Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tham vọng mới của ông Trần Xuân Kiên sau khi chuyển giao Trần Anh cho Thế Giới Di Động

20/07/2018 14:39

Cựu Chủ tịch Trần Anh đã bắt tay khai phá thị trường mới - co-working space sau khi nhận thấy nhu cầu thuê văn phòng ngày càng tăng cao nhờ số lượng doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Sau khi chuyển giao hệ thống điện máy Trần Anh cho Thế Giới Di Động vào tháng 9/2017, ông Trần Xuân Kiên chưa nghĩ đến một kế hoạch kinh doanh cụ thể nào. Thay vào đó ông Kiên muốn nghỉ ngơi sau 16 năm làm việc liên tục ở Trần Anh.

Thế nhưng khi nhận thấy mô hình kinh doanh co-working space rất mới mẻ và đầy tiềm năng, cựu Chủ tịch Trần Anh cùng các đồng sự đã quyết định khởi nghiệp thêm một lần nữa với dự án CoGo. Bắt đầu dự án từ tháng 12/2017, ba tháng sau, co-working space CoGo đã nhận mặt bằng đầu tiên.

“Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy thị trường co-working space trên thế giới đang có tốc độ phát triển rất nhanh, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Dân số trẻ, các doanh nghiệp mới thành lập mỗi năm ngày một nhiều, cộng thêm dòng tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tăng lên, nên nhu cầu thuê văn phòng là rất lớn”, ông Kiên nói.

Trên thực tế, mãi tới năm 2015, xu hướng co-working space ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ cùng sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Còn trên thế giới, mô hình co-working space đang trên đà phát triển rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Trị giá các công ty kinh doanh co-working space cũng tăng nhanh tới “chóng mặt”.

Điển hình là WeWork sau 7 năm ra mắt đã trở thành startup lớn thứ 3 tại Mỹ và thứ 6 trên thế giới, định giá 20 tỷ USD, Ucommune (trước là Urwork) của Trung Quốc sở hữu 100 trung tâm trên 30 quốc gia cũng được đạt mức giá 1,7 tỷ USD sau gần 3 năm hoạt động.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của CBRE vào tháng 6/2017, trong vài năm trở lại đây, nguồn cung không gian làm việc chung (co-working space) đã tăng trung bình 58% - ngang bằng với mức tăng trưởng trên thế giới.

Sở dĩ co-working space ngày một được ưa chuộng bởi mô hình này đáp ứng không gian tiện nghi, với những thiết bị, kĩ thuật hiện đại, tương tác và kết nối cao, hay những điều kiện lý tưởng khác mà một văn phòng truyền thống không bao giờ có thể đáp ứng.

Theo ước tính, chi phí sử dụng co-working space sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 50% so với chi phí thuê văn phòng truyền thống. Bởi nếu các đơn vị đi thuê văn phòng thông thường, ngoài tiền thuê hàng tháng, họ sẽ chịu thêm phí sửa chữa, bảo trì, điện nước… chưa kể đầu tư các trang thiết bị, không gian sinh hoạt chung.

Còn tại co-working space, doanh nghiệp trả tiền theo chỗ ngồi, các tiện ích dùng chung như lễ tân, phòng họp, Internet tốc độ cao, máy in và photocopy, quầy cà phê/ canteen v.v… đều miễn phí, vì đã được tính trong giá thuê.

Tiện ích và cộng đồng là hai yếu tố quan trọng bậc nhất với co-working space

Tính đến tháng 6/2017, Việt Nam có tổng số 17 đơn vị điều hành sở hữu 22 cơ sở không gian làm việc chung, cung cấp khoảng 14.500 m2 diện tích. Đến hết quý I/2018, số lượng các đơn vị điều hành đã đã tăng thành 40, cung cấp cho thị trường 50 điểm với tổng diện tích khoảng 30.000 m2.

Thị trường này đang là sân chơi của những co-working space theo chuỗi, có định hướng dài hạn và nguồn lực lớn. Trong đó, nắm giữ trên 50% thị phần co-working space tại Việt Nam là 3 công ty: Toong, Dreamplex và Up.

Hệ thống Toong ra đời sớm nhất, được sáng lập bởi doanh nhân Dương Đỗ, hiện có 6 điểm co-working space trên khắp cả nước, với thị phần khoảng 25%.

Trong khi Up với sự góp mặt của doanh nhân Phan Minh Tuấn và Đỗ Hoài Nam, ra đời năm 2016, với 5 điểm co-working space, tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội.

Dreamplex chiếm thị phần khoảng 12%, là dự án của CEO trẻ tuổi Nguyễn Trung Tín thuộc Trung Thủy Group, cũng đóng góp 5 cơ sở.

Với tân binh CoGo dù mới tham gia thị trường, CEO Trần Xuân Kiên đã đặt mục tiêu đưa 5 cơ sở vào hoạt động ngay trong năm 2018. Là người đến sau, CoGo của ông Kiên tập trung vào chiến lược mở các không gian làm việc chung có diện tích lớn, trung bình từ 2.000 – 3.000 m2, tiến tới trở thành co-working space có diện tích mặt sàn lớn nhất cả nước.

“Diện tích mặt sàn lớn đồng nghĩa sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng sinh hoạt trong co-working space. Ứng với diện tích 3.000 m2, chúng ta sẽ có khoảng 1.000 người, tương đương 100 doanh nghiệp. Với con số này, các doanh nghiệp trong co-working space mới đủ đa dạng ngành nghề, và tạo thành một cộng đồng hợp tác kinh doanh bổ trợ lẫn nhau”, ông Kiên lí giải.

Bên cạnh đó, dự án CoGo của ông Kiên cũng hướng tới khách hàng là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có thời gian hoạt động ổn định, thay vì tập trung quá nhiều vào các công ty khởi nghiệp. Tất nhiên, CEO này không phủ nhận, thị trường co-working space tại Việt Nam cũng có những thách thức.

Nguồn vốn đầu tư vào một cơ sở co-working space tương đối lớn, nếu muốn nhân rộng mô hình cần kế hoạch tài chính dài hạn. Ngoài ra, thời gian lấp đầy co-working space cũng rất quan trọng. Trung bình một cơ sở sẽ mất khoảng 6 - 9 tháng để đạt được tỉ lệ lấp đầy khoảng 60% - bắt đầu có lãi. Nếu không rút ngắn thời gian để đạt được tỉ lệ này, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Để càng lâu, sẽ càng không có lợi cho hoạt động tài chính.

Đó là chưa kể, gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu nhòm ngó thị trường Việt Nam. Tiêu biểu là thương vụ WeWork mua lại Naked Hub với 4 cơ sở có sẵn. Sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác, mua bán, sáp nhập, một xu hướng đã và đang diễn ra tại các thị trường khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

“Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu thị trường bản địa. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất từ 6 tháng, đến một năm để bắt kịp. Bên cạnh đó, việc đàm phán thuê mặt bằng với các co-working space trong nước sẽ dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh mặt bằng văn phòng cho thuê đang khan hiếm như hiện nay”, ông Kiên tỏ ra lạc quan.

Theo Việt Hưng/The Leader