Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm thuốc BVTV,... Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ở mức báo động, thậm chí một số nơi còn có hiện tượng nông dân 'nghiện' sử dụng thuốc BVTV.
Qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành bảo vệ thực vật (BVTV) góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017, trong đó, ngành trồng trọt chiếm tới 20 tỷ USD về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc BVTV là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Thậm chí, nhiều loại nông sản đã phải mang tiếng trên thi trường quốc tế vì có tồn dư thuốc trừ sâu quá mức cho phép.
Thực tế, thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2017, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016. Theo đó, nguồn nhập chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 52,6% tổng giá trị của mặt hàng này.
9 tháng đầu năm 2018, tuy lượng nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn chi tới 681 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 49,4% tổng giá trị nhập khẩu.
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV sử dụng trên cây trồng đang ở mức báo động (ảnh minh họa)
Trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.
Thống kê cũng cho thấy, chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm thuốc BVTV. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, càphê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây.
Tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - Định hướng và lộ trình thực hiện” diễn ra ngày 18/10, các chuyên gia trong ngành đều thừa nhận tình trạng sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng đang ở mức báo động. Thậm chí, có chuyên gia còn cho biết, một số nơi còn có hiện tượng nông dân “nghiện” sử dụng thuốc BVTV, “nghiện” sử dụng phân hóa học.
Cách đây không lâu, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát.
Loại bỏ thuốc BVTV độc hại
Cho đến nay, thuốc BVTV vẫn là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp. Gần như 100% các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại. Song, vấn đề đặt ra là việc quản lý thuốc BVTV như sử dụng loại nào, liều lượng sử dụng ra sao để đáp ứng với nhu cầu sản xuất, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), khẳng định, trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, việc tiếp tục rà soát, loại bỏ những loại thuốc BVTV độc hại là cần thiết.
Theo ông, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thuốc BVTV đã bộc lộ một số thách thức, cho phép đối tượng đăng ký thuốc BVTV quá rộng, quá trình gia hạn chưa thực sự rõ ràng, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm sinh học chưa đủ mạnh. Thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khâu, giám sát quá trình khảo nghiệm để đảm bảo những sản phẩm được đưa vào danh mục đảm bảo chất lượng tốt, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Ngày 28/8 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất (36 tên thương phẩm) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Các hoạt chất gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Trước đó, năm 2017, Bộ NN PTNT cũng đã tiến hành loại bỏ 7 hoạt chất khỏi danh mục. Như vậy, sẽ có 1.060 tên thương phẩm bị loại ra khỏi danh mục.
Chia sẻ về đề án quản lý thuốc BVTV, từ nay đến năm 2020 cố gắng sử dụng khoảng 30% sản phẩm thuốc BVTV sinh học, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng đó là một con số cực kỳ thách thức.
Theo ông Lộc, thách thức không riêng ai cả mà cả cộng đồng xã hội. Nhà nước đã quyết tâm, thì các doanh nghiệp cũng sẽ quyết tâm thực hiện. Đó không phải là mệnh lệnh hành chính mà là mệnh lệnh của lương tâm.
Trong khi đó, bà Lê Thị Khánh Hòa - Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam - chia sẻ: “Đồng hành cùng cơ quan chức năng, chúng tôi chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm loại bỏ và hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc đã lỗi thời, hiệu lực kém, chuẩn an toàn thấp và coi đây là một trong các giải pháp phù hợp trong tình hình hiện tại nhằm tinh giảm lại danh mục các loại thuốc BVTV đang lưu hành”.
Hai năm trở lại đây, các công ty thành viên của Croplife đã chủ động rút đăng ký của trên 100 các sản phẩm thuốc BVTV ra khỏi danh mục thuốc BVTV tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp BVTV tiên tiên thế hệ mới, như biện pháp BVTV sinh học trong kiểm soát tuyến trùng, xử lý hạt giống,...
Bảo Phương
Theo Vietnamnet