Bán theo tin đồn
Sự kiện khởi tố vụ án và khởi tố bị can liên quan các vi phạm của một số lãnh đạo của tập đoàn FLC rồi đến Tân Hoàng Minh đã tạo cơ hội cho hàng loạt tin đồn xuất hiện trong tuần trước, dẫn đến cảnh bán tháo trên toàn thị trường nói chung cũng như những mã cổ phiếu có liên quan đến tin đồn nói riêng, đơn cử như nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu GEX, KBC hay HSG.
Giữa lúc tâm lý nhà đầu tư đang khá nhạy cảm, những tin đồn xuất hiện càng khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng và dễ dẫn đến quyết định thiên về cảm xúc mà không cần kiểm chứng thông tin, nhất là khi trước đó vụ việc tại FLC hay Tân Hoàng Minh cũng bắt đầu bằng những tin đồn rồi đã trở thành sự thật.
Tuy nhiên, xu hướng bán tháo theo tin đồn được kỳ vọng sẽ sớm qua đi, khi nhà đầu tư nhận ra rằng các tin đồn thiếu căn cứ đã khiến họ có những quyết định sai lầm, theo đó dòng tiền có thể nhanh chóng quay trở lại khi các tin đồn bị bác bỏ, nhất là khi nhiều cổ phiếu sau đợt giảm vừa qua đã trở về vùng giá hấp dẫn.
Đơn cử như cổ phiếu HSG, sau khi có tin đồn thanh tra tập đoàn này, phía doanh nghiệp đã lên tiếng bác bỏ tin đồn gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Những doanh nghiệp còn lại có lẽ sẽ sớm có động thái tương tự. Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết với những tin đồn không có căn cứ, Bộ Công an sẽ thực hiện điều tra, xử lý, do đó kỳ vọng thị trường sẽ sớm ổn định và nhà đầu tư sẽ thôi không bị dẫn dắt bởi các tin đồn không có căn cứ trên thị trường.
Đối với những nhà đầu tư lạc quan, kịch bản thị trường TPDN suy thoái và không còn hấp dẫn người mua cũng có thể mở ra cơ hội hút tiền cho thị trường cổ phiếu, khi dòng tiền lớn từ trái phiếu được kỳ vọng sẽ chuyển sang cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Mới đây nhất, ngày 11-4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 311/CĐ gửi các bộ và cơ quan liên quan, yêu cầu xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt ảnh hưởng thị trường, cũng như sớm có các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Ảnh hưởng gì từ trái phiếu doanh nghiệp?
Ngoài ra, không thể phủ nhận những diễn biến tiêu cực của thị trường TPDN, khởi đầu bằng việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu trước đây của tập đoàn Tân Hoàng Minh và khởi tố, điều tra vi phạm của chủ tịch tập đoàn này, cũng đang tác động tiêu cực lên thị trường. Không ít nhà đầu tư e ngại các doanh nghiệp kế tiếp cũng có thể bị rơi vào tình huống tương tự, nhất là nhóm bất động sản vốn đã ồ ạt phát hành lượng trái phiếu rất lớn trong thời gian qua.
Do đó, thông tin thanh tra 12 doanh nghiệp bất động sản xuất hiện vào tuần trước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết, bị một số đối tượng tung ra để gây hoang mang, tuy sau khi kiểm chứng thì đây là đợt thanh tra bình thường đã diễn ra từ năm 2017, nhưng cũng đủ sức tác động xấu lên nhóm cổ phiếu bất động sản.
Rõ ràng nhà đầu tư có lý do để lo lắng một khi các doanh nghiệp này bị thanh tra, đặc biệt là ở hoạt động phát hành trái phiếu, không loại trừ khả năng sẽ phát hiện những vi phạm tương tự. Khi đó, hoạt động chung sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, dòng tiền có thể đứt quãng và giá cổ phiếu giảm là tất yếu.
Mà có lẽ chưa cần phải rơi vào tình huống xấu như vậy, hoạt động của các doanh nghiệp này cũng có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong giai đoạn tới. Với diễn biến tiêu cực của thị trường TPDN thời gian gần đây, các đợt phát hành trái phiếu mới để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ hoặc có nguồn để trả nợ cho những trái phiếu đã phát hành trước đây, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi nhà đầu tư sẽ chọn lọc kỹ càng hơn, còn các đối tác tư vấn, bảo lãnh và phát hành cũng sẽ cẩn thận hơn. Khi đó nếu không thể phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực về dòng tiền tài chính.
Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư lạc quan, kịch bản thị trường TPDN suy thoái và không còn hấp dẫn người mua cũng có thể mở ra cơ hội hút tiền cho thị trường cổ phiếu, khi dòng tiền lớn từ trái phiếu được kỳ vọng sẽ chuyển sang cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với hàng trăm ngàn tỉ đồng đã rót vào kênh TPDN trong những năm qua, cũng như đang chờ đợi ở các thương vụ phát hành tiếp theo, nếu có sự chuyển dịch sang thị trường cổ phiếu sẽ là một trợ lực không nhỏ cho giá cổ phiếu.
Ngoài ra, khi nhận thấy thị trường bất động sản ngày càng chứa đựng nhiều rủi ro hơn, mà trước mắt là ngay từ các doanh nghiệp bất động sản sau sự kiện Tân Hoàng Minh, không loại trừ khả năng dòng tiền từ kênh đầu tư này cũng có thể lựa chọn thị trường cổ phiếu. Trong bối cảnh lãi suất có tín hiệu đi lên trở lại có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường bất động sản, nhất là định giá của thị trường này đã rời xa giá trị thực sau các đợt sốt nóng vừa qua, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những kênh đầu tư linh hoạt hơn và có thanh khoản cao hơn.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại một áp lực mà thị trường TPDN có thể gây ra cho thị trường cổ phiếu, đó là với lượng cổ phiếu được thế chấp để làm tài sản bảo đảm cho các đợt phát hành TPDN thời gian qua hoặc được thế chấp để lấy nguồn tiền mua trái phiếu có chất lượng thấp hoặc có vấn đề như đã phát hiện gần đây, một khi các cổ phiếu này bị buộc bán giải chấp với số lượng lớn tất yếu sẽ đẩy giá cổ phiếu giảm sâu. Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ càng, tránh những cổ phiếu có thể rơi vào tình huống như vậy, nếu không sẽ khó tránh khỏi thiệt hại.