Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tăng trưởng trong bóng tối

10/05/2019 10:26

Đầu tháng 2.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt một văn bản mang tính bước ngoặt trong quản trị kinh tế vĩ mô: Đề án Thống kê Khu vực Kinh tế chưa được quan sát.

Để đi đến quyết sách trên, một năm trước, người đứng đầu Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu tưởng chừng như rất cơ bản: ngôn từ. “Chúng ta không gọi là kinh tế ngầm mà gọi là kinh tế không chính thức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác của Tổng cục Thống kê đầu năm ngoái.

“Khu vực này còn rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đề án vừa phê duyệt đặt ra mục tiêu kể từ năm 2020, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát sẽ được thống kê và tính vào GDP.

Kể từ thời điểm công bố phê duyệt đề án trên, những tranh luận thường xoay quanh câu hỏi thành tích tăng trưởng có bị “ảo” khi tính thêm các thành tố của kinh tế chưa được quan sát vào GDP. Nếu nhìn vượt ra ngoài câu chuyện của thành tích tăng trưởng, đo lường bộ phận nền kinh tế chưa được quan sát còn giúp đưa ra ánh sáng hàng loạt vấn đề kinh tế và xã hội khác. Ở Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển khác trên thế giới, lợi thế từ sự linh hoạt của bộ phận này đang phải đánh đổi bằng năng suất lao động thấp hơn, thu ngân sách giảm, nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập ngày một sâu rộng.

Như thường lệ, đầu năm là thời điểm Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo đầu tiên về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng báo cáo tháng 1 năm nay của định chế tài chính này, với tựa đề “Những vùng trời tối” (Darkening Skies), không chỉ dừng ở dự báo tăng trưởng GDP thông thường, mà dành hẳn một chương đề cập đến những thách thức đang gặp phải của kinh tế phi chính thức (informal sector) - khu vực chiếm tới 70% lực lượng lao động và tạo ra giá trị tương đương 32% GDP tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển. Hai tỉ lệ này ở các nền kinh tế phát triển lần lượt là 14% và 17%.

Tổng cục thống kê OECD
Nguồn: Tổng cục thống kê, OECD

Bắt lấy cái bóng

Kinh tế phi chính thức là một trong năm cấu phần quan trọng tạo nên khái niệm “nền kinh tế chưa được quan sát” (non-observed economy), bên cạnh bốn khu vực còn lại bao gồm: Kinh tế ngầm (khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội); Kinh tế bất hợp pháp (khu vực bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa đăng ký); Kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình; Kinh tế bị bỏ sót (các hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập thống kê), theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê. Tiến sĩ Phạm Thế Anh tại Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, đây là định nghĩa tương đồng với khung khái niệm được đưa ra bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

World Bank dẫn một nghiên cứu năm 2007 của Perry và cộng sự cho rằng, kinh tế phi chính thức là một khái niệm đa chiều và khác nhau về bản chất giữa các quốc gia. Trả lời VOV, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi tiết, kinh tế phi chính thức là khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không rõ quan hệ lao động giữa chủ lao động với người lao động, không có hợp đồng lao động. Đầu năm 2018, ông Lâm từng cho biết giá trị tạo ra từ kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không tới 30% GDP.

Tổng cục thống kê OECD

Bất chấp có được quan sát đầy đủ hay không, khu vực kinh tế phi chính thức vẫn đóng góp đáng kể vào động lực tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển. Theo nghiên cứu của World Bank, một nửa sản lượng và 95% lao động của khu vực kinh tế phi chính thức tập trung ở nhóm nước này. Từ nghiên cứu thực nghiệm, World Bank rút ra nhận định, các hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra phổ biến ở các quốc gia thu nhập thấp, có tỉ trọng nông nghiệp cao và lao động không kỹ năng chiếm tỉ lệ lớn. Đặc biệt ở khu vực châu Phi - hạ Sahara, kinh tế phi chính thức là hoạt động của 90% lực lượng lao động và tạo ra giá trị tương đương 62% GDP khu vực này.

Các nghiên cứu của Harris & Todaro năm 1970, Loayza năm 2016, Soto năm 1989 chỉ ra hai nguyên nhân căn bản khiến hoạt động phi chính thức xuất hiện, đó là sự kém phát triển và quản trị nghèo nàn (bao gồm hệ thống quy định nặng nề, tham nhũng hoặc sự yếu kém của các dịch vụ công).

Có một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho kinh tế phi chính thức trở nên phổ biến ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển: tại đây, giới chủ và nhà quản lý kinh doanh có mức độ chấp nhận hoạt động kinh tế phi chính thức cao hơn so với ở các nền kinh tế phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, kinh tế phi chính thức còn đóng vai trò như chiếc đệm, giúp người lao động có việc làm nhanh chóng hơn so với khu vực chính thức, vốn đang gặp khủng hoảng hoặc đình đốn. Kết quả từ bằng chứng thực nghiệm của World Bank cho thấy, tỉ trọng phần trăm GDP của nền kinh tế phi chính thức đã tăng lên trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

World Bank biểu đồ
Nguồn: World Bank

Thách thức của khu vực phi chính thức

Tuy nhiên, lợi thế từ sự linh hoạt của hoạt động phi chính thức đang phải đánh đổi bằng những mặt tiêu cực của năng suất lao động, thu ngân sách, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng.

Tiền lương tại khu vực phi chính thức thấp hơn 19% so với khu vực chính thức, theo World Bank. Điều này phản ánh đặc điểm chất lượng nguồn lao động của khu vực phi chính thức thường thấp hơn. Không chỉ người lao động, các công ty hoạt động trong khu vực phi chính thức cũng tạo doanh thu chỉ bằng 1/4 so với các công ty trong khu vực chính thức.

Sự phổ biến của kinh tế phi chính thức khiến cho các chính phủ thất thu. Tổng thu ngân sách chính phủ tại các thị trường mới nổi và đang phát triển có kinh tế phi chính thức phổ biến nhất thấp hơn 5-10 điểm phần trăm GDP so với những nơi ít phổ biến nhất. Điều này dẫn đến hệ quả chi tiêu chính phủ cũng thấp hơn 4-10 điểm phần trăm. Sự thiếu hụt nguồn lực cho các chính sách tái phân bổ của nhà nước có thể khiến cho vấn đề nghèo đói ngày càng khó giải quyết. Trong báo cáo “Những vùng trời tối”, World Bank dẫn ra nghiên cứu cho thấy, nền kinh tế phi chính thức càng lớn thì tỉ lệ nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập càng cao.

Tổng cục thống kê OECD

Tuy nhiên, rủi ro nguy hiểm nhất của một nền kinh tế có khu vực phi chính thức lớn, đó là hệ quả khuyến khích cho tăng trưởng kinh tế chậm hơn và nuôi dưỡng cho nền quản trị ngày càng yếu kém. World Bank giải thích hai lo ngại trên bằng những mô hình lý thuyết. Cụ thể, việc một khu vực phi chính thức có quy mô lớn cạnh tranh với khu vực chính thức bằng nguồn lao động kỹ năng thấp, làm giảm động lực đầu tư vào con người, nguồn vốn và công nghệ mới, qua đó làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra tham nhũng và việc áp đặt quy định một cách quá mức thúc đẩy các hoạt động phi chính thức hình thành. Điều đáng lo ngại hơn là mối quan hệ này cũng đúng theo chiều ngược lại.

Để vượt lên tất cả những thách thức trên, World Bank đưa ra một loạt các biện pháp tiến hành, bao gồm: xây dựng những chính sách hỗn hợp cân bằng; một khuôn khổ pháp lý được thiết kế tốt; gia tăng khả năng tiếp cận tài chính, thị trường; cải thiện năng suất lao động và tăng cường giáo dục để gia tăng chất lượng nguồn lao động.

Tại Việt Nam, với Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kê dự kiến hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trong năm nay, trước khi chính thức đo lường kể từ năm 2020. Cùng với cam kết chung tay của những tổ chức giàu kinh nghiệm như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), “kinh tế ngầm” sẽ không còn mãi là ẩn số. Bắt lấy cái bóng của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, không đơn thuần chỉ để có một con số GDP chính xác hơn, mà còn để hiểu rõ về một bộ phận không nhỏ của nền kinh tế đang diễn ra hằng ngày, cũng như những thách thức mà nó đang gặp phải.

Bài viết: Tâm Vũ - Thiết kế: Ngân Vũ

Theo Nhà Quản Lý

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tăng trưởng trong bóng tối" tại chuyên mục Tiêu điểm.