Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tính đến nay cả nước có tới 110 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm được COVID-19, nhưng chỉ có gần 40/110 phòng đã được Bộ Y tế cho phép khẳng định kết quả xét nghiệm COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện, các đơn vị trực thuộc yêu cầu thu thập số liệu, báo cáo kết quả việc mua sắm thiết bị xét nghiệm của Hãng Qiagen, Đức và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên với các hợp đồng ký kết từ 1-3-2018 đến 29-2-2020.
Đây là lần thứ hai Bộ Y tế có văn bản này (văn bản trước ký ngày 17-4), nhưng theo Bộ Y tế, đến nay nhiều địa phương chưa báo cáo, trong khi gần nhất đã có Hà Nội và Quảng Ninh mới mua hệ thống xét nghiệm này.
Tranh cãi "đóng" và "mở" trong xét nghiệm
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đã có hai tỉnh mua hệ thống thiết bị xét nghiệm nhãn hiệu C., mục tiêu là xét nghiệm COVID-19 (sau mùa dịch xét nghiệm thêm các bệnh khác).
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-4, giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Văn Dịu cho biết hệ thống xét nghiệm mà tỉnh này mua là hệ thống có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh, trong đó có COVID-19. Qua tìm hiểu ở thời điểm 1-4, khi Thái Bình khai trương hệ thống xét nghiệm, nhãn hiệu xét nghiệm ở tỉnh Thái Bình mua trong mùa dịch này là hệ thống thiết bị nhãn hiệu C..
Tuy nhiên theo danh mục xét nghiệm mà hệ thống xét nghiệm nhãn C. thực hiện, lại không thấy có COVID-19, mà chỉ xét nghiệm các virus vi khuẩn gây bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, HPV..., tổng cộng gần 20 loại.
"Hệ thống này là hệ thống đóng, chỉ có thể sử dụng hóa chất của hãng, việc mở hệ thống đóng để sử dụng hóa chất của hãng khác xét nghiệm COVID-19 có thể cho kết quả không chính xác.
Hãng đã "đóng" tức là đã có ý đồ từ khi sản xuất, việc cố "mở" sẽ khó có kết quả chuẩn. Trong mùa dịch này, các tỉnh hầu hết mua thiết bị xét nghiệm của hai nhà sản xuất thì một trong hai nhà sản xuất - bao gồm thiết bị Quảng Ninh, Hà Nội đã mua là thiết bị mở, có thể xét nghiệm COVID-19 với sinh phẩm chẩn đoán của bất kỳ nhà sản xuất nào.
Vấn đề với hệ thống này (với những nơi đã mua) là giá cao hơn bình thường. Loại còn lại là hệ thống "đóng", vừa có nguy cơ về chất lượng xét nghiệm và giá bán như vậy cũng là cao" - một chuyên gia phân tích.
Nhiều mức giá khác nhau
Tại Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh đã trích ngân sách mua máy xét nghiệm virus corona vào đầu tháng 4-2020 với mức giá hơn 1,5 tỉ đồng (chưa bao gồm các chi tiết phụ như hóa chất, bộ kit...).
Theo ông Hùng, sau khi tham khảo danh mục các loại máy, tỉnh đã chọn mua loại máy xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, có xuất xứ từ Đức. Mức giá của hệ thống này cũng được tỉnh đàm phán với nhà cung cấp để được mức giá thấp nhất. "Chúng tôi phải tra trên mạng để đối chiếu giá, sau đó mới quyết định mua" - ông Hùng chia sẻ.
Tại Quảng Bình, ông Nguyễn Đức Cường, giám Sở Y tế, cũng xác nhận tỉnh này đã mua máy xét nghiệm COVID-19, cũng dùng kỹ thuật Realtime RT-PCR như Quảng Trị. Mức giá mà tỉnh này phê duyệt mua máy khoảng 3 tỉ đồng gồm giá máy hơn 1,6 tỉ đồng, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện.
Ông Cường nói lúc Quảng Bình mua máy trong tình hình khá cấp bách, trong khi máy do Bộ Y tế cấp về lại không vận hành được do thiếu phụ kiện. "Tỉnh Quảng Bình chọn mua máy của Đức, đã tham khảo giá của một số tỉnh lân cận đã mua trước rồi đưa ra hội đồng của Sở Tài chính thẩm định" - ông Cường thông tin.
Trong khi đó tại Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết lãnh đạo ngành y tế tỉnh có đề xuất mua hệ thống máy xét nghiệm để ứng phó dịch COVID-19 gồm máy móc, trang thiết bị y tế, xây dựng phòng ốc, tập huấn... khoảng 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh không đồng ý mua mới mà điều máy từ Trung tâm xét nghiệm thuộc Sở KH-CN sang, chỉ mua thêm mấy bộ phận phụ còn thiếu.
Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Sở Y tế, cho biết thêm ngành y tế tỉnh đã có thông báo rộng rãi mời thầu cung cấp trang thiết bị phục vụ việc xét nghiệm này. Trong đó, đơn vị có giá tốt nhất là 5 tỉ đồng nên UBND tỉnh quyết định điều máy từ Sở Khoa học và Công nghệ sang.
Sau khi trang bị xong, tỉnh Cà Mau đã mời Viện Pasteur TP.HCM tiến hành khảo sát, thẩm định phòng xét nghiệm, máy móc, trang thiết bị và đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thực nghiệm xét nghiệm. Ngày 22-4, Bộ Y tế đã công nhận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cà Mau đủ năng lực xét nghiệm virus corona.
Quảng Ninh thanh tra việc mua sắm thiết bị xét nghiệm
Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Chí Thành vừa có văn bản gửi Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để truyền đạt ý kiến của bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan việc mua sắm máy Realtime PCR tự động để xét nghiệm COVID-19 và các thiết bị y tế được đầu tư trong dịp này, báo cáo thường trực Tỉnh ủy và Ban thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30-4. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND tỉnh giao thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Có khuất tất không mà phải đàm phán hạ giá?
Ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết tỉnh đã mua máy xét nghiệm 7,2 tỉ đồng từ một công ty ở TP Đà Nẵng, có qua đấu thầu. Hệ thống máy xét nghiệm gồm các loại máy tách chiết tự động, máy đọc RT-PCR, máy ly tâm lạnh, tủ an toàn sinh học... Theo ông Hai, Bộ Y tế cũng có chỉ đạo là phải mua loại máy để xét nghiệm được nhiều loại chứ không phải riêng COVID-19. Lúc mua máy, tỉnh tham khảo, xem xét thấy Hà Nội và một số tỉnh mua hệ thống xét nghiệm này với mức giá như vậy thì mua.
Trả lời câu hỏi nếu lỡ đã mua với giá cao thì giờ xử lý ra sao, có đàm phán hạ giá xuống như tỉnh Thái Bình không?, ông Hai cho biết đang cần nói chuyện này phải rõ ràng bởi vì mình không có gì khuất tất, trục lợi gì từ việc mua máy. Đến bây giờ mình vẫn chưa ứng tiền mua máy. "Nếu giờ mình làm vậy thì dư luận đặt vấn đề ngay" - ông Hai chia sẻ.
L.TRUNG
L.ANH - Q.NAM - T.TRÌNH
Theo Tuổi Trẻ