Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tham vọng 'kiềng ba chân' của đại gia Tuấn 'Thành Công'

02/08/2019 22:02

Sự phát triển của Thành Công Group thường được so sánh với Tập đoàn Trường Hải của đại gia Trần Bá Dương, khi mà cả hai cùng phất lên từ mảng liên doanh ô tô, rồi đầu tư sang mảng địa ốc. Tuy nhiên bộ đôi tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam sau đó lại chọn hai lối rẽ khác nhau, khi với Trường Hải là kế hoạch tỷ đô trong mảng nông nghiệp, còn Thành Công lại chọn một lĩnh vực không mấy dễ dàng: tài chính ngân hàng.
Screen Shot 2019-08-01 at 7.04.29 PM

Chủ tịch Tập đoàn Thành Công ông Nguyễn Anh Tuấn

Từ ông lớn ngành ô tô

Ngày 27/6/2019, Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến chủ trì đã có chuyến kiểm tra một số dự án của CTCP Tập đoàn Thành Công tại KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn. Người đứng đầu UBND tỉnh Ninh Bình nhận xét: "Tập đoàn Thành Công là doanh nghiệp có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xác định phát triển ô tô Thành Công ở Ninh Bình là chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Ninh Bình sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Thành Công phát triển, mở rộng sản xuất".

Khi các dự án này hoàn thành, công suất của Thành Công sẽ lên tới 180.000 xe du lịch/năm, gấp 4 lần mức hiện nay. Có lẽ vào thời điểm quyết định hợp tác với Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc cách đây một thập kỷ, Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn cùng các cộng sự cũng không thể ngờ rằng Thành Công lại có tốc độ phát triển nhanh đến thế, được khẳng định ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500) do Vietnam Report công bố mới đây.

hyundai-thanh-cong

Thành Công sẽ tăng mạnh công suất xe du lịch, xe thương mại với tham vọng xuất khẩu ra khu vực

Thành Công khởi nghiệp từ khá lâu với lĩnh vực ô tô, xuất phát điểm là Công ty TNHH Cơ khí Thành Công được thành lập năm 1999. Năm 2004, doanh nghiệp này xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh (Hà Nội) với thương hiệu xe tải Thành Công, và không lâu sau đó trở thành đại lý chính thức của xe tải DongFeng tại Việt Nam. Năm 2007, hệ thống đại lý của Thành Công trên khắp cả nước đã lên tới con số 30 - tốc độ tăng trưởng hiếm có của ngành công nghiệp ô tô Việt.

Dù vậy, bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2008 khi Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu xe tải nặng Hyundai, và một năm sau đó là nhà phân phối duy nhất của xe du lịch Hyundai ở Việt Nam. Liên doanh Hyundai Thành Công đưa nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2011, từ đó trở thành đối trọng của Thaco Mazda cũng như Toyota ở thị trường trong nước.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Thành Công Group hiện có hàng chục thành viên hoạt động đa ngành nghề với "hạt nhân" là CTCP Tập đoàn Thành Công được thành lập năm 2008. Tới tháng 3/2019, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó người nhà Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn nắm cổ phần chi phối, gồm ông Tuấn (45,75%), vợ ông Tuấn là bà Lê Hồng Anh (24,25%), em trai Nguyễn Toàn Thắng giữ 10%, em trai Nguyễn Thành Công có 2,13% và Tổng giám đốc Lê Ngọc Đức sở hữu 5%.

Không chỉ góp vốn, mỗi thành viên trong gia đình doanh nhân sinh năm 1974 đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Thành Công Group và phân chia khá rõ các mảng kinh doanh: anh trai ông Tuấn là ông Nguyễn Quốc Hoàn điều hành của gần chục công ty phân phối ô tô với thương hiệu Thành An tại các tỉnh, thành; ông Nguyễn Toàn Thắng đảm trách Công ty TNHH Phát triển Xây dựng và Thương mại (DCC) - đối tác phân phối độc quyền máy công trình của Doosan Infracore và Ammann (Thuỵ Sĩ), bà Lê Hồng Anh phụ trách lĩnh vực bất động sản trong khi ông Lê Ngọc Đức đứng tên điều hành 2 đơn vị quan trọng nhất là CTCP Hyundai Thành Công Thương mại và CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (đều có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng).

Tới tham vọng bất động sản

Sau những thành quả mỹ mãn, mối quan hệ giữa Thành Công và Hyundai ngày càng trở nên khăng khít. Tháng 9/2017, doanh nghiệp Việt tiếp tục đạt thoả thuận với tập đoàn Hàn Quốc về thành lập liên doanh sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền xe thương mại ở Việt Nam. Nhà máy được đặt ở Ninh Bình, có công suất 12.000 xe/ năm với xe khách/bus và 30.000 xe/ năm với xe tải.

Tiếp đó, cuối tháng 2/2019, Thành Công và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tham vọng của đại gia Nguyễn Anh Tuấn trong lĩnh vực bất động sản.

Trên thực tế, Thành Công Group đã từng bước tham gia vào thị trường địa ốc từ năm 2012, khi thành lập CTCP Thành Công E&C (hiện có vốn 400 tỷ đồng), với một trong những dự án đầu tay là Shilla Stay Resort quy mô 5,4ha bên bờ biển Điện ngọc, Điện bàn, Quảng Nam. Hiện nay, Thành Công sở hữu danh mục dự án với một số cái tên đáng chú ý như Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), dự án nâng cấp Khách sạn Thuỷ Toạ gần 10.000 m2 thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh tại Hà Nội, hay dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).

san-golf-ninh-binh-dep

Thành Công còn nhiều dư địa để phát triển bộ đôi dự án gần 2.000ha của PV-Inconess

Tuy nhiên các dự án trên đều có quy mô trung bình, rất khó để định vị thương hiệu Thành Công trên thị trường. Tập đoàn của ông Nguyễn Anh Tuấn cần một dự án "khủng", tương xứng với tầm vóc và tham vọng của mình. Và không đâu thích hợp hơn "đại bản doanh" Ninh Bình, nơi Thành Công đang được chính quyền địa phương hết sức hỗ trợ.

Tháng 2/2018, Thành Công thông qua công ty con là Công ty TNHH TCG Land đã mua 75% cổ phần trong CTCP Đầu tư PV-Inconess. Mua lại phần vốn chi phối trong doanh nghiệp mang "họ" dầu khí - Sông Đà một thời, Thành Công qua đó sở hữu luôn hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.

Trong ĐHĐCĐ năm 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐQT PV-Inconess. Hiện nay, PV-Inconess là thành viên duy nhất trong Tập đoàn Thành Công do doanh nhân tuổi Giáp Dần đứng tên đại diện theo pháp luật, cho thấy tầm quan trọng của 2 đại dự án ở Ninh Bình với vị đại gia quê Uy Nỗ, Đông Anh (Hà Nội).

Song song với các thương vụ M&A để mở rộng quỹ đất, Thành Công đang tích cực tăng cường nội lực để chuẩn bị "bung" mạnh trong mảng địa ốc. Đầu tháng Bảy vừa qua, CTCP Phúc Thịnh - một thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây lắp đã được tăng vốn từ 10 tỷ lên 300 tỷ đồng. Trước đó hơn 1 tháng, Thành Công trung tuần tháng 6/2019 thành lập Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Tài sản Thành Công hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, do bà Lê Hồng Anh làm Chủ tịch. Phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn hiện cũng phụ trách một doanh nghiệp địa ốc khác là Công ty TNHH CDA có vốn 200 tỷ đồng.

Và giấc mơ ông chủ nhà băng?

Sự phát triển của Thành Công Group thường được so sánh với Tập đoàn Trường Hải của đại gia Trần Bá Dương, khi mà cả hai cùng phất lên từ mảng liên doanh ô tô, rồi đầu tư sang mảng địa ốc. Tuy nhiên bộ đôi tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam sau đó lại chọn hai lối rẽ khác nhau, khi với Trường Hải là kế hoạch tỷ đô trong mảng nông nghiệp, còn Thành Công lại chọn một lĩnh vực không mấy dễ dàng: tài chính ngân hàng.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, nhóm nhà đầu tư Thành Công Group bắt đầu mua gom cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ đầu năm 2019, đặc biệt từ sau Tết âm lịch.

Ngày 19/4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn có Văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank khi đó là ông Lê Minh Quốc và HĐQT ngân hàng này.

Trong đơn, ông Tuấn cho biết nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% cổ phần Eximbank, gồm CTCP Tập đoàn Thành Công có 60,54 triệu cổ phần (4,90%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng uỷ quyền 54,97 triệu cổ phần (4,45%).

thanh-cong-group-eximbank

Thành Công Group hiện là một trong các nhóm cổ đông lớn nhất tại Eximbank

Ông Tuấn cho hay nhóm nhà đầu tư của ông mới mua cổ phần Eximbank, song thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhóm của ông bày tỏ sự lo lắng sâu sắc đối với tình hình Eximbank và rất muốn được làm sáng tỏ một số vấn đề.

“Chúng tôi kiến nghị ông Chủ tịch HĐQT Eximbank tổ chức cuộc họp với các cổ đông lớn quan trọng của Eximbank để làm sáng tỏ các nội dung này. Đây chính là cơ sở để đoàn kết, huy động sự đóng góp của các cổ đông vào phát triển ngân hàng đúng định hướng và phù hợp quy định hiện hành của Điều lệ Eximbank và pháp luật Việt Nam”, ông Tuấn viết trong đơn và đề nghị Chủ tịch Eximbank xem xét nhanh chóng và triển khai thực hiện trước ngày ĐHĐCĐ thường niên (26/4/2019).

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã "lỡ hẹn" 3 lần từ tháng Tư đến tháng Sáu, và không được tiến hành trong tháng Bảy. Đại hội nhiều khả năng sẽ được tái tổ chức một khi các nhóm cổ đông mới đủ điều kiện đưa người vào HĐQT. Ảnh hưởng của đại gia Tuấn "Thành Công" ở Eximbank hứa hẹn cũng sẽ rõ ràng hơn vào thời điểm đó.

Sự hiện diện của nhóm Thành Công được không ít cổ đông trung lập của Eximbank chấp nhận, với kỳ vọng một luồng gió mới cùng dòng tiền tươi từ mảng ô tô sẽ giúp vực dậy nhà băng tư nhân hàng đầu một thời. Về phần Thành Công Group, Eximbank sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược kinh doanh "kiềng ba chân" gồm ô tô - bất động sản - tài chính ngân hàng. Dù vậy, cuộc tranh đấu quyền lực từ đầu nhiệm kỳ HĐQT (2015) đến nay cho thấy tham vọng sở hữu Eximbank (nếu có) của ông Nguyễn Anh Tuấn cùng Thành Công Group sẽ không hề dễ dàng và hứa hẹn tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc.

Bạn đang đọc bài viết "Tham vọng 'kiềng ba chân' của đại gia Tuấn 'Thành Công'" tại chuyên mục Doanh nhân.