(Ảnh minh hoạ)
IBM mới đây đã công bố về Báo cáo tác động gian lận tài chính toàn cầu 2022, cho thấy giữa các thế hệ có sự khác nhau rất nhiều về tần suất và tác động của gian lận tài chính, cũng như thái độ của mỗi thế hệ đối với việc phát hiện gian lận.
“Gian lận tài chính và các mối đe doạ trên mạng ngày càng nhiều đối với các ngân hàng toàn cầu và tổ chức tài chính. Điều này đã tăng nhu cầu cải thiện và đẩy nhanh phương pháp phòng ngừa của các doanh nghiệp để đi trước các hoạt động tội phạm tinh vi”, Shanker Ramamurthy, Quản lý đối tác, Glabal Banking & Financial Markets, IBM cho biết.
Shanker Ramamurthy cũng nói thêm, khi nền kinh tế toàn cầu phát triển kèm theo bước nhảy vọt của nhu cầu thanh toán không tiền mặt sau đại dịch thì nguy cơ gian lận tài chính cũng đang phát triển ở mức chưa từng có.
Tại Việt Nam, khoảng 97.000 tài khoản mạng bao gồm tài khoản ngân hàng, chứng khoán có giá trị lớn đã bị xâm phạm trong năm 2021, theo Báo cáo thị thị trường an ninh mạng Việt Nam. Việt Nam cũng ghi nhận hơn 3.900 cuộc tấn công mạng trong 7 tháng đầu tiên của năm 2021, theo Cơ quan Bảo mật thông tin (AIS) thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Báo cáo của IBM đã cho thấy một loạt khác biệt giữa các thế hệ liên quan đến gian lận tài chính.
Cụ thể, thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) luôn là các nạn nhân lớn nhất của mọi hình thức gian lận tài chính, từ tín dụng, gian lận thẻ ghi nợ đến ví điện tử, thanh toán kỹ thuật số, ngân hàng và gian lận thuế.
Báo cáo cho thấy chi phí gian lận của thế hệ Gen X (sinh năm 1965-1980) cao thứ hai xuất phát từ thẻ tín dụng hoặc ứng dụng thanh toán kỹ thuật số. Xếp thứ 3 là thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012).
Theo đó, thế hệ Millennials được đánh giá là dành nhiều thời gian cố gắng để thu hồi khoản tiền đã mất do phí gian lận, tranh chấp phí gian lận và kiểm tra các tài khoản có tính gian lận.
Xếp sau là Gen Z, dành phần lớn thời gian để xử lý các hoạt động lừa đảo. Gen Z cũng là thế hệ có trải nghiệm về gian lận thường xuyên nhất thông qua các ứng dụng thanh toán như PayPal, Venmo, Square và Zelle. Trong khi toàn bộ các thế hệ khác trải qua các vấn đề bảo mật tài chính nhiều nhất qua thẻ tín dụng. Đồng thời, Gen Z cũng ít bị ảnh hưởng nhất bởi gian lận thẻ tín dụng.
Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp một số thông tin khác liên quan đến gian lận tài chính tại một số thị trường.
Cụ thể, báo cáo của IBM cho thấy gian lận thẻ tín dụng là loại gian lận phổ biến nhất trên thế giới, trong đó gần 1/3 dân số ở Brazil đã trải qua việc gian lận thẻ tín dụng.
Theo khảo sát, người tiêu dùng tại Brazil và Singapore lo ngại nhiều nhất về vấn đề an ninh tài chính (85% người Brazil và 79% người Singapore trả lời lo ngại về gian lận thẻ tín dụng).
Người trong độ tuổi trưởng thành tại Đức mất nhiều phí gian lận hơn so với người trong độ tuổi trưởng thành ở các quốc gia khác. Người Nhật Bản trả lời rằng họ ít tự tin hơn khi xử lý gian lận đối với ngân hàng, thẻ tín dụng, trong khi đa số các quốc gia cảm thấy ngược lai.