Tiền rất quan trọng, nhưng thái độ đối với đồng tiền còn quan trọng hơn. Điều đó không chỉ hình thành nên một sự nghiệp, mà nó còn hình thành nên cả một nhân cách. Và chính thái độ đối với tiền sẽ quyết định đến sự giàu có của bạn.
01
Có một chàng trai trẻ tìm đến nhà ông Quang để trả tiền. Ông Quang tỏ rất ngạc nhiên bởi ông chưa từng gặp chàng trai đó, cũng không biết món tiền nợ chàng trai đề cập ở đây là gì. Nhưng khi nghe chàng trai kể chuyện, ông sực nhớ về câu chuyện xảy ra ngót chục năm về trước.
Chẳng là, ngày đó trên đường đi thăm người họ hàng ở Bình Dương, tình cờ chứng kiến tình cảnh nghèo khó của đôi vợ chồng nghèo: Người chồng bị cụt chân do tai nạn lao động, đứa con thơ mắc bệnh nặng, gánh nặng dồn cả lên vai người phụ nữ gầy gò. Thương xót cảnh ngộ đáng thương của họ, ông Quang đã biếu họ chút tiền và giới thiệu họ tới người bạn của ông để bốc thuốc miễn phí. Câu chuyện xảy ra đã lâu, và số tiền khi ấy với ông Quang không đáng kể là bao, ông cũng nắm được chút thông tin là gia đình họ đã dần ổn định, nên ông yên tâm tiếp tục hành trình của mình. Thời gian trôi đi, cứ ngỡ sẽ mãi lùi vào quá vãng.
Tuy nhiên, đứa trẻ năm xưa thì không bao giờ quên. Đến hôm nay, khi vừa có thành tựu, chàng trai trẻ liền thay cha mẹ mua một món quà nhỏ, kèm theo chút tiền và bôn ba tìm ông Quang để trả ơn. Chàng trai rất mực kính trọng ông và luôn miệng cảm tạ sự giúp đỡ của ông năm đó với gia đình. Chàng trai nói, nếu không được ông dang tay giúp đỡ, không biết anh còn sống được đến ngày hôm nay và gia đình anh có đi qua được cơn bĩ cực ấy không.
Thực tình, đối với ông Quang, số tiền đó chẳng đáng là bao, chính bản thân ông cũng không để tâm dù gia đình chàng trai trẻ có không trả lại đi chăng nữa. Nhưng gia đình chàng trai trẻ chưa bao giờ quên món nợ ân tình đó.
Thực chất, họ biết tiền mất đi có thể kiếm lại được nhưng một khi mang ơn, thì nhất định phải khắc ghi. Họ tự hứa với lòng mình rằng sẽ đền ơn đáp nghĩa ân nhân tốt bụng đã cưu mang họ trong thời điểm nguy khốn của cuộc đời. Đây chính là những người thật sự có nhân cách lớn.
Cho dù một người có nhiệt tình đến đâu, dụng tâm đến đâu, chỉ cần tác phong tiền bạc khiến người khác khó chịu thì cũng sẽ rất khó có được nhân duyên tốt, càng không cần nói đến khiến người khác tín nhiệm. Ngược lại, có thái độ tốt với tiền bạc, và biết cách ứng xử tốt với tiền bạc, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự trân trọng, tín nhiệm từ người khác.
02
Câu chuyện tôi đọc trên mạng, về nỗi buồn của một nhà văn, kể về tình huống anh gặp phải: Trong một nhà hàng ở nước Nhật, bạn anh, một người làm kinh doanh đã để một phần tiền bo cho người phục vụ. Sau khi người bạn này bước ra khỏi nhà hàng, người phục vụ chạy theo và nói: "Tôi xin trả anh tiền của anh". Người bạn kia đang lừng khừng trước tình huống mà theo bạn là khá kỳ lạ này thì người phục vụ nói tiếp: "Anh hãy nhớ rằng đồng tiền kiếm được không hề dễ, nên anh phải giữ lấy nó".
Câu chuyện đó khiến anh nhà văn có thêm một lý do để hiểu tại sao nước Nhật từ một đống đổ nát sau Thế chiến II đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới. Ở các nước phát triển, người dân tiêu xài đến từng xu. Anh tự vấn, phải chăng ở ta, một sự thật đau lòng là giấc mơ tiền xu đã chết tức tưởi. Dĩ nhiên, nó chết là vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là ít ai chịu nhận nó trong những giao dịch mua bán, kể cả việc bạn chi trả cho việc mua mớ rau ngoài chợ hay tiền gửi xe khi bạn vào một quán ăn bình dân. Người ta có một sự e ngại đặc biệt, thậm chí không muốn thừa nhận những đồng tiền xu mệnh giá nhỏ đó là tiền. Thế nên bao nhiêu tiền của từ trong đống tiền xu đó dần dần lui vào quá khứ. Có phải, chúng ta đã khinh thường, coi nhẹ những đồng tiền lẻ?
Một câu chuyện khác, Minh Tú - một người bạn của tôi, chưa thể coi là giàu có, nhưng cách tiêu tiền thì vô cùng phóng tay. Những cuộc bar, pub của cậu chàng có khi tốn tới hàng chục triệu cho rượu mạnh và cigar, thế nhưng, một lần chứng kiến cậu ta đôi co từng cắc bạc lẻ tiền gửi xe ở rạp phim, và cách cậu ném những đồng tiền ấy cho người soát vé... tôi không khỏi xấu hổ lây.
Một người chú ruột của tôi, ngày xưa nghèo khổ, học hành không tới nơi tới chốn... nhưng được cái sớm dạn dĩ kinh doanh, buôn bán, có đầu óc làm ăn. Từ một xe thồ bán trái cây dạo, chú đã dựng nên một chuỗi cung ứng hoa quả sạch khắp miền Bắc. Nguyên tắc làm việc của chú rất đơn giản: Sòng phẳng về tiền bạc. Đi lên từ nghèo khó nên chú thấm thía nỗi khổ của người nông dân khi làm ra được trái cây sạch, chú chẳng mấy khi đôi co vài ba giá tiền với người nông dân, trái lại luôn tìm cách thu mua nông sản của họ với giá tốt. Làm ăn phóng khoáng, xởi lởi... công ty của chú ngày càng lớn mạnh, bà con nông dân thương quý, có khi chỉ một cuộc điện thoại là xong giao dịch hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ trong khi sản phẩm vẫn đảm bảo uy tín, chất lượng.
Chú bảo thế này: "Tiền thì ai chẳng yêu. Nhưng đừng yêu tiền mà làm tổn hại đến lợi ích của người khác. Làm ăn như vậy không bền được!".
Thái độ của một người đối với số tiền nhỏ càng phản ánh rõ ràng đạo đức của người đó, chưa từng có ai chỉ vì một chút tiền mà đại phú đại quý, nhưng lại có người chỉ vì một chút tiền nhỏ nhặt mà vĩnh viễn không có thành tựu lớn.
Những người càng tính toán nhỏ nhoi, trình độ hiểu biết càng kém cỏi, càng khó làm nên việc lớn. Nếu như tìm hiểu kỹ những người có thành tựu lớn, họ luôn có một cuộc đời thăng trầm, luôn gặp khó khăn trắc trở, nhưng cho dù là trong hoàn cảnh nào, trên phương diện tiền bạc họ đều không khiến cho người khác xem thường.
03
Trung và Hiếu là đối tác làm ăn lâu năm. Anh em ăn sóng nói gió, vào sinh ra tử bao phen nên chẳng tiếc nhau thứ gì. Thế nhưng, mối quan hệ rạn nứt, xấu xí đi cũng vì chữ Tiền đi kèm chữ Bạc.
Số là, nhiều tháng nay, Trung tìm mọi cách liên lạc với Hiếu nhưng đều bất thành, đáp lại chỉ là tiếng thông báo "thuê bao quý khách hiện không liên lạc được", sau đó là chuỗi dài tít tít... Số là Hiệp đang nợ 800 triệu của Trung. Đó là số tiền hàng Hiếu nợ Trung. Theo như Hiếu giải thích: "Bố gặp tai nạn, phải đưa sang Singapo mổ gấp. Tại Việt Nam ca mổ chưa thực hiện được nên tiền hàng xin chậm vài tuần". Tin tưởng Hiếu, Trung đồng ý. Nào ngờ, ngót năm nay, Hiếu im thin thít và lặn mất tăm, không ai biết Hiếu ở đâu. Sau, Trung cũng phát hiện ra bố Hiếu vẫn bình an khỏe mạnh, tất cả là màn kịch dối trá của Hiếu.
Trong làm ăn thì tiền bạc rất nhạy cảm, nếu muốn lâu dài thì ngay ban đầu bản thân bạn phải uy tín, còn cứ như Hiếu thì cuối cùng cũng không ai dám hợp tác và cuộc sống đường dài về sau chắc chắn không dễ dàng gì.
Nếu muốn người khác có thiện cảm với mình, tín nhiệm mình có lẽ phải làm một trăm việc, nhưng khiến người khác sinh ra ác cảm, phá hoại tín nhiệm thì chỉ cần một việc là đủ, do đó phải luôn chú trọng đến cách ứng xử của mình từ việc nhỏ thì mới thành công và được người khác yêu mến cũng như kính trọng. Tiền rất quan trọng, nhưng thái độ đối với đồng tiền còn quan trọng hơn. Điều đó không chỉ hình thành nên một sự nghiệp, mà nó còn hình thành nên cả một nhân cách.
Hoa Chanh
Theo Trí Thức Trẻ