Tổng giám đốc Lý Thị Phương Trang mang đến cho người đối diện một ấn tượng đặc biệt. Ở bà, người ta cảm nhận được sự ấm áp, nồng hậu, tin tưởng nhưng không kém phần mạnh mẽ.
Bà Lý Thị Phương Trang đã có hơn 25 năm kinh nghiệm ở các vị trí lãnh đạo của Tập đoàn Daikin. Xuất thân là kỹ sư ngành nhiệt lạnh, bà biến niềm đam mê với các lĩnh vực công nghệ cao thành những cống hiến và thành công. Việc đưa Daikin trở thành thương hiệu điều hòa Nhật Bản dẫn đầu thị trường Việt Nam trong nhiều năm liền cũng không nằm ngoài mục tiêu cống hiến và trái ngọt bà thu được trong suốt sự nghiệp lãnh đạo của mình. Trao đổi với Zing.vn, bà chia sẻ nhiều về những yếu tố làm nên thành công của cá nhân và doanh nghiệp.
- Thật lòng mà nói, vào thời điểm chọn ngành này, tôi không nghĩ gì về chuyện là nam hay nữ. Chính cái duyên đã dẫn tôi đến với ngành. Ngày đó, gia đình mong muốn tôi theo ngành y, nhưng vì đam mê Toán, Lý, tôi kiên quyết thi vào Bách Khoa. Tôi nói nếu không đậu, nhất định năm sau sẽ thi Y như ý gia đình.
May mắn, năm đó tôi trúng tuyển và ngành tôi chọn là Máy hóa. Đúng năm tôi học thì giáo dục cải cách, chương trình học kỹ sư kéo dài thành 5 năm và ngành Máy hóa được sáp nhập với ngành Điện lạnh. Lúc ra trường, tôi được phân công về ngành Điện lạnh. Phải nói, tôi thật sự rất có duyên với ngành này. Vì duyên mà học, càng học càng mê, nên tôi chọn gắn bó đến tận bây giờ.
- Tôi và Daikin khá có duyên. Lúc mới ra trường, tôi nghĩ mình sẽ trở thành nhà thiết kế sản phẩm hoặc chuyên gia tư vấn, nhưng đưa đẩy thế nào lại bước sang lĩnh vực kinh doanh. Thời điểm đến Daikin, tôi đã có kinh nghiệm kinh doanh lẫn gốc kỹ thuật. Nhờ vậy, tôi khá tự tin là hậu phương vững vàng mỗi khi công ty có vấn đề cần tư vấn.
Khi còn là nhân viên kinh doanh, tôi cũng từng bán sản phẩm của Daikin. Thời đó, nước mình còn nghèo, những tài liệu kỹ thuật cực kỳ khan hiếm. Daikin thì khác, họ rất cởi mở trong việc cung cấp thông tin với khách hàng và đối tác. Vì vậy, ngay từ thời điểm đó, tôi đã rất tâm đắc với thương hiệu này.
Năm 1995, tôi được mời về làm giám đốc công ty Việt Kim - nhà phân phối chính thức của Daikin. Khi ấy, tôi đã hạ quyết tâm nếu chọn Daikin làm đối tác khi tập đoàn này chính thức đầu tư vào Việt Nam, thì Daikin cũng phải chọn tôi. Với những cố gắng của bản thân, đến hôm nay, mọi việc đều đạt như ý nguyện.
- Khi chính thức là thành viên của Daikin, tôi đã mong muốn rằng: Khi nhắc đến máy lạnh, mọi người sẽ nhớ đến Daikin. Nỗ lực đã gặt hái được quả ngọt. Năm 2013, Daikin chiếm thị phần số 1 tại thị trường Việt Nam về doanh số. Năm 2015, công ty đứng nhất trong thị phần dân dụng.
Cũng trong năm này, tôi đặt ra chỉ tiêu 500.000 bộ máy/năm. Tôi nhận ra với số lượng 500.000 bộ, nếu tiết giảm tiền logistic, vận chuyển, nhập khẩu và được sản xuất tại Việt Nam, chi phí sẽ vơi đi rất nhiều. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua được sản phẩm chất lượng cao với giá thành rẻ hơn. Từ đó, tôi quyết tâm xin mở một nhà máy tại Việt Nam. Đến tháng 7/2016, chủ tịch tập đoàn Daikin và giám đốc Daikin Nhật Bản đã đồng ý đầu tư dự án ước tính khoảng 100 triệu USD. Sau khoảng thời gian khảo sát có phần vất vả, tôi chọn khu công nghiệp Thăng Long với những điều kiện khang trang làm nơi xây dựng nhà máy.
Là nhà máy non trẻ nhất tập đoàn, Daikin Việt Nam được “ưu ái” trang bị công nghệ hiện đại hàng đầu nhưng đi kèm áp lực lớn: Thời gian thành phẩm đề xuất chỉ 25 giây/sản phẩm. Tôi lo lắm, bởi khi sang Thái Lan công tác, nhà máy của họ hiện đại đến vậy mà thời gian thành phẩm là 32 giây. Tôi tự hỏi liệu mình có đang đặt áp lực quá lớn lên các anh chị em nhân viên không. Tuy nhiên, các chuyên gia rất tự tin rằng với công nghệ hiện đại của Daikin, mọi việc đều trong tầm kiểm soát. Khi nhà máy hoàn thành, tôi đến quan sát các anh em công nhân và thấy mọi người làm việc nhịp nhàng, tôi cũng yên tâm hơn. Các đoàn tham quan cũng khen ngợi nhà máy Daikin tốt hơn nhiều nhà máy khác khiến tôi rất vui.
- Quá trình xây dựng nhà máy diễn ra khá suôn sẻ, nhưng việc đi tìm địa điểm lại khá "nhiêu khê". Ngay sau khi quyết định xây nhà máy ở Việt Nam được phê duyệt, tôi cùng các chuyên gia Nhật đã đi khắp các khu công nghiệp để lựa chọn địa điểm phù hợp. Tôi sống tại TP.HCM nên rất muốn nhà máy được xây gần đây. Tuy nhiên, các khu công nghiệp quanh thành phố gần như đã kín chỗ. Các khu vực khác như Đồng Nai, Biên Hòa cũng gặp tình trạng tương tự. Một số khu công nghiệp khác lại đang trong kế hoạch dự kiến xây dựng, như vậy sẽ không kịp với tiến độ Daikin mong muốn. Vậy là, chúng tôi tìm đến các khu công nghiệp miền Bắc. Sau khi khảo sát, chúng tôi chọn khu công nghiệp Thăng Long, tỉnh Hưng Yên, nơi có nhiều điều kiện khang trang. Phải nhắc đến cái duyên một lần nữa, bởi từ lần đầu đến đây, tôi đã cảm thấy mảnh đất này là nơi phù hợp.
Quá trình xây dựng nhà máy sau đó diễn ra rất mượt mà. Ban đầu, nhà thầu đề xuất thi công trong vòng 7 tháng. Lúc đó, tôi nghĩ đây thực sự là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, khi tôi ghé thăm thì nhà máy đã gần như hoàn chỉnh. Sau đó, các chuyên gia Nhật Bản vào lắp ráp dây chuyền công nghệ, đến tháng 9 thì bàn giao lại theo đúng tiến độ.
Một sự cố nho nhỏ đã xảy ra sau khi khánh thành. Đó là ruồi, rất nhiều ruồi xuất hiện trong khu vực nhà máy. Tôi quan ngại các anh em công nhân sẽ bị ảnh hưởng. Qua tìm hiểu, tôi biết được phía đầu ngọn gió gần nhà máy có một bãi rác và bà con vẫn thường vứt rác ở đó. Sau khi kiến nghị, chính quyền địa phương đã phối hợp, hỗ trợ rất nhiệt tình để di dời bãi rác, xây dựng lò đốt Dị Sử. Thời điểm đó, phía Daikin cũng đã tài trợ cho lò đốt gần 600 triệu đồng. Đến nay, mọi thứ đã tốt đẹp hơn.
- Tôi thấy văn hóa Nhật - Việt có khá nhiều nét tương đồng. Tập đoàn Daikin có 3 giá trị cốt lõi, đó là uy tín tuyệt đối, tinh thần quản trị dám nghĩ dám làm, và cuối cùng là quan hệ cá nhân hài hòa. Điều này giống quan điểm thành công của người Việt - là sự hội tụ 3 tiêu chí "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Từ đó, tôi đã xem xét, mang những yếu tố tương đồng tích cực áp dụng vào quá trình tổ chức và xây dựng đội ngũ. Bên cạnh đó, Daikin cũng quan niệm "quản trị lấy con người làm trọng tâm", không chỉ chú tâm đến nỗ lực làm hài lòng người tiêu dùng, mà còn phải xem trọng đội ngũ anh chị em nhân viên.
Daikin là thương hiệu hàng đầu về điều hòa dân dụng, nhưng cũng rất mạnh trong mảng điều hòa thương mại và công nghiệp. Nếu bước vào một tòa nhà hay một trung tâm thương mại, bạn sẽ thấy sản phẩm của Daikin ở khắp nơi. Chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện một nhà máy ở khu vực miền Bắc với công suất 520.000 bộ trong năm 2019. Dự kiến đến năm 2022, chúng tôi sẽ đạt con số 1 triệu bộ máy/năm.
Trong tương lai, chúng tôi dự kiến sẽ "tấn công" mạnh mẽ hơn vào mảng điều hòa thương mại. Bên cạnh sản xuất, Daikin còn dự định xây dựng một tòa nhà xanh - "văn phòng trong mơ" tại TP.HCM. Trước đây, tôi đã dẫn nhiều đoàn khách tham quan các công trình xanh tại Singapore và luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một tòa nhà như thế cho nhân viên của mình. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là một trong những tòa văn phòng kiểu mẫu tại khu vực Đông Nam Á. Dự kiến đến cuối năm 2021, tòa nhà này chính thức đi vào hoạt động.
- Hồi còn đi học, tôi học ngành Nhiệt lạnh. Mọi người vẫn hay chọc ghẹo sinh viên ngành này “hâm”, lúc nóng lúc lạnh. Đùa chút thôi, nhưng tôi nghĩ đúng là người làm quản trị cần có một cái đầu lạnh. Lý trí luôn phải đặt trên cảm tính. Tuy nhiên, không phải việc gì cũng có thể xử lý bằng lý trí. Đôi khi, chúng ta cần nhớ đến cái tình, hiểu và cảm thông. Tựu trung, như mọi người vẫn hay nói, tôi nghĩ người lãnh đạo cần dung hòa được nhiều yếu tố, giữ được “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong mọi tình huống.
- Điều đầu tiên và tối quan trọng tôi muốn nhắn nhủ đến các em là hãy nỗ lực cân bằng giữa gia đình và công việc. Với phụ nữ, đặc biệt là trong quan niệm của người Á Đông, vai trò giữ gìn, vun vén hạnh phúc là rất lớn. Tôi luôn cho rằng bản thân là một người khá may mắn, và may mắn đầu tiên từ khi sinh ra chính là được làm con của mẹ tôi. Bà là một người tuyệt vời, luôn biết cách giữ lửa và kết nối các thành viên trong gia đình. Tôi chịu ảnh hưởng từ bà rất nhiều.
May mắn tiếp theo chính là có được một gia đình yên ấm. Chồng tôi là bạn học từ thời cấp ba, chúng tôi yêu nhau 10 năm mới tiến đến hôn nhân. Nhờ đó, vợ chồng tôi luôn có thể chia sẻ và đồng cảm với nhau. Tôi cũng quan niệm không nên mang việc về nhà, chúng ta đã dành hơn một phần ba của ngày cho công việc rồi, phần còn lại nhất định thuộc về bản thân và gia đình. Tóm lại, để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, trước tiên, chúng ta phải chu toàn cho gia đình.
- Người trẻ có nhiều năng lượng, các bạn rất nhiệt huyết và mong muốn được cống hiến. Tuy nhiên, cũng chính vì điểm này mà các bạn có vẻ khá nóng vội. Con đường đi đến thành công cần rất nhiều nỗ lực, nỗ lực để đi lên, nỗ lực chờ đợi, và đôi khi là nỗ lực vượt qua thất bại. Tôi thấy các bạn gặp gian nan thường dễ nản. Ai đó có thể về đích trong 2 tiếng, bạn có thể về đích trong 8 tiếng, hoặc hơn. Nhưng có sao đâu! Vốn dĩ mỗi người có một quỹ thời gian khác nhau, chẳng phải nhiều tỷ phú thành công rất muộn sao?
Tôi lấy một ví dụ bên lề, ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao nhất là ở các gia đình trẻ. Các bạn yêu, cưới và khi nhận ra đối phương không hoàn hảo như ban đầu, các bạn bất mãn, cãi vã rồi không thỏa hiệp, không dung hòa, thế là đổ vỡ. Gia đình chính là một tổ chức thu nhỏ, nếu các bạn không học được cách quản lý gia đình, thì việc quản lý công ty, vốn không dễ dàng gì, sẽ còn "nhiêu khê" gấp bội. Vậy nên, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy nỗ lực học, bên cạnh chuyên môn còn phải học kiên nhẫn để vượt qua khó khăn và về đích.
Giang Hoàng Linh
Đồ họa: Xuân Tùng
Theo Zing