Nếu hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần, Công ty cổ phần Cromit Nam Việt sẽ trở thành tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thâu tóm Cromit Nam Việt?
Công ty cổ phần Cromit Nam Việt (trụ sở tại thông Đạt Thành, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần số 2801172029 đăng ký lần đầu ngày 23/9/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 20/12/2012.
Công ty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 26121000003, chứng nhận lần đầu ngày 19/2/2009, cấp giấy chứng nhận điều chỉnh ngày 17/5/2010 và ngày 22/6/2011. Doanh nghiệp này được cơ quan có thẩm quyền cho thuê gần 30ha đất tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Ferocrom Nam Việt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Cromit Nam Việt đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 của dự án và đưa vào hoạt động từ năm 2010. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân đơn vị phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 11/2012...
Cuối năm 2018, Công ty cổ phần Cromit Nam Việt khởi động lại dự án với thay đổi thiết kế, thiết bị công nghệ theo xu hướng sản xuất đa dạng hơn so với thiết bị ban đầu. Tuy nhiên, quá trình thay đổi dây chuyền, công nghệ của Công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Ngày 14/6/2019 Công ty hữu hạn thương mại và công nghiệp Thanh Long Giang Tô (Trung Quốc) nộp hồ sơ đăng ký mua 66,67 % cổ phần của Công ty TNHH Đại Tây Dương tại Công ty cổ phần Cromit Nam Việt.
Điều này sẽ đồng nghĩa với việc sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần, Công ty cổ phần Cromit Nam Việt sẽ trở thành tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trước đó, nguồn tin khả tín của phóng viên Reatimes cho hay, đơn vị này đã chuyển nhượng hơn 30% cổ phần cho Thanh Long Giang Tô.
Một số ý kiến nhận định, việc rao bán trên có thể xuất phát từ việc hoạt động “ảm đạm” của nhà máy. Điều này được cho là hoàn toàn có cơ sở. Thậm chí cách đây vài năm khi đề cập đến dự án này, Báo Đầu tư đã thẳng thắn chỉ rõ sự bết bát các dự án ferocrom tại Thanh Hóa, trong đó nêu rõ:
"Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt thường xảy ra sự cố tắc lò hoặc cho ra sản phẩm có chất lượng chưa đạt yêu cầu; hàm lượng crom trong ferocrom chỉ đạt 55-58%, trong khi để xuất khẩu thì phải đạt tối thiểu 68%, dẫn đến giá bán sản phẩm thấp, kinh doanh không hiệu quả và doanh nghiệp phải đóng cửa".
Nhà máy có "tiền sử" gây ô nhiễm môi trường
Mặc dù được đầu tư vốn khá lớn, với công nghệ hiện đại, nhưng doanh nghiệp này lại khá "nổi tiếng" với "tiền sử" gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận và người dân sống quanh khu vực nhà máy.
Nhiều năm trở lại đây, không ít lần công dân xã Vân Sơn đã có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan chức năng kiến nghị về hoạt động của Công ty gây ô nhiễm môi tường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đàn gia súc, gia cầm.
Sau khi kiểm tra, đoàn công tác do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã kết luận: Công ty cổ phần Cromit Nam Việt chưa chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường, nên UBND tỉnh yêu cầu Công ty dừng các hoạt động để hoàn tất các thủ tục, tránh gây bức xúc cho nhân dân.
Tuy vậy, quá trình chuẩn bị các bước để đi vào vận hành thử nghiệm vẫn tiếp tục vấp phải sự phản đối của nhiều người dân trên địa bàn xã Vân Sơn và họ tiếp tục có đơn thư gửi cơ quan có thẩm quyền.
Đỉnh điểm là hồi tháng 3/2019 người dân thôn 3, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) treo băng rôn, lập chốt, cắt cử người canh gác trên trục đường giao thông vào Nhà máy sản xuất Ferocrom của Công ty Nam Việt, ngăn không cho xe tải vận chuyển nguyên liệu cũng như trang thiết bị vào nhà máy. Đồng thời, công dân gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị không cho công ty vận hành thử nghiệm với lý do ô nhiễm môi trường.
Nhiều ý kiến đề nghị đóng cửa nhà máy, không cho nhà máy hoạt động trên đất Vân Sơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu nhà máy đã hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của Nhà nước, được cho vận hành thì phải cam kết bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; đề nghị các cấp, ngành chức năng cũng như huyện Triệu Sơn phải giám sát chặt chẽ về công tác môi trường của nhà máy, nếu nhà máy đi vào vận hành mà vẫn gây ô nhiễm môi trường thì cho dừng hoạt động và đóng cửa nhà máy.
Sự việc chỉ được tạm lắng khi chính quyền trực tiếp đối thoại với dân, đồng thời cam kết cùng người dân giám sát chặt chẽ môi trường của nhà máy... Tuy vậy, tại khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện gây phức tạp tình hình an ninh trật tự địa phương.
Vị trí "nhạy cảm" về an ninh, quốc phòng?
Theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, khu vực nhà máy Ferocrom Nam Việt gần trường bắn tổng hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với quy mô 200ha, được bổ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng phê duyệt. Vị trí này hiện đang được UBND huyện Triệu Sơn giải phóng mặt bằng.
Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn rằng, việc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tổ chức sản xuất gần khu vực trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định tình hình.
"Vị trí khu đất gần với trường bắn tổng hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là nơi tổ chức huấn luyện chiến thuật, diễn tập tổng hợp của các lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Mặt khác, đây cũng là địa điểm gần núi nưa thuộc khu vực phòng thủ của tỉnh, đồng thời là khu vực có yếu tố "nhạy cảm" về lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Do vậy, việc để nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất trên còn nhiều vấn đề phải bàn bạc", một nguồn tin đề nghị không nêu danh tính cho hay.
Cũng liên quan tới sự việc trên, cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về việc Công ty hữu hạn thương mại và công nghiệp Thanh Long Giang tô đề nghị mua lại 66,67% cổ phần của Công ty TNHH Đại Tây Dương tại Công ty cổ phần Cromit Nam Việt, để Nam Việt trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và triển khai thực hiện dự án nhà máy sản xuất Ferocrom Nam Việt tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn.