Theo quy định mới, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines sẽ có mức lương kế hoạch tối đa 140 triệu đồng/tháng. Lương thực nhận sẽ tăng thêm 2% với mỗi 1% lợi nhuận vượt kế hoạch.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh và Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Hoàng Hà.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Vietnam Airlines nằm trong số 3 tập đoàn thực hiện thí điểm này.
Theo đó, với quy mô của Vietnam Airlines, mức lương cơ bản đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ là 70 triệu đồng/tháng, đối với Thành viên HĐQT, Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng và đối với kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng.
Nới trần phần lương tăng thêm từ 20% lên 200%
Phương án thí điểm sẽ xác định mức lương cho lãnh đạo hãng bay theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề.
Điều này đồng nghĩa, nếu kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines thuận lợi hơn kế hoạch, mức tiền lương kế hoạch của lãnh đạo hãng sẽ tối đa bằng 2 lần mức lương cơ bản.
Với chức danh như Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Ngọc Minh, lương kế hoạch tối đa được hưởng là 140 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, các thành viên HĐQT của Vietnam Airlines sẽ có mức lương kế hoạch tối đa là 120 triệu đồng/tháng.
Trước khi thực hiện đề án thí điểm trên, lương kế hoạch bình quân của các thành viên HĐQT chuyên trách Vietnam Airlines trước thí điểm, là 126 triệu đồng/tháng trong 2 năm gần nhất 2018-2019.
Trong trường hợp hãng kinh doanh không đạt kế hoạch nhưng vẫn có lợi nhuận, lương kế hoạch của thành viên HĐQT hãng bay sẽ được tính bằng 2 lần lương cơ bản nhân với tương quan lợi nhuận so với năm liền kề gần nhất. Lấy ví dụ, lợi nhuận của Vietnam Airlines năm 2020 nếu đạt 90% so với 2019, lương dành cho Chủ tịch HĐQT sẽ vào khoảng 126 triệu đồng/tháng.
Với trường hợp hãng kinh doanh hòa vốn, mức lương dành cho các lãnh đạo tối đa sẽ bằng 50% mức lương cơ bản, giảm còn 35 triệu đồng/tháng với chức danh Chủ tịch HĐQT. Nếu hãng lỗ, mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% mức lương cơ bản, giảm còn 21 triệu đồng/tháng với chức danh chủ tịch HĐQT.
Dựa trên mức tiền lương kế hoạch, mức tiền lương thực hiện sẽ căn cứ vào lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận kế hoạch.
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch, tiền lương của Chủ tịch và Thành viên HĐQT Vietnam Airlines tăng thêm theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận so với kế hoạch, tiền lương tăng thêm 2% nhưng tối đa bằng 2 tháng tiền lương kế hoạch.
Như vậy, tiền lương tối đa của Chủ tịch Vietnam Airlines có thể thực nhận là 420 triệu đồng/tháng nếu hãng hàng không vượt kế hoạch lợi nhuận 100% trở lên.
Trong khi đó, với quy định cũ trước đây, mức lương trần mỗi tháng của lãnh đạo Vietnam Airlines là 151 triệu đồng do phần tiền lương tăng thêm không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch là 126 triệu đồng/tháng.
Mức tiền thưởng với các thành viên HĐQT hãng hàng không quốc gia được trích theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau khi hoàn thành nghĩa vụ với các cổ đông và không quá 2 tháng lương, thù lao.
Với tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, mức tiền lương, thưởng sẽ do HĐQT đánh giá, quyết định. Trong đó, tiền lương, thưởng của tổng giám đốc không quá 7 lần so với lương, thưởng bình quân của người lao động.
Thu nhập sếp Vietnam Airlines trước đây so với Vietjet
Năm 2018, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành có tổng lương, thưởng là 2 tỷ đồng theo số liệu hạch toán trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của CEO Vietnam Airlines khoảng gần 170 triệu đồng. Con số này tương tự với mức cùng kỳ 2017.
Với các thành viên khác trong ban giám đốc, tổng tiền lương và thưởng năm 2018 là 8,1 tỷ đồng cho 8 người. Bình quân mỗi phó tổng giám đốc cùng kế toán trưởng của Vietnam Airlines nhận thu nhập khoảng 85 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tổng mức chi tiền lương năm 2018 cho các thành viên HĐQT chuyên trách của Vietnam Airlines là 5,4 tỷ đồng. Trong tài liệu họp đại hội cổ đông, Vietnam Airlines cho biết số thành viên HĐQT chuyên trách thực tế nhận lương năm 2018 là 3 người, bình quân mỗi người nhận 151 triệu đồng/tháng.
Cùng năm 2018, Hãng hàng không Vietjet Air chi tổng lương, thưởng và thù lao cho 6 thành viên HĐQT bao gồm cả Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo là 16,6 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi thành viên HĐQT của Vietjet nhận thu nhập 230 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tổng lương, thưởng cho 9 thành viên ban giám đốc của Vietjet trong năm 2018 là 13,6 tỷ đồng. Trung bình mỗi phó tổng giám đốc của Vietjet hưởng thu nhập 126 triệu đồng/tháng.
Do cả Vietnam Airlines và Vietjet chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cũng như báo cáo thường niên năm 2019 nên con số tổng chi thu nhập cho ban lãnh đạo, ban điều hành hai hãng không năm vừa qua chưa được tiết lộ.
Ngô Minh- Việt Đức/Theo Zing News