Bà Thái Vân Linh được nhiều người biết đến với vai trò nhà đầu tư trong một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp. Bà Linh từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chiến lược & Vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital; CEO Vingroup Ventures...
Hiện nữ doanh nhân này là nhà sáng lập và CEO của TVL Group, công ty tư vấn tập trung vào đào tạo và phát triển kỹ năng phần cứng và phần mềm, cũng như các dịch vụ xây dựng và tiếp thị thương hiệu.
Trong cuộc phỏng vấn với Người Đồng Hành, Thái Vân Linh cho biết trong những năm qua bà đã đưa ra nhiều quyết định thay đổi 180 độ so với mình trước đó. Nhưng chính nhờ những quyết định như vậy, “tôi thấy mình có nhiều cơ hội, góc nhìn khác nhau và mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc hơn”.
- Nhắc đến Thái Vân Linh, có một điều khiến tôi rất ấn tượng là hình ảnh của bà đứng trên tầng 57 một tòa nhà tại New York vào lúc 12h đêm, nhìn xuống thành phố và nhận ra rằng mọi thứ mình đang làm dường như không đáng. Lúc đó bà suy nghĩ gì và đây có phải khoảnh khắc đã thay đổi định hướng trong cuộc đời của bà?
- Tôi nghĩ đó là một trong những thời điểm quan trọng trong cuộc đời mình. Từ khi còn nhỏ, có thể do xem quá nhiều phim, ước mơ của tôi là trở thành một doanh nhân thành công. Và định nghĩa thành công của tôi khi đó là mỗi ngày sẽ mặc một bộ vest, đi thang máy, làm việc trong một tòa nhà cao hàng chục tầng.
Vì có hình ảnh đó trong đầu nên bất kỳ điều gì tôi làm cũng hướng đến nó. Thế nhưng, tới khi đạt được, tôi nhận ra đây không phải điều mà tôi cứ nghĩ sẽ mang đến hạnh phúc cho mình. Tôi tự hỏi mục đích của mình là gì.
Thật ra không phải một đêm, mà có rất nhiều đêm tôi đứng trên cao nhìn xuống và có cảm giác như vậy. Đúng là theo độ tuổi khác nhau mình sẽ có những ước mơ khác nhau. Khi nhìn nhận được sự thay đổi thì mình phải chấp nhận thay đổi và phải chấp nhận một điều nữa là mình sẽ bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0.
Tôi không cho đó là thất bại vì thực tế mình đã đạt được một trong những điều mình mong muốn trong cuộc sống. Và trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn tìm thấy thêm những điều mới. Có một câu nói mà tôi thấy khá hay đó là đừng sợ không đạt được mục tiêu của bạn mà điều nên sợ là dễ dàng đạt được nó vì có thể mục tiêu bạn đặt ra quá thấp.
Đây chỉ là một trong những khoảnh khắc thay đổi cuộc sống của tôi. Nhìn lại thì những khoảnh khắc đó đều dựa một một triết lý chính mà tôi theo đuổi trong cuộc sống của mình. Đó là mỗi người chỉ có một cuộc sống và làm thế nào để sống “tối đa” nhất. Khi còn trẻ tôi từng khởi nghiệp, làm việc ở New York rồi quyết định về Việt Nam. Sau đó về Việt Nam làm quỹ đầu tư một thời gian lại quyết định khởi nghiệp. Có những thời điểm tôi đưa ra những quyết định thay đổi 180 độ so với trước đó. Khi quyết định như vậy, tôi thấy mình có nhiều cơ hội, góc nhìn khác nhau và mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc hơn.
- Từ bỏ “giấc mơ Mỹ” mà nhiều người mong muốn để trở về Việt Nam, với bà có phải một quyết định đầu tư mạo hiểm và lúc đó, bà nghĩ mình có bao nhiêu % thành công?
- Nói thật là lúc đó tôi không nghĩ về thành công. Thành công cũng còn tùy theo định nghĩa của từng người. Nếu nói về thành công của một doanh nhân tính theo lợi nhuận thì lúc đó tôi không nghĩ về tiền vì mức lương ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với ở New York. Cái tôi đang nghĩ tới là tìm kiếm hạnh phúc. Về tài chính lúc đó tôi không phải lo lắng nữa và tôi nghĩ “Cuộc sống của mình chỉ có vậy thôi hả?”. Tôi không biết mình cần cái gì thêm và đang tìm cái gì, chỉ biết là mình nên khám phá một hướng nào đó khác đi.
Sự khác biệt giữa tôi và những người đang muốn tìm “giấc mơ Mỹ” là tôi đã lớn lên ở Mỹ. Tôi thấy cuộc sống của mình và sếp của mình rất nhàm chán, nó giống nhau, năm này qua năm khác không có gì khác biệt. Tôi thấy mình phải phá quy trình cho nó có sự khác biệt, chứ không thể sống mấy chục năm theo cùng hướng đi như những người khác. Đó là lý do tôi quyết định về Việt Nam.
- Cùng với mục tiêu khám phá hướng đi mới, bà đã mang theo gì trong hành lý của mình khi về Việt Nam?
- Lúc đó tôi đã đi du lịch nhiều lần và từng sang Hong Kong (Trung Quốc) để học, vì vậy tôi biết là không nên mang nhiều hành lý. Phần lớn tài sản tôi để lại Mỹ hoặc đã bán. Tuy nhiên, có một món đồ dù hơi lớn nhưng tôi vẫn mang theo đó là những tấm ga giường.
Đây là một trong những điều tôi học được khi làm việc tại New York. Ở bên đó tôi làm việc từ 9h sáng đến 12h khuya là bình thường, vì vậy tôi biết là mình nên đầu tư vào giấc ngủ vì nó rất quý báu. Mình chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm nên phải cố gắng làm cho nó có chất lượng. Tôi đã rất đầu tư vào ga giường, vì không biết ở Việt Nam như thế nào nên tôi đã mang theo chúng. Những điều khác tôi có thể chấp nhận không như trước đây nhưng riêng tấm ga giường thì phải thật thoải mái.
- Về Việt Nam hơn 10 năm và làm việc cho các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn. Bà thấy môi trường làm việc giữa Việt Nam và Mỹ khác nhau thế nào? Thời gian đầu bà có bị “shock” về sự khác biệt đó?
- Về môi trường làm việc ở Việt Nam, tôi không thấy thấy quá stress bởi ngày tệ nhất ở Việt Nam cũng được hơn ngày tốt nhất ở New York. Bản chất của ngành ngân hàng đầu tư tôi làm stress rất cao, nó khiến thái độ của mọi người rất tiêu cực. Với tôi, sau nhiều năm tôi nhận ra mình có thể làm việc hiệu quả, thành công và tích cực. Nhưng trong những ngày đó tôi không biết gì khác, chỉ theo môi trường đó một cách tiêu cực. Mọi người đều rất mệt mỏi vì mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng và kéo dài vài năm, nó khiến tinh thần của mọi người trầm xuống, và khi gặp vấn đề gì đó nho nhỏ thôi cũng có thể trở thành vấn đề lớn.
Khi về Việt Nam tôi thấy mọi người rất thoải mái, rất bình tĩnh để nói chuyện. Tôi thấy môi trường đó là quá tuyệt. Nhưng có một điều tôi thấy nó quá khác là tư duy về công việc. Ở Mỹ đúng là rất khẩn trương, mọi người rất muốn tăng trưởng nhanh, ai cũng muốn làm nhanh, muốn làm thêm, làm chăm chỉ. Càng chăm chỉ họ càng tự hào.
Ở Việt Nam mọi người thích sự cân bằng. Khi tôi sống ở đây càng lâu thì thấy càng nhiều bạn trẻ hỏi tôi về sự cân bằng, trong khi ở Mỹ người trẻ không hỏi về điều đó. Ở Việt Nam thường phải có một cuộc họp để phân công thêm công việc cho nhân viên. Còn ở Mỹ, tôi phải giành nếu muốn làm thêm cái này, cái kia. Mỗi khi có dự án mới chúng tôi phải làm thêm giờ, làm cuối tuần dù không được lên lương, nhưng mục đích là để học hỏi, làm thêm.
Về Việt Nam tôi có thể trở về nhà sớm hơn khi làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, tôi cũng phải tìm cách thuyết phục các bạn trẻ rằng đây là những năm rất quan trọng để tạo nền tảng cho tương lai. Cũng có người nói đây là tuổi thanh xuân không nên bỏ lỡ, tôi thì nghĩ với năng lượng lúc này mình nên làm việc tiếp, khi nhiều tuổi hơn tôi hiểu là năng lượng của mình cũng giảm xuống.
Những cái tôi đã làm trước đây giờ tôi không thể làm được nữa. Hiện nay, 9 rưỡi - 10h tối tôi đã đi ngủ, không thể làm việc đến 12h đêm hay 1h sáng như trước đây. Nhưng tôi hoàn toàn “ok” với việc đó bởi vì khi còn trẻ tôi đã làm việc rất chăm chỉ rồi, đã tạo nền tảng tốt rồi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình nên làm việc khi còn trẻ để có thoải mái sau này, chứ thoải mái khi còn trẻ sau này lớn tuổi mình làm việc ra sao.
- Xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp, bà được biết đến với hình ảnh một nhà đầu tư có phần “khó tính” và luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các startup. Lý do cho sự “khó tính” đó có phải là các startup Việt vẫn còn nhiều điểm yếu và chưa đạt đến kỳ vọng của bà?
- Với chương trình này, mọi người có thể thấy tôi khó tính vì tôi tuân theo những quy tắc chuẩn. Tôi tham gia với tư cách là đại diện cho quỹ đầu tư, những tổ chức đó có quy định rất rõ ràng. Thực tế tôi không hề khó, tôi chỉ cho startup thấy nếu mọi người đi gọi vốn thực tế từ một nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó là những câu hỏi, những yếu tố mà họ phải đạt được.
Tất nhiên dù ngồi ở vai trò quyền lực hơn, mình cũng không nên dùng quyền lực đó để đè lên người ta. Mục tiêu của tôi trong chương trình là dù không đầu tư mình cũng phải giúp tạo giá trị. Tôi không thể nói “Yes” chỉ để các startup vui. Giống như khi mình làm mẹ, dù rất thương con nhưng không phải con đòi gì mình cũng cho, phải tìm cách dạy chúng.
Tôi từng làm khởi nghiệp và làm nhà đầu tư, tôi hiểu những cảm xúc mà founder sẽ đưa vào công ty của mình. Thật sự tôi rất đau lòng mỗi khi phải nói ‘No’ với startup. Nhưng với vai trò nhà đầu tư, tôi cũng phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư của mình.
- VNG cần 10 năm để trở thành kỳ lân, VNPay mất 13 năm, trong khi Sky Mavis – một startup game Việt mới ra đời năm 2018 đã được cho là có định giá đến 3 tỷ USD. Theo bà, đây là phải tín hiệu cho thấy xu hướng đầu tư vào startup đang dần thay đổi và mục tiêu có 10 kỳ lân vào năm 2030 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi?
- Tôi thấy thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã thay đổi khá nhiều. Khi tôi bắt đầu vào năm 2008 có rất ít quỹ đầu tư, tới giờ chúng ta có một hệ sinh thái tương đối đầy đủ - có các nhà đầu tư thiên thần, các Accelerator, quỹ đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư trong nước, cũng có nhiều tổ chức muốn lập quỹ. Một trong những điều mà một hệ sinh thái mạnh nên có là những người bắt “trend” tốt, nhưng đó chỉ là một phần, mình vẫn còn nhiều lĩnh vực khác cũng rất quan trọng.
Về tổng quan Việt Nam đang phát triển rất tốt, đó cũng là lý do đất nước thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nhìn về tăng trưởng kinh tế tổng quan của Việt Nam, tôi rất lạc quan và thấy chúng ta có rất nhiều tiềm năng.
Nhiều người hỏi lý do tôi về nước và vẫn ở lại đây sau 13 năm. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ ở đây khoảng 2 năm để đi khám phá điều gì ý nghĩa trong cuộc sống và sau đó về Mỹ. 13 năm sau vẫn còn ở đây vì tôi thấy văn hóa ở đây rất phù hợp với mình, mọi người rất thân thiện. Bên cạnh đó, nếu xét về cơ hội kinh doanh trong lâu dài thì Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng rất nhanh. Khi đánh giá về thành công trong kinh doanh mình không chỉ xem về lợi nhuận, tăng trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều tiềm năng trong 10-20 năm tới.
- Bên cạnh vai trò là nhà đầu tư cho startup thì mới đây bà cũng khởi nghiệp với TVL Group. Đâu là lý do khiến bà quyết định khởi nghiệp khi đã ngoài 40 tuổi?
- Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ nếu bước vào tuổi 40 tôi sẽ rất già, bây giờ mới thấy dù đã 44 tuổi vẫn còn rất nhiều năng lượng. Khi tôi sinh em bé thứ hai, tôi cũng sinh trễ khi đã ngoài 40 tuổi. Lúc đó tôi đang làm với Vingroup Ventures, tôi quyết định nghỉ vì nghĩ rằng đây là cơ hội cuối có thể tận hưởng việc làm mẹ, vì khi sinh em bé đầu tiên tôi rất tập trung vào công ty khởi nghiệp của mình.
Ban đầu tôi nghĩ rằng mình nên tập trung hoàn toàn cho việc làm mẹ nhưng sau vài tháng không làm việc lại thấy chán. Lúc đó một vài nhà đầu tư khác đã tìm đến tôi và muốn tôi bắt đầu quỹ của họ tại Việt Nam, tôi cũng phân vân nên khởi nghiệp hay quay lại làm quỹ. Nhìn lại 13 năm ở Việt Nam của mình thì tôi thấy phân nửa thời gian tôi làm quỹ, phân nửa thời gian dành cho khởi nghiệp. Suy nghĩ kỹ thì tôi thấy mình nên khởi nghiệp – nó thú vị hơn và có khả năng tạo ảnh hưởng nhiều hơn.
Khi làm nhà đầu tư, mọi người trong ngành hay nói đùa với nhau rằng “Chúng ta là chuyên gia tìm cách từ chối người khác”. Các nhà đầu tư thường nói chuyện với rất nhiều công ty khởi nghiệp và sẽ từ chối 99%, trong một năm thường chỉ đầu tư vào 2-3 công ty, hoặc 4-5 đã là quá nhiều rồi. Điều đó khiến tôi khó chịu vì thật sự không thích nói “No” với startup, tất nhiên khi đã là công việc thì sẽ bắt buộc phải làm. Vì vậy, tôi quyết định mình sẽ khởi nghiệp. Khi tôi thấy mình có cơ hội đào tạo, giúp đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, tôi thấy rất ý nghĩa và nghĩ rằng đó có thể là “một công việc kết thúc tất cả các công việc”.
Trước đây khi còn trẻ tôi chấp nhận nhiều công việc, nhiều dự án vì nghĩ đây là cơ hội để mình tạo ra nền tảng để học hỏi. Đến bước này tôi không muốn làm cái gì đó chỉ là nền tảng nữa mà muốn một thứ có thể mang đến hạnh phúc trong lâu dài. Tôi thấy rất vui vì cuối cùng ở tuổi 44 đã tìm được “passion” của mình.
- Trên trang web của mình, Thái Vân Linh được giới thiệu là nhà đầu tư – cố vấn – doanh nhân – người mẹ. Với bà vai trò nào khó nhất, vai trò nào thú vị nhất và bà thích mọi người nhớ đến mình với vai trò nào nhiều nhất?
- Tôi nghĩ là trong những vai trò trên thì còn thiếu một vai trò nữa là chị hai. Tôi rất thích vai trò này và đó cũng là hướng đi của TVL Group, những lời khuyên mà mình đưa ra cũng ở vai trò chị hai.
Thông thường, một người mẹ sẽ nói con nên làm cái này hoặc con phải làm cái này. Còn chị hai thì có thể không thông minh hay giỏi hơn các em, nhưng chị lớn hơn và có thể đã trải qua nhiều sai lầm hơn. Chị hai muốn chia sẻ với các em để các em không lặp lại những sai lầm đó. Tôi cũng có cô em gái nhỏ hơn mình 13 tuổi, mối quan hệ giữa chúng tôi rất cởi mở và có thể chia sẻ với nhau rất sâu.
Điều tôi muốn là có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với mọi người, sau khi nghe xong mọi người có thể đồng ý hoặc không và họ tự đưa ra quyết định. Mục tiêu của tôi là cho các bạn được thấy thêm nhiều lựa chọn.
Khi còn nhỏ, gia đình tôi không có kinh tế khá giả, mối quan hệ của cha mẹ không có nhiều, tôi cũng không có nhiều người “mentor” (cố vấn) cho mình. Khi đi làm, nếu may mắn hoặc làm việc chăm chỉ tạo được ấn tượng với một vị sếp nào đó thì được họ “mentor”. Họ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình, đó là lý do vì sao tôi rất thích vai trò này.
Tất nhiên, làm mẹ là một vai trò rất đặc biệt. Nhưng tôi hy vọng vai trò của mình với các con cũng dần dần tương tự như vai trò chị hai, nghĩa là tôi muốn cởi mở, linh hoạt với các bé.
- Dường như từ khi lập gia đình và làm mẹ, Thái Vân Linh đã thay đổi rất nhiều?
- Đúng là tôi đã thay đổi khá nhiều. Lấy ví dụ trước đây tôi rất thích xem những phim điệp viên, phim cảnh sát khiến mình hồi hộp. Còn giờ tôi rất dễ rơi nước mắt nếu xem những video hay bộ phim trong đó có người bị chết hay bị bệnh. Làm mẹ khiến tôi trở nên thông cảm và kiên nhẫn hơn.
Khi còn trẻ tôi là người nóng tính, gặp cái gì làm cái đó, không sợ điều gì. Hiện giờ tôi vẫn giữ tinh thần đó nhưng có thể dịu xuống một phần, không quá cứng, quá cọc tính nữa. Vai trò người mẹ đã khiến tôi trở nên nhẹ nhàng hơn.
- Với bà, thế nào là một người phụ nữ thành công?
- Tôi nghĩ rằng một người phụ nữ thành công là người biết điều gì sẽ mang lại hạnh phúc cho họ và có can đảm, kiên nhẫn cũng như động lực để hướng đến và nắm giữ nó. Trong đó, điều đầu tiên biết mình muốn gì là quan trọng nhất.
- Định nghĩa về người phụ nữ thành công của bà có thay đổi theo thời gian không?
- Chắc chắn là có. Tôi cũng từng suy nghĩ về điều này, nếu Linh 24 tuổi biết mục tiêu của Linh 44 tuổi chắc sẽ rất thất vọng vì Linh 24 tuổi sẽ đánh giá Linh 44 tuổi không đủ tham vọng, đã mất can đảm. Trước đây tôi rất ghét sự cân bằng nhưng hiện giờ lại đang tìm kiếm điều đó vì với tôi lúc này các bé rất quan trọng. Nếu như trước đây, tôi có thể bỏ hết tất cả để tập trung vào sự nghiệp.
Tôi không thể đánh giá ai quan trọng hơn ai, vì sự nghiệp với tôi cũng rất quan trọng. Tất nhiên với nhiều người mẹ họ sẽ nói các bé đứng đầu và với tôi trong những trường hợp cụ thể cũng vậy. Ví dụ trong trường hợp Covid, nếu được chọn tôi sẽ chọn mình bị bệnh thay vì các con. Nhưng nếu nói về lâu dài, nếu tôi có hạnh phúc trong sự nghiệp thì tôi sẽ mang được hạnh phúc đến cho các bé. Tôi có thể cho các bé thấy một người phụ nữ cũng có thể làm được tất cả những việc này và khi tôi hạnh phúc, các bé cũng hạnh phúc và vui vẻ hơn.
- Thái Vân Linh là người cố vấn và truyền cảm hứng cho rất nhiều người, nhưng tôi tò mò một chút ai là người cố vấn và truyền cảm hứng cho bà trong những thời điểm gặp khó khăn?
- Điều này cũng theo từng giai đoạn, thế hệ tôi lớn lên có nhiều khác biệt so với hiện nay, lúc đó mình chỉ có vòng kết nối xung quanh mình thôi, vì vậy phần lớn là nhìn vào sếp. Còn hiện nay tôi dành thời gian xem Youtube, nghe sách về cuộc sống của những người lãnh đạo thành công.
Nhiều người nói thế hệ này có rất nhiều thông tin, tôi thì cho rằng chính xác hơn là thế hệ này có nhiều dữ liệu. Lên Youtube, Facebook, Google, mình có thể xem triệu bài viết, nhưng mình phải chuyển dữ liệu đó thành thông tin và cách mình chuyển là phải đưa quan điểm của mình vào đó. Thường mọi người xem video này giống như giải trí, ít khi suy nghĩ về cách áp dụng trong cuộc sống.
Buổi tối khi đánh răng và buổi sáng khi tập thể dục là hai khoảng thời gian tôi thường dành để lắng nghe những lời khuyên, quan điểm của mọi người. Tôi cũng cố gắng đi tìm những quan điểm mà mình không đồng ý với và nghe lý lẽ của họ. Một trong những điều tôi học được là thay đổi chế độ ăn uống của mình, trước đây tôi là một người rất thích đồ ngọt nhưng nghe được lời khuyên của các chuyên gia và bác sĩ, tôi đã dần thay đổi (cười).
Tôi cũng hy vọng những người nghe lời khuyên của tôi sẽ lắng nghe thêm những ý kiến khác vì mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau, từ đó sẽ tìm ra được những điều phù hợp nhất với bản thân mình.
Cảm ơn bà !
Bài viết: Diệu Tuyết
Thiết kế: Bảo Linh, Ảnh: Nhân vật cung cấp