Kẻ được người thua trong giới tỷ phú thế giới.
10 tỷ phú giàu nhất thế giới đều sở hữu tài sản ròng trên 100 tỷ USD
Theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index tại ngày 4/10, cả 10 người giàu nhất hành tinh đều sở hữu khối tài sản ròng trên 100 tỷ USD, trong đó có tới 8 người là tỷ phú công nghệ Mỹ. Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, hai tỷ phú Mỹ là Elon Musk và Jeff Bezos đã liên tục hoán đổi vị trí giàu nhất thế giới. Chủ tịch tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH của Pháp Bernard Arnault cũng có lúc chiếm được ngôi vị này nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn.
Tại thời điểm 4/10, tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla và Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX, đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg với khối tài sản lên tới 209 tỷ USD, tăng 34 tỷ USD so với hồi tháng 1. Hãng xe điện Tesla đã có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong 3 quý năm 2021 khi triển vọng và nhu cầu về ô tô điện tăng cao trên toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh năng lượng cũng mang về cho Tesla hàng trăm triệu USD, bao gồm quang điện mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng cho gia đình, doanh nghiệp…
SpaceX cũng chinh phục được rất nhiều cột mốc trong những tháng đầu năm. Mới đây, tập đoàn này thông báo dịch vụ Internet băng thông rộng toàn cầu dựa trên chùm vệ tinh tầm thấp Starlink sẽ được thương mại hóa trong tháng 10. Nếu Starlink thành công, thị trường Internet vệ tinh có thể đạt trị giá 1.000 tỷ USD. Tập đoàn tài chính Morgan Stanley từng nhận định nếu mức độ thành công của Starlink cao hơn kỳ vọng, giá trị của SpaceX có thể đạt tới 175 tỷ USD trong kịch bản lạc quan nhất.
Bám sát nút Elon Musk là tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu nước Mỹ Amazon. Ông sở hữu khối tài sản 191 tỷ USD (tại ngày 4/10 theo Bloomberg Billionaires Index), tăng khoảng 4 tỷ USD so với hồi tháng 1. Ông Jeff Bezos đã chính thức từ chức CEO Amazon để “lui về hậu trường” vào ngày 5/7, nhưng vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn này.
Trong tháng 7, cổ phiếu Amazon có lúc đã tăng 4,7%, kéo theo tài sản của ông Jeff Bezos tăng thêm 8,4 tỷ USD, lên 211 tỷ USD, lập kỷ lục mức tài sản cao nhất của một tỷ phú, nhưng cũng sụt giảm ngay sau đó. Khối tài sản khổng lồ của tỷ phú này chủ yếu đến từ số cổ phần ông nắm giữ tại Amazon, số còn lại đến từ các công ty khác của ông như tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origins và hãng truyền thông Washington Post.
Du lịch quốc tế bị đóng băng cùng với yêu cầu đóng cửa do đại dịch đã khiến tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ LVMH (Pháp) lao đao trong năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu của tập đoàn này đã phục hồi với tốc độ nhanh ngoài dự kiến trong năm nay, nhờ nhu cầu đối với túi xách Louis Vuitton và các sản phẩm Dior của các tín đồ mua sắm Trung Quốc và Mỹ.
Hồi đầu tháng 8, tài sản của chủ tịch LVMH Bernard Arnault đã có lúc chạm ngưỡng 199,1 tỷ USD, “soán ngôi” giàu nhất thế giới của tỷ phú Jeff Bezos. Tại thời điểm hiện tại, ông trùm hàng hiệu Pháp sở hữu 156 tỷ USD, tăng 42 tỷ USD so với đầu năm.
6/10 tỷ phú “mất mát” nhiều nhất là người Trung Quốc
Theo thống kê của Bloomberg, trong số 10 tỷ phú chứng kiến tài sản ròng “bốc hơi” nhiều nhất kể từ đầu năm tới nay, có 6 người đến từ Trung Quốc. Trong khi ông trùm nước đóng chai Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) mất 18 tỷ USD, ông chủ Tencent Mã Hóa Đằng (Pony Ma) mất hơn 10 tỷ USD thì nhà sáng lập Pinduoduo Hoàng Tranh (Colin Huang) mất tới hơn 30 tỷ USD.
Ông Hoàng Tranh từng vượt qua tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) để trở thành người giàu nhất Trung Quốc, nhưng với sự sụt giảm này, tài sản của ông chỉ còn 31,1 tỷ USD (tại ngày 4/10 theo Bloomberg Billionaires Index). Theo Bloomberg, trong số 500 người giàu nhất thế giới, không ai mất nhiều tài sản như ông Hoàng Tranh kể từ đầu năm.
Hai tỷ phú Trung Quốc nổi tiếng khác cũng chịu cảnh mất mát tài sản là Mã Vân, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, mất 6,9 tỷ USD từ đầu năm và Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), chủ tịch tập đoàn bất động sản Evergrande – cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua với khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, mất 16 tỷ USD.
Đây được xem là những ví dụ rõ ràng nhất về ảnh hưởng của lời kêu gọi “thịnh vượng chung” từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và loạt động thái kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với tầng lớp tỷ phú cũng như các doanh nghiệp lớn của nước này. Riêng đối với Pinduoduo, các chuyên gia kinh tế cho rằng tập đoàn này dễ bị tổn thương hơn so với các công ty kỳ cựu trong ngành như Alibaba và Tencent. Giá cổ phiếu Pinduoduo niêm yết ở Mỹ đã giảm 44% trong năm nay, so với mức giảm 33% của cổ phiếu Alibaba. Trong khi đó, cổ phiếu Tencent niêm yết tại Hong Kong cùng giảm tới 20% so với hồi tháng 1.
Kể từ đầu năm tới nay, Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định quản lý đối với những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ dịch vụ tài chính cho đến nền tảng Internet và dữ liệu. Theo các nhà phân tích, chính quyền Trung Quốc lo ngại về tình trạng độc quyền trong lĩnh vực công nghệ, các nền tảng cho vay được quản lý lỏng lẻo và việc hàng loạt tập đoàn lớn ồ ạt thu thập dữ liệu cá nhân người tiêu dùng có thể đe dọa hệ thống tài chính.
Đồng thời, chính quyền nước này cũng muốn kìm hãm quyền lực của các nhà tài phiệt. Những năm qua, Mã Vân, Mã Hóa Đằng và hàng loạt tỷ phú đã tạo được ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế 14.000 tỷ USD. Bắc Kinh muốn ngăn chặn nguy cơ các tỷ phú trở thành thế lực có ảnh hưởng kinh tế và chính trị tương tự nhiều tập đoàn gia đình (chaebol) tại Hàn Quốc. Một số chuyên gia cho rằng chính sách mới của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành công nghệ, mở đường cho một thế hệ tỷ phú mới.