Cùng là một khoá sinh viên, cùng được tuyển chọn vào trường trên một mức điểm nhất định, ai cũng là người giành chiến thắng trong kỳ thi đại học khốc liệt. Về lý mà nói họ đều có cơ sở tương đương nhau, nhưng tại sao sau 4 năm đại học khoảng cách chênh lệch giữa người với người lại trở nên lớn như vậy?
Mấy ngày trước tôi có nói chuyện với một giảng viên hướng dẫn cho một khóa sinh viên sắp tốt nghiệp. Chúng tôi nói chuyện về khuynh hướng của khoá sinh viên chuẩn bị ra trường này.
Lúc đầu, anh ấy tự hào giới thiệu với tôi rằng có bao nhiêu người nhận được thông báo làm nghiên cứu sinh, sinh viên A, B nhận được học bổng nước người, sinh viên C được doanh nghiệp lớn tuyển dụng còn có cả những sinh viên chưa ra trường đã lập nghiệp và có chút thành công...
Nhưng rồi anh ấy chợt phiền não thở ngắn than dài bởi một số sinh viên sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp nhưng không màng ôn luyện chuẩn bị, sắp thi đến nơi rồi mà vẫn ngập đầu trong game, bung lụa với đủ trò vui chơi giải trí, có thể vượt qua kỳ thi hay không đã rất khó chứ nói gì đến việc cầm được tấm bằng tốt nghiệp để ra trường.
Cùng là một khoá sinh viên, cùng được tuyển chọn vào trường trên một mức điểm nhất định, ai cũng là người xuất sắc giành phần chiến thắng trong kỳ thi đại học cam go và khốc liệt.
Về lý mà nói họ đều có cơ sở, nền móng tương đương nhau, nhưng tại sao sau 4 năm đại học khoảng cách chênh lệch giữa người với người lại trở nên lớn như vậy?
Có những người không bao giờ quan tâm tới chuyện bài vở hay trường lớp, sống bất cần đời, thứ mà họ quan tâm hàng ngày đó là tan học xong về ký túc xá ngủ, chơi game, cày phim...
Có những người lại tìm thấy niềm đam mê của riêng mình, vùi đầu nghiên cứu, sau bốn năm dù ít dù nhiều cũng có những thành tựu nhỏ, suôn sẻ tìm được công việc như ý muốn sau khi tốt nghiệp, có những người còn tự thành lập nhóm tự kinh doanh, tự lập nghiệp.
Lại có nhiều người luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào trường lớp, quen biết nhiều bạn bè cùng chí hướng, thường xuyên tiếp xúc với những kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng mềm nên sau khi ra trường suôn sẻ thi đậu công chức nhà nước hoặc làm việc cho các doanh nghiệp lớn.
Do thường xuyên tích luỹ nhiều kiến thức cơ bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên họ luôn tự tin hoà nhập cùng xã hội, công việc tháo vát nhanh nhẹn, năng lực nổi trội và sớm có được địa vị cao trong công việc và xã hội.
Lại có cả những bạn sinh viên miệt mài học tập quyết tâm tiếp tục sự nghiệp học hành và sau khi tốt nghiệp được vào những trường cao học, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu đúng như mong ước.
Khi tiếp xúc nói chuyện với các bạn sinh viên về vấn đề này tôi phát hiện ra rằng: sau 5 năm tốt nghiệp, những người bạn đồng lớp đồng học năm ấy nay đã làm đủ nghề trong đủ các lĩnh vực khác nhau, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy bóng dáng thời đại học của họ thông qua khuynh hướng phát triển sau 5 năm ra trường.
Những sinh viên miệt mài chăm chỉ nghiên cứu năm ấy nay vẫn là những người làm việc có năng lực chịu khó trong công việc. Những sinh viên có kinh nghiệm phong phú có mối quan hệ xã giao rộng mở từ thời đại học nay cũng đã trở thành những nhân vật ưu tú trong công việc. Còn những bạn chưa có quy hoạch gì cho tương lai thì nay vẫn đang mịt mờ bế tắc.
Rất nhiều người đều nghĩ rằng vào đại học cuối cùng có thể thoát được áp lực học hành của cấp 3, thoát khỏi sự quản lý của cha mẹ, cuối cùng cũng có thể tự do chi phối sắp xếp thời gian và cuộc sống theo sở thích, chắc chắn sẽ phải "sống thoáng, sống phóng khoáng" cho bõ.
Thế là họ sống như "thần tiên", đi học hay không phải xem tâm trạng, lâu lâu bỏ học vài buổi để thêm chút gia vị phong phú cho cuộc sống, không ngó ngàng tới hoạt động trường lớp vì nghĩ lãng phí thời gian, thà vu vơ ở trong ký túc xá cày phim, ngủ nướng còn hơn.
Họ cảm thấy mệt mỏi với các nhóm hội hay câu lạc bộ trong trường học vì phải hy sinh thời gian của mình để làm rất nhiều việc vô bổ, có lúc còn phải ra sức lấy lòng người này người nọ. Bởi vậy họ từ chối mọi công việc trường lớp và cảm thấy thật nhẹ người, có nhiều thời gian để làm những việc mà mình thích đúng là một cuộc sống lý tưởng mà họ đã mong muốn bấy lâu.
Thế nhưng ngày qua ngày khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn.
Năm 1, họ cười nhạo bạn cùng lớp những người thường tự giác học bài và bỏ thời gian để tham gia những hoạt động ngoại khóa, cho rằng những người này không biết hưởng thụ cuộc sống, lên đại học rồi mà vẫn sống như những năm cấp 3.
Năm thứ 2, người bạn cùng phòng bị coi thường không biết hưởng thụ cuộc sống ấy được bầu làm chủ tịch câu lạc bộ sinh viên của trường, được bầu chọn là tình nguyện viên xuất sắc. Những người bạn thường xuyên tự giác học bài trong lớp nhận được học bổng, được bầu là cán bộ lớp xuất sắc, thi đỗ chứng chỉ tiếng anh...
Năm thứ 3, người bạn cùng chơi đá bóng năm ấy được bình bầu là sinh viên xuất sắc trường, đồng hương lớp bên cạnh nhận được học bổng nhà nước, được kết bạn đảng. Nhìn lại bản thân mình ngoài việc đắp thêm mấy cân thịt vào người, ngoài việc ngày nào cũng ngủ no con mắt, nắm bắt thành thục các kỹ năng game ra thì hình như không có gì cả.
Năm thứ 4, bắt đầu phải chuẩn bị tìm việc rồi, đến lúc trầm ngâm suy nghĩ viết CV mới phát hiện một vấn đề chí mạng đó là "không biết phải giới thiệu bản thân mình như thế nào". Bởi trong suốt 4 năm đại học ngoài việc ăn chơi nhảy múa thoả mãn bản thân ra thì hình như mình không làm gì cả!
Kinh nghiệm làm việc = 0. Lúc bầu chọn tranh cử cán bộ lớp, giáo viên hướng dẫn cũng từng động viên nhưng vì xấu hổ hoặc kinh thường mà bỏ lỡ cả 4 năm. Hội sinh viên, các câu lạc bộ, nhóm, tổ chức chưa bao giờ thèm ngó ngàng đến, năm thứ nhất miễn cưỡng tham gia qua loa vài buổi cảm thấy mệt mỏi, vô bổ nên tự động rút lui.
Nay các bạn sinh viên kiên trì khổ luyện họ viết đầy trong CV những trải nghiệm và vinh quanh mà họ giành được còn mình chỉ viết ngồi nhìn và lặng lẽ ngưỡng mộ.
Kinh nghiệm tình nguyện viên = 0. Trước đó có rất nhiều cơ hội chiêu mộ tình nguyện viên nhưng vì cảm thấy phiền phức lại mất thời gian nên không đăng ký tham gia. Giờ ngồi hối hận muốn tham gia những đã quá muộn vì không còn cơ hội nữa. Nghĩ lại ngày ấy làm tình nguyện viên vừa có thể học hỏi rèn luyện vừa có thể giúp đỡ người khác, "vậy mà tại sao khi ấy lại không thử làm tình nguyện viên chứ?"
Trải nghiệm thực tiễn = 0. Trong ấn tượng hình như có một trải nghiệm thực tiễn đó là "đi học quân sự", nhưng điều này ai không có chứ, định viết vào CV nghĩ đi nghĩ lại cảm thấy không hợp lý đành phải xoá đi.
Nhớ lại kỳ nghỉ hè năm thứ 2, nhà trước tổ chức hoạt động xã hội trải nghiệm thực tiễn vừa phong phú vừa đặc sắc nhưng vì lúc đó vội vàng muốn đi du lịch hưởng thụ cuộc sống riêng nên không màng tới. Giờ nghĩ lại, cơ hội hiếm có trong thời đại học ấy mình đều bỏ lỡ hết rồi.
Thành tích, khen thưởng = 0. Vò đầu bứt tai suy nghĩ một hồi, hình như mình chưa bao giờ giành được giải thưởng. Ngoảnh đầu sang nhìn cậu bạn bên cạnh hắn đã viết dày cả trang giấy. Quả là hổ thẹn, bốn năm đại học mình "bận rộn" để làm những gì vậy?
Chứng nhận kỹ năng hình như có cái bằng lái xe mà ai cũng có. Sức cạnh tranh của mình ở đâu? Cầm CV này đi xin việc chắc chắn sẽ bị nhà tuyển dụng đánh bật tả tơi.
Lúc này thực sự muốn quay lại 4 năm đại học thế nhưng 4 năm như giống mộng, mộng tỉnh thì đã quá muộn.
"Trẻ không làm, già hối hận"
Nhà văn Kevin Tsai đã từng nói: "15 tuổi nghĩ việc tập bơi rất khó nên đã từ bỏ, đến năm 18 tuổi có cô bạn gái mà mình thích rủ đi bơi nhưng đành phải tiếc nuối nói rằng "anh không biết bơi". Năm 18 tuổi, thấy tiếng Anh khó quá nên từ bỏ không học, đến năm 28 tuổi gặp được một công việc rất tốt nhưng cần phải biết tiếng Anh lại đành phải ngậm ngùi tiếc nuối 'tôi không biết tiếng anh'".
Thời đại học, bạn cảm thấy làm cán bộ lớp thật là phiền toái, tham gia công tác tình nguyện tốn thời gian, làm việc giúp đỡ thầy cô lại cảm thấy vô vị…
Đợi sau khi tốt nghiệp đi xin việc, các doanh nghiệp mà bạn ứng tuyển lại đều cần kinh nghiệp cán sự, kinh nghiệp tình nguyện viên, kỹ năng tin học văn phòng, khả năng lập kế hoạch và xã giao thế nhưng tất cả bạn đều không có.
Học đại học, bạn hoài bão chí lớn, nghĩ rằng không cần học vẫn có thể thi qua bình thường nhưng kết quả là trượt thẳng cẳng. Cầm tấm bằng và bảng điểm tốt nghiệp bạn xót xa không dám liếc nhìn. Những công việc mà bạn yêu thích cũng vì thế mà từ từ tuột khỏi tầm tay.
Thời đại học, cảm thấy những lời thầy cô nói đều là vô nghĩa, giảng viên hướng dẫn thật phiền phức, lúc nào cũng yêu cầu tổ chức hoạt động này nọ, ngày nào cũng nhấn mạnh an toàn, học tập, kỹ năng đủ điều.
Một buổi không đến lớp là gọi điện thoại giục ầm ĩ, thành tích xuống dốc bị gọi lên văn phòng nói chuyện, suốt ngày khuyến khích tham gia hoạt động này nọ khiến bạn cảm thấy phiền toái ức chế.
Thế nhưng tốt nghiệp đi làm rồi bạn mới biết, không ai thèm để ý bạn đang làm gì, làm đúng hay làm sai hay bạn không biết làm chỗ nào. Người ta chỉ lặng lẽ nhìn bạn làm sai rồi bị sếp mắng chửi. Lúc này bạn mới phát hiện ra rằng lúc còn đi học, có người quan tâm, có người lải nhải bên tai, có người nhớ đến bạn thúc giục bạn thật hạnh phúc biết bao.
Kiên trì là một thói quen tốt dù chỉ là một chuyện nhỏ nhưng tiếc rằng nhiều người lại không làm được.
Mỗi ngày học năm từ vựng, tích lũy 4 năm số lượng từ vựng mà bạn học được sắp có thể sánh bằng 1 quyển từ điển Oxford. Mỗi ngày chạy bộ nửa tiếng giúp bạn có sức khỏe cường tráng hơn nhiều người khác. Ngay cả những việc nhỏ nhặt như kiên trì ăn sáng mỗi ngày thôi bạn cũng sẽ phát hiện ra lợi ích mà mình thu được không hề nhỏ.
Tất cả những gì mà bạn đã bỏ ra không đều không phải là vô ích, những việc mà bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đều sẽ có ý nghĩa. Những điều nhỏ nhặt mà bạn không để tâm tới kia có thể sẽ trở thành công cụ lớn mạnh giúp bạn tiến bước trong tương lai.
"Hội chứng trì hoãn" nguy hại tới mức nào nhiều lúc chúng ta không thể ý thức được.
Trì hoãn là căn bệnh phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp trong học đường. Mức độ nguy hiểm của "Hội chứng trì hoãn" không đơn giản chỉ là "nước đến chân mới nhảy" mà nguy hiểm hơn còn khiến bạn trở nên lười biếng, mất đi ý thức hành động và nảy sinh cảm giác sợ hãi hành động. Có một câu nói rằng: "Hành động là liều thuốc quý để điều trị nỗi sợ hãi còn do dự hay trì hoãn sẽ không ngừng sản sinh nỗi sợ hãi".
Chắc hẳn mọi người đều biết được rằng: "Phải hành động kịp thời bởi thời gian không đợi ai cả". Thế nhưng có bao nhiêu người trong số chúng ta có thể thực sự biến suy nghĩ thành hành động? Có lẽ đây chính là nguyên nhân tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa người với người.
Kết lại, tôi xin có một bài thơ tự sáng tác thế này.
"Cuộc đời đại học đẹp như mơ
Ăn chơi nhảy múa học không màng
Kiên trì phấn đấu mặc ai đó
Mộng đẹp mình ta với thói đời
Hỡi ôi hết mộng đời tan vỡ
Ngậm ngùi tiếc nuối chẳng ai thương
Con đường đại học nay đã khép
Bạn bè đều chí ở phương xa
Than thân trách phận ngày xưa ấy
Không học, chỉ chơi thấm cả đời."
Thanh Thủy/Tri thức trẻ