Thợ bánh Kao Siêu Lực và mẩu vỏ táo trong thùng rác

12/02/2019 14:16

Vài tháng trước, ông Kao Siêu Lực còn loay hoay dốc ngược thùng rác và may mắn tìm ra “món quà từ thiên đường” - làm bánh mì Sourdough bằng men ủ chua. Giờ bánh mì đã nở, nỗi đau trong quá khứ của “vua bánh mì” dịu lại, trái tim được hàn gắn và cánh cửa tương lai mở rộng. Chưa một giây phút nào “lửa” thôi cháy trong người thợ làm bánh mì hiếu kỳ và đầy đam mê này.
Với ông Kao Siêu Lực, bản lĩnh của người làm nghề là phải khiến đối thủ trở thành đối tác.
Với ông Kao Siêu Lực, bản lĩnh của người làm nghề là phải khiến đối thủ trở thành đối tác.

Khúc tình ca của ổ bánh mì

Không thể chỉ ngồi nhìn ổ bánh tròn đầy đặn, vàng suộm, hễ cắn một miếng là nghe cả ngàn lớp vỏ giòn, bùi, mỏng tang, vỡ rụp trong miệng. Còn ruột bánh đặc, mượt, dai và đâu đó có vị ngọt, nhưng thoáng vị chua chua, thơm thơm.

Kể cũng thú vị, đôi khi sự hoàn hảo nhỏ nhoi nhất cũng đủ khiến ta cảm thấy mọi chuyện trên đời rồi đâu cũng sẽ vào đó. Như ổ bánh chẳng đợi đến lúc được dỡ ra khỏi lò đã toả mùi thơm nức, mắt có thể không thấy, nhưng tim cảm được.

39 năm trước, ông Kao Siêu Lực cùng gia đình di tản từ Campuchia đến Sài Gòn, mưu sinh bằng nhiều nghề, từ lái xe ba gác, bán bánh mì, gạo, bột mì, rồi học nghề tạo hình ổ bánh. Và từ đó, chưa khi nào nắm bột mì mịn nhuyễn rời đôi bàn tay của người đàn ông đã qua tuổi lục tuần này, cũng chưa khi nào lửa thôi cháy trong tim của người thợ làm bánh, là cha đẻ của hàng trăm ngàn loại bánh.

Với loại bánh mì Sourdough cũng vậy.

Chuyện kể, một buổi tối, đi ngang thùng rác, ông Kao ngửi thấy mùi thơm của táo. Ông nghĩ, chắc nhân viên nào lén bỏ nguyên liệu làm bánh, nên đích thân moi thùng rác để tìm bằng chứng. Hóa ra mùi thơm đó từ một thùng vỏ táo, sau khi đã dùng hết thịt làm nhân bánh.

“Tôi nghĩ sai cho nhân viên. Nhưng chính mùi thơm nồng nàn của vỏ táo vứt đi làm tôi suy nghĩ. Tôi thử ngâm chúng vào thau nước muối, thêm chút đường, nuôi từng ngày, rồi theo dõi độ pH, khi đạt 3.8 thì tôi hài lòng quá”, ông Kao kể lại may mắn “trời cho”, rồi kể về tiếng xì xì thoát ra vỏ táo với bề mặt lấm tấm những hạt li ti, dậy mùi thơm men tự nhiên không thể nhầm lẫn, kể về cách ông “cột” đám men lại bằng cái bánh ú dẻo mềm đầy sức sống…

Bánh mì Sourdough là loại bánh mắc tiền, bởi ngoài bổ dưỡng, còn phụ thuộc vào sự công phu trong nuôi nấm men. Mỗi nghệ nhân sẽ có công thức ủ men khác biệt để đám nấm men bé bỏng không phải đói đến chết, chết đuối trong chính chất axit mà chúng đã tạo ra.

Tại ABC của ông Kao, đến thời điểm khi nấm men đã thoả sức sinh sôi, đủ độ chín, chúng sẽ được nuôi giữ trong tủ lạnh. Nghiên cứu này cho phép nguyên liệu bột làm nên bánh mì Sourdough của ABC sẽ được tập kết tại một bếp trung tâm và vận chuyển dễ dàng đến các xưởng xa tít, về miền Tây hay ngược lại miền Trung.

Ông Kao cũng đã mang bánh mì Sourdough đến khách hàng Nhật nếm thử. Họ rất thích và xin mang về làm mẫu.

Niềm tự hào “nối dài” của người thợ bánh

Nếu danh từ “đối tác” được ghép từ 6 chữ, thì “đối thủ” cũng vậy. Với ông Kao, bản lĩnh của người làm nghề là phải khiến đối thủ trở thành đối tác. ABC nhận gia công cho nhiều hãng bánh, chỉ cần ra đề, ông Kao sẵn sàng “giải toán” một cách hoàn hảo nhất.

“Tôi rất biết ơn khách hàng của mình, bởi họ cho tôi thêm cơ hội khám phá, nghiên cứu và nhào nặn ra nhiều sản phẩm mới”, ông Kao chia sẻ và hiểu, nhà bếp tuyệt vời phải luôn tôn trọng những gì đã viết trong thực đơn. Một khi đã nhận lời, dù phải tốn công sức và làm thêm giờ thì sản phẩm luôn được bàn giao đúng ngày đã hứa.

Điều ông Kao tự hào nhất trong sự nghiệp làm bánh của mình luôn là bản đồ đối tác mua hàng, trải dài từ chuỗi thức ăn nhanh, cửa hiệu cà phê, đến siêu thị - cửa hàng tiện lợi, tiệm bánh và ghi dấu vào hệ thống khách sạn 6 sao, rạp chiếu phim, sân bay… Chưa kể 3 quốc gia mà ABC đang xuất khẩu đều đặn, dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu, là Anh, Australia và Nhật Bản. Nếu tính riêng với Hamburger, ông Kao nói, ABC đang tác động đến 80% thị phần của cả nước.

Chưa một lần anh Ba Sài Gòn (tên mọi người thường gọi ông Kao) có nỗi sợ tuổi già hay dần cảm thấy đuối sức. Trong đôi mắt của doanh nhân tuổi 63 tuổi, viễn cảnh tươi sáng của ngày mai rất rõ ràng, luôn đến từ “khách hàng là vô tận”, sẽ bắt đầu từ hành động, nỗ lực của ngày hôm nay.

Danh hiệu là mũi tên chỉ lùi về quá khứ. Vua bánh mì cũng là danh hiệu. Còn khi một người được biết đến qua tên gọi, sự chú ý lại nằm ở một tương lai rộng mở. Khi gọi nhau bằng tên, ta bỏ qua mọi kịch bản sẵn có và để ngỏ khả năng phát triển mối quan hệ với nhau.

Các chuyến công tác của ông Kao thời gian này chỉ xoay quanh 2 điểm đến là Nha Trang và Đà Nẵng - nơi ABC đang trong quá trình hoàn thành 2 nhà xưởng nhận nhiệm vụ cung cấp bánh mì đến hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng như các sân bay với chất lượng đồng nhất.

Tổng công trình sư các nhà xưởng này cũng là ông Kao. Giai đoạn xây thô, mỗi tháng ông đến thăm nom 1 lần. Còn hiện tại, công trình trong giai đoạn hoàn thiện chi tiết, nên đều như đi chợ, cứ 2-3 ngày, muộn nhất là 7 ngày, ông Kao đích thân đến xem xét một lần. Ông nói, mọi chi tiết thiết kế trong nhà xưởng đều do ông đồ từng nét mực, việc đặt một chiếc máy ở đâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cả dây chuyền.

Dự kiến tháng 3/2019, các nhà xưởng sẽ cho ra lò những ổ bánh mì nóng hổi, giòn rụm đầu tiên. Đối tác cũng có thể đến xem tận mắt, sờ tận tay, để đánh giá năng lực sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm của ABC.

“Quay lại quan điểm 3 năm trước, tôi vẫn chọn xây nhà xưởng thay vì cửa hàng bán lẻ, để đối tác tin tưởng chúng tôi làm thật, để họ yên tâm”, ông Kao Siêu Lực nói.

Bằng mọi việc, ông và ABC chứng tỏ sự nể trọng có được không chỉ là thành tích đã đạt, mà còn vì cách thức những thợ bánh hiếu kỳ đầy đam mê đạt được nó.

Nghề không bao giờ đói

Ông Kao Siêu Lực hết sức cởi mở khi nói về cách phát triển ABC sau cuộc chia tay với người vợ từng chung lưng đấu cật xây dựng thương hiệu bánh mì Đức Phát gần một thập kỷ trước. Từ “tình yêu” được ghép nối từ 7 chữ, thì “phản bội” cũng vậy.  Dù vậy, không thể coi đó là sự kết thúc của một quá trình phát triển, mà là sự khởi đầu cho một hành trình mới.

“Ở cái tuổi mà con cái đã trưởng thành, tưởng được nghỉ ngơi, tôi lại quay về như ngày xưa - bán từng chiếc bánh và góp nhặt từng đồng”, lời thổ lộ chạnh lòng của ông Kao sau lần khuỵ ngã ở thiên đường, ngay thời điểm hoàng kim của Đức Phát - nơi mà ông trở thành nạn nhân trong thành công của chính mình.

Sau thất bại ấy, ông trở nên thận trọng, cả với chính mình lẫn thợ cả hay thợ học việc trong ABC. Mọi giấy tờ đều được xem xét và cân nhắc cẩn thận khi chỉnh sửa, phê duyệt.

Chấp nhận thất bại đôi khi chỉ là dám nghe máy các cuộc gọi đến, dù đó là ai đi nữa. Ông Kao trung thực với bản thân, tiếp tục khởi nghiệp với sự ủng hộ từ 3 người con, cùng hàng chục người lao động trung thành.

Quá trình chuyển giao là bắt buộc. Ông Kao đã rời vạch xuất phát của quá trình chuyển giao từ vài năm nay, cho một nhóm khoảng 20 người mà ông đặt niềm tin.

“Tôi có thể quan sát họ có tình yêu với nghề làm bánh, cưng từng ổ bánh mì hay không. Ví dụ, nếu là người có trách nhiệm, tới giờ cơm nhưng họ vẫn canh lò, không để quá thời gian. Làm bánh là nghề không bao giờ đói”, ông Kao tin tưởng.

Và không thể vận hành doanh nghiệp hàng trăm ngàn người nếu thiếu sức trẻ, trí tuệ trẻ và lòng quả cảm của người trẻ. Nhưng, cỗ máy ấy có thể đi nhanh, xa và thẳng đường ra sao lại phụ thuộc vào ai là người điều khiển.

Rất nhiều người đề nghị mua ABC, nhưng với  điều kiện, ông Kao vẫn phải tiếp tục làm việc ở đây. “Sẽ là vô nghĩa nếu phải làm công ở ABC. Tôi biết họ muốn mua linh hồn, chứ không phải vỏ ngoài của ABC”, ông Kao hiểu rõ, thương hiệu người dẫn đầu ảnh hưởng đến giá trị công ty.

Các con của ông cũng đồng lòng: “Ba làm tới đâu, chúng con sẽ theo tới đó”.

Nghỉ hưu - chuyện này có vẻ đã lỗi thời với ông Kao Siêu Lực.

Thủy thủ giỏi là người đưa tàu vượt qua sóng gió

Trong ABC, ông là ai, thợ sản xuất bánh mì, thợ cơ khí, hay tay hòm chìa khoá?

Con gái lớn của tôi học ngoại giao, con gái thứ hai được đào tạo về tài chính. Con trai út theo tâm lý học và cũng tiếp thu rất nhanh công thức làm bánh. Chúng có thể hỗ trợ tôi rất nhiều.

Ngoài làm bánh, ông đam mê gì?

Tôi đam mê máy móc, 30% quỹ thời gian là ngồi trong nhà xưởng cơ khí. Có loại máy tôi đã cải cách 4 lần và sang năm 2019 là lần thứ 5, tốc độ hơn máy đặt mua, tiết kiện điệm ít nhất 60%. Hay chỉ thêm một vài chi tiết nhỏ thì máy sẽ tăng năng suất hơn 5%. Chúng tôi cũng có loại máy sản xuất 14.000 chiếc humburger một tiếng.

Khi làm được một chi tiết máy, hay tìm ra một công thức nuôi men thì tôi như được xông mạch máu. Vui sướng lắm, không thể tả được.

Chuyện tình cảm không vui trong quá khứ đã nhào nặn nên một Kao Siêu Lực với nhiều nghị lực?

Tôi chỉ xem đó là cơn gió bão, không ấm ức để đi tiếp. Thủy thủ giỏi là người đưa tàu vượt qua sóng gió, chứ không phải mãi neo đậu gần bờ.

Hồng Phúc/Báo Đầu tư

Bạn đang đọc bài viết "Thợ bánh Kao Siêu Lực và mẩu vỏ táo trong thùng rác" tại chuyên mục Doanh nhân.