Thần tượng người Nhật, học theo điều này bạn sẽ trả giá đắt

27/10/2018 11:56

Văn hóa làm việc đến kiệt sức tại Nhật Bản dường như không đem lại hiệu quả mà lại có nhiều hệ lụy đi kèm. Rất nhiều lao động đột quỵ tử vong do làm việc quá sức, thậm chí có người tự tử vì quá căng thẳng. Song, thực tế trong nhóm G7, Nhật Bản là nước có năng suất lao động thấp.

Văn hóa làm việc đến kiệt sức tại Nhật Bản dường như không đem lại hiệu quả mà lại có nhiều hệ lụy đi kèm. Rất nhiều lao động đột quỵ tử vong do làm việc quá sức, thậm chí có người tự tử vì quá căng thẳng. Song, thực tế trong nhóm G7, Nhật Bản là nước có năng suất lao động thấp.

Trong con mắt của nhiều bạn trẻ Việt Nam, Nhật Bản hiện lên như một xứ sở thần kỳ. Đó là nơi xã hội văn minh, con người đối xử với nhau lịch sự, người dân làm việc chăm chỉ, cần mẫn, mức sống cao..v.v... Có quá nhiều lý do để Nhật Bản trở thành một miền đất hứa.

Thực tế những năm gần đây có rất nhiều du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản dưới dạng vừa học vừa làm với mong ước đổi đời. Thế nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ, cuộc sống mơ ước ấy thực chất là sự đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng những ca làm việc đến kiệt sức.

Các nhân viên văn phòng bắt đầu ngày làm việc

Karoshi - làm việc đến chết

Có lẽ đây là từ buồn nhất trong ngôn ngữ Nhật Bản hiện đại. Được sử dụng lần đầu tiên năm 1978, "karoshi" dùng để chỉ hiện tượng người lao động đột quỵ tử vong do làm việc quá sức. Cùng với già hóa dân số đây là một vấn đề xã hội mà chính quyền nước này đang đau đầu tìm cách giải quyết.

Bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử của nước Nhật, với vị thế một nước thua cuộc trong thế chiến thứ 2, người dân đất nước mặt trời mọc phải gồng mình làm việc nhằm tái thiết lại đất nước. Tư tưởng đó được cha truyền con nối và có công tạo nên cuộc cách mạng kinh tế thần kỳ.

Tuy nhiên trong nền kinh tế hiện đại, văn hóa làm việc đến kiệt sức ấy dường như không đem lại hiệu quả mà lại có nhiều hệ lụy đi kèm.

Theo thống kê, có tới 25% người lao động cho biết phải làm thêm trên 80 giờ/tháng; thậm chí không ít trong số đó phải tăng ca trên 100 giờ/tháng (trung bình mỗi ngày làm thêm gần 4 giờ).

Khách sạn con nhộng được xây dựng với mục đích ban đầu dành cho người làm việc lỡ tàu.

Từ năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng cải thiện tình hình bằng cách phát huy phong trào "ngày thứ 6 nghỉ ngơi". Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật chỉ coi đó như một trò bông đùa. Một số công ty thực có tắt điện văn phòng lúc 7 giờ tối nhưng các nhân viên vẫn sẽ tiếp tục làm việc dưới ánh đèn bàn hoặc ánh sáng màn hình máy tính. Các khách sạn "con nhộng" vẫn cứ tiếp tục được xây lên dành cho những người không về kịp bắt chuyến tàu đêm.

Mang việc về nhà làm cũng không thoải mái hơn khi cứ nhận mail hối thúc từ sếp tới tận 2 giờ sáng. Kết quả là trong năm tài khóa 2017 ở Nhật ghi nhận tới 191 trường hợp thiệt mạng vì Karoshi. Những người tự tử vì quá căng thẳng cũng được gọi với cái tên riêng là "Karojsatsu".

Làm việc không khoa học, lợi bất cập hại

Cả xã hội làm việc như guồng máy, thậm chí cả những bạn trẻ Việt Nam sang làm việc dần cũng cảm thấy quen, không thấy khổ vì tất cả mọi người đều giống nhau.

Thế nhưng vấn đề không đơn giản như vậy, thực tế trong nhóm G7 Nhật Bản đang là nước có năng suất lao động thấp. Thậm chí trong khối ngành dịch vụ, có thời điểm năng suất của người Nhật chỉ bằng một nửa người Mỹ (số liệu theo trung tâm nghiên cứu năng suất Nhật Bản JPC).

Đài truyền hình Nhật Bản lên tiếng cảnh báo về năng suất thấp

Đánh giá việc này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề chính nằm ở văn hóa làm việc của người Nhật. Giới nhân viên văn phòng luôn cố gắng đến trước ông chủ và là người rời công ty cuối cùng. Đây được coi là biểu hiện của sự trung thành, cống hiến với công ty. Tuy nhiên, có góc khuất đằng sau mà mọi người tránh nhắc tới, đó là việc chạy theo hình thức còn chất lượng làm việc không cao. Chưa kể tới việc nếu làm tăng ca, hệ số lương sẽ cao hơn trong giờ hành chính nên các nhân viên sẽ cố tình kéo dài thời gian việc.

Giới chủ doanh nghiệp cũng có nỗi khổ riêng. Trong văn hóa Nhật Bản, ông chủ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống cho nhân viên, đảm bảo cho mọi người có công ăn việc làm. Vì thế, họ cố gắng duy trì những bộ phận kể cả khi nó làm việc không hiệu quả. Điều này khá phổ biến ở các công ty nhà nước hoạt động bằng ngân sách. Chúng ta từng trầm trồ trước câu chuyện hãng JR duy trì một tuyến đường sắt trong suốt 3 năm chỉ để phục vụ một hành khách. Thế nhưng đây không nên là cách mà nền kinh tế hiện đại vận động.

Rất nhiều nhân viên chỉ có nhiệm vụ cúi đầu chào khách.

Ngoài ra, châm ngôn phục vụ “khách hàng như thượng đế” vốn làm nên thương hiệu về chất lượng dịch vụ của người Nhật cũng bị chính những chuyên gia nước này chê là không hiệu quả kinh tế và lãng phí nhân lực.

Theo thống kê của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Luxembourg mới là quốc gia có năng suất lao động bình quân cao nhất thế giới.

Hoàng Hiệp

Theo Vietnamnet