lên để bán. Bán được rồi thì bỏ luôn tiền cọc ở lô đấu trúng”, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ thông tin.

Không chỉ riêng với đất đấu giá, hiện nay, đối với thị trường bất động sản tại Quảng Trị, việc bỏ cọc đã trở thành chuyện quá quen thuộc trong bối cảnh thị trường bất động sản tại đây gần như đứng im. Nhiều người đã phải chấp nhận “vứt đi” một số tiền để không phải ôm đất rồi thấp thỏm chờ đợi.

Theo Mai Linh/Cafeland
Bạn đang đọc bài viết "Tan tành giấc mộng làm giàu từ đất nông thôn" tại chuyên mục Bất động sản.