Ông Hoàng Công Tuấn và ông Mạc Quốc Anh tại Talkshow Phố Tài chính
"Thận trọng với quy mô gói kích thích kinh tế vì ngân sách đang chịu áp lực chi trả nợ cao"
Trước câu hỏi về việc có cần thêm một gói kích thích kinh tế quy mô lớn vào thời điểm hiện tại, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cần phải hết sức thận trọng đối với quy mô gói kích thích kinh tế vì ngân sách trong năm 2021 và năm 2022 đang chịu áp lực chi trả nợ khá cao, khoảng trên 300.000 tỷ đồng so với mức 200.000 tỷ đồng ở năm 2019.
Theo ông Tuấn, khi đưa ra những gói kích cầu thì phải có sự cân đối để hỗ trợ đúng và trúng cho những đối tượng cần được hỗ trợ.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tiền tệ, các gói hỗ trợ về tài khóa để phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 3 lần hạ lãi suất.
Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng việc giảm lãi suất điều hành trong 3 lần trong năm 2020 và năm 2021 đã làm cho lãi suất huy động trên thị trường tín dụng có xu hướng giảm khá mạnh và nhanh, người dân vì vậy giảm việc gửi tiết kiệm vào trong ngân hàng.
Theo Kinh tế trưởng MBS, nếu lãi suất giảm hơn nữa sẽ không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm mà sẽ đẩy dòng tiền vào một số kênh đầu tư tài sản khác.
“Tôi cho rằng không nên đưa ra những gói kích thích mang tính chung cho toàn bộ nền kinh tế tại thời điểm này mà phải đưa ra những gói hỗ trợ, những gói kích thích đúng đối tượng, dù quy mô có thể mức độ nhỏ”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, cho rằng việc tung ra một gói hỗ trợ tương đương các quốc gia khác là rất khó trong bối cảnh khả năng GDP của Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngân sách còn eo hẹp.
“Việc tung ra gói hỗ trợ quá khả năng GDP của đất nước sẽ dẫn đến vấn đề về thiếu hụt ngân sách, tăng vấn đề về lạm phát”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông, khi tiếp tục có thêm những gói hỗ trợ thì cần phân đinh rõ ràng về 3 yếu tố là thị trường, dòng tiền của doanh nghiệp và sự cam kết của doanh nghiệp lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Gói hỗ trợ là cần thiết nhưng không đủ để doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững”
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng các gói hỗ trợ là cần thiết nhưng không đủ để doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo ông, thứ doanh nghiệp cần là môi trường kinh doanh bền vững và lành mạnh, có sự cải thiện về độ minh bạch ngày càng tăng cao.
Kinh tế trưởng MBS cho rằng dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng tạo ra sự chuyển đổi, mở ra nhiều cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt.
Việc dịch bệnh đang sớm được kiểm soát sẽ kích hoạt sức cầu của tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói riêng và tổng cầu nền kinh tế thế giới nói chung, từ đó tạo ra một đòn bật lại ở mức độ nhanh chóng trong năm tới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản hoặc hàng hóa xuất khẩu.
Về phía ông Mạc Quốc Anh, theo ông chia sẻ của ông tại Talkshow, bên cạnh các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế thì bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn nhiều biện pháp riêng về tài chính (trích lập dự phòng rủi ro), về nguồn nhân lực, linh hoạt chuyển dịch và chuyển đổi theo thị trường.
Ông Quốc Anh cho rằng dịch Covid-19 đã cho các doanh nghiệp thấy sự liên kết hợp tác vô cùng quan trọng khi ở trong cùng một chuỗi giá trị cung ứng.
Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp nên xây dựng một nền tảng văn hóa với những nguồn lực, cán bộ cũng như nhân viên và người lao động có sự gắn bó lâu dài đối với doanh nghiệp.
TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính-chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính |