Mỹ cho rằng Trung Quốc âm mưu lừa dối nhằm đánh cắp cơ hội việc làm của người Mỹ, nhưng thực ra "thủ phạm" chính là thuế quan ông đã áp dụng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khi Trung Quốc phát triển, các chính trị gia thường cáo buộc nước này "không thực hiện những quy tắc chung". Ông Trump thì khác. Ông không quá băn khoăn về những quy tắc. Ông nói rằng, ông không đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã đặt lợi ích quốc lên đầu và đánh cắp cơ hội việc làm của người Mỹ. Ngài Tổng thống đổ lỗi cho những người tiền nhiệm đã cổ xuý cho các hành vi trộm cắp đó.
Lịch sử sẽ không lặp lại
Khi giới kinh doanh và hoạch định chính sách của Trung Quốc suy ngẫm về cuộc chiến thương mại, không có gì lạ khi nghe ông Trump được miêu tả là một doanh nhân thực dụng với sự kiểm soát của một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế điên cuồng. Thực tế, thương mại là một trong số ít những vấn đề về chính sách mà ông Trump có niềm tin cố định khi lên nắm quyền, tư duy được tạo ra từ những năm 1980 khi Mỹ căng thẳng thương mại với Nhật Bản và Đức. Ngược lại, nội bộ của ông Trump đã rất nhiều lần tranh cãi về chính sách thương mại, đôi khi còn "đến tai" các nhà đàm phán Trung Quốc khiến họ choáng váng.
Các quan chức ở Trung Quốc có một chút ám ảnh bởi cố vấn thương mại chính của Tổng thống, Peter Navarro, một học giả khó tính muốn tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, ảnh hưởng của ông Navarro đã bị hạn chế. Quyền hạn chính của ông là đại diện cho quan điểm của thế giới của các thành viên đảng Dân chủ - những người ông Trump muốn họ ủng hộ trong cuộc tái tranh cử.
Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, lớn lên ở một thị trấn với đoạn đường sắt xuống cấp và coi việc chiến đấu bảo vệ công nhân là một hành động cần thiết của chính phủ. Từ trước, ông đã có kinh nghiệm đàm phán với Nhật Bản dưới thời chính quyền Reagan. Điều hợp nhất nhóm quan chức này là một câu chuyện chung: rằng Trung Quốc đã âm mưu lừa đối nhằm đánh cắp cơ hội việc làm của người Mỹ và những công việc đó có thể được đưa về quê nhà họ bằng cách sử dụng sức ép đủ lớn, giống như những gì đã xảy ra với Nhật Bản 2 thế hệ trước.
Trước đây, Nhật Bản và Đức đã làm nguôi cơn giận của Mỹ bằng cách tăng giá đồng yen và D-mark so với đồng USD, khiến hàng hoá Mỹ có sức cạnh tranh hơn. Nhật Bản bị ép phải tự nguyện hạn chế xuất khẩu mọi thứ từ hàng dệt may cho tới ô tô. Hành động mang tính xây dựng hơn là các công ty Nhật Bản đã mở những nhà máy ô tô tại Mỹ, mang theo nhà quản lý chất lượng của họ sang.
Dẫu vậy, điều đó không thể áp dụng với Trung Quốc và lịch sử sẽ không lặp lại. Một mặt, Trung Quốc sẽ không để đồng nội tệ tăng vọt lên 50% so với đồng USD. Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô hoặc công ty viễn thông lớn như Huawei cũng không được Mỹ "đón chào", nơi họ bị buộc tội ăn cắp công nghệ và đe doạ an ninh quốc gia.
Các nhân sự của ông Trump cũng không thừa nhận logic của chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan điểm phổ biến từ trước tới nay về cơ hội việc làm của Mỹ bị "di dời" sang Trung Quốc đã nhấn mạnh những âm mưu của Trung Quốc và coi nhẹ vai trò của các công ty đa quốc gia từ châu Á và hơn thế nữa. Trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất cấp thấp, các lực lượng toàn cầu hoá đã đưa việc làm đến với Trung Quốc, bởi nơi đây có mức lương rẻ, đất rẻ và ưu đã thuế. Các công ty nước ngoài đã đạo tào những nhà quản lý Trung Quốc để vận hành các nhà máy đạt chất lượng xuất khẩu.
Giờ đây, khi mức lương của Trung Quốc tăng và thuế quan ông Trump tạo ra những rủi ro chính trị không thể kiểm soát, các công việc thuộc nhóm ngành sản xuất lại rời Trung Quốc sau 30 năm, hướng đến khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác. Hiểu đúng lịch sử là điều quan trọng, bởi quan điểm về thương mại của ông Trump lại nhìn vào quá khứ quá nhiều. Douglas Paal, người nắm giữ những vị trí hàng đầu về châu Á dưới chính quyền Reagan và Bush "cha", nhận thấy khiếm khuyết trong mọi cuộc chiến dựa trên luật thương mại: "Cấu trúc này không cho phép các ngành công nghiệp trong tương lai được 'lên tiếng' ".
Đôi khi, số phận của một ngành công nghiệp tổng kết cả một thời đại
Những năm 1970, các nhà máy của Mỹ sản xuất hơn 15 triệu chiếc xe đạp mỗi năm. Còn ngày nay, hơn 95% xe đoạ của Mỹ đều được nhập khẩu, hầu hết là từ Trung Quốc. Họ sử dụng công nghệ đã có từ hàng thập kỷ trước, nhưng chính quyền ông Trump đã sử dụng những quyền hạn đặc biệt trong "Mục 301", nhằm bảo vệ tìa sản trí tuệ quý giá nhất, để áp thuế 10% đối với xe đạp Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, đã tăng lên mức 25% vào ngày 10/5.
Đối với ai muốn tìm bằng chứng cho thấy cuộc chiến thương mại đem lại lợi ích cho công nhân Mỹ, thì quầy bán xe đạp của Walmart Supercentre ở Moiline, bang Illinois, có vẻ là một ví dụ hợp lý. Bên cạnh các khu xe của Trung Quốc, họ cũng trưng bày loại xe địa hình có logo hình khiên của Tập đoàn Xe đạp Mỹ (BCA) và kèm mác có khẩu hiệu: "Đưa công việc trở lại với nước Mỹ!", với địa chỉ là một nhà máy ở Nam Carolina.
Gian hàng này của Walmart đang gây ra sự hiểu lầm. Arnold Kamler, CEO của Kent - công ty đã bán khoảng 3 triệu xe đạp mỗi năm cho Walmart, Target và các nhà bán lẻ khác, nói về điều này. Ông nhớ lại, vào cuối những năm 1980, xe đạp "made in China" được bán ở Mỹ với mức giá rẻ không ngờ, sau đó còn giảm giá 5-10% mỗi năm. Kent đã đóng cửa nhà máy ở New Jersey vào năm 1991. Vài năm sau, các công ty sản xuất xe đạp của Mỹ còn lại đã nộp đơn xin áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Trung Quốc. Cơ quan quản lý thương mại từ chối. "Khi ấy, Mỹ đang cố gắng gây thiện cảm với Trung Quốc", ông Kalmer cho hay. Thoạt nhìn có vẻ như câu chuyện của ông Trump kể về hành vi gian lận của Trung Quốc và tính thụ động của người Mỹ. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy, và chuyến đi tới đồng bằng Dương Tử đã cho thấy.
Hầu hết xe đạp của Kent được sản xuất tại Côn Sơn - gần Thượng Hải, bởi nhà thầu Shanghai General Sports. Cơ sở này được Ge Lei điều hành, một người 43 tuổi dễ gần. Đứng đầu công ty là cha ông - Ge Yali - người điều hành một nhà máy xe đạp thuộc sở hữu nhà nước vào những năm 1980. Theo Ge Lei, Côn Sơn ghi nhận sự phát triển là nhờ các nhà máy Đài Loan và Nhật Bản đã thay đổi các tiêu chuẩn sản xuất. Nếu những người ủng hộ ông Trump xuất hiện ở phòng họp của gia đình Ge tại Côn Sơn, họ có thể rất muốn những chiếc xe của BCA tới "quét sạch" chúng.
Tuy nhiên, BCA lại là công ty con của Kent. Công ty này được Kamler mở vào năm 2014, sau khi Walmart cho khởi động chiến dịch mua hàng Mỹ. Thay vì làm xe đạp từ đầu, BCA lắp ráp và sơn khung xe cùng các bộ phận nhập khẩu, nhiều trong số đó đến từ Côn Sơn. Vài năm trước, gia đình Ge đã mua lại 49% của Kent. Nói một cách khác, tinh thần yêu nước ấy có một nửa là của người Trung Quốc.
Có một tin xấu cho những người ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trước tiên". Bởi thuế quan ông Trump đã được áp dụng với xe đạp và linh kiện, họ đã phải tăng chi phí sản xuất của Kent và BCA lên 20 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, khoản thuế đối với thép và nhôm đã gây ản hưởng nặng nề tới mức các kế hoạch mở rộng BCA đang bị trị hoãn, làm mất việc làm của người Mỹ.
Năm 2015, Thống đốc bang Nam Carolina, Nikki Haley, đã tổ chức một cuộc gặp với các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc và Đài Loan tại nhà máy của BCA, kêu gọi họ mở chi nhánh tại bang này để tạo tổ hợp sản xuất xe đạp. Ông Kamler nói với các nhà cung cấp Trung Quốc nên thấy rằng sản xuất công nghệ thấp ở Mỹ có mang lại lợi nhuận. Ông thở dài: "Tiếc là việc ấy lại không thành công." BCA đã lắp ráp 310.000 xe đạp vào năm ngoái và ông Kamler tin rằng sản lượng thấp đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc chán nản. Ge Lei nhận thấy một vấn đề sâu sắc hơn. Ngay cả đã bỏ qua chi phí lao động, ông vẫn nghĩ r Mỹ đã quên cách điều hành các nhà máy thâm dụng lao động.
Thay vào đó, Ge đang xây dựng một nhà máy ở Campuchia, tìm kiếm mức lương thấp hơn. Xe đạp sản xuất ở đây sẽ không phải chịu thuế quan ông Trump khi họ giao tới Moline và Walmart. Mỗi công nhân Campuchia của Ge sẽ học được một điều mà ông Trump không thừa nhận: thuế quan hiếm khi có hiệu quả như mong muốn.
theo Economist