Sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến TTCK và các ngân hàng Trung Quốc trên khắp thế giới "sục sôi". Tuy nhiên, tin xấu là trong khi Tổng thống Trump đã sử dụng 2 loại vũ khí lớn vào tuần trước - đó là áp thuế với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc và dán nhãn thao túng tiền tệ cho nước này, thì kho vũ khí của ông vẫn chưa cạn kiệt.
Đòn đáp trả tiếp theo mà ông Trump có thể thực hiện là vũ khí hoá đồng USD - đồng tiền được dự trữ nhiều nhất trên thế giới. Trong một loạt những dòng tweet chia sẻ hôm thứ Năm, ông đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất và làm suy yếu đồng USD để mang lại lợi thế xuất khẩu cho Mỹ. Điều này loại bỏ hoàn toàn một thoả thuận chung kéo dài mà ông Trump vừa ký khoảng vài tuần trước với những nền kinh tế lớn tại Hội nghị G-20, đó là không cho phép đồng nội tệ yếu đi nhằm tăng sự cạnh tranh.
Tác động vào đồng nội tệ
Bên trong Nhà Trắng, những người mang quan điểm "diều hâu" đã thúc đẩy sự can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ của Bộ Tài chính, họ chỉ ra rằng ngành sản xuất của Mỹ đã chậm lại - điều mà nhiều nhà kinh tế lập luận nguyên nhân đến từ thuế quan ông Trump áp đặt và những bất ổn xung quanh cuộc chiến với Trung Quốc.
Hiệu quả của sự can thiệp vào đồng nội tệ hay việc Fed hạ lãi suất sẽ không hề rõ ràng. Ngay cả khi Fed chấp nhận can thiệp như trước đây và sử dụng quỹ Ngân khố thì 180 tỷ USD được bơm vào thị trường ngoại hối toàn cầu 5 nghìn tỷ USD có thể cũng chỉ mang lại hiệu quả hạn chế. Hơn nữa, việc này cũng khiến tâm lý thị trường lung lay và tạo hậu quả về lâu dài đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi ngài tổng thống và thị trường đang tập trung vào động thái can thiệp đối với đồng tiền tệ, thì vẫn có một khoảng cách xa đối với loại vũ khi cuối cùng mà ông có, theo các cựu và quan chức Mỹ đương nhiệm, cố vấn cho chính quyền và các nhà phân tích.
Gary Hufbauer, chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: "Ông ấy chỉ chăm chăm vào những biện pháp có thể được sử dụng để phản đòn Trung Quốc." Hufbauer là một trong những nhà phân tích đầu tiên chỉ ra những biện pháp thuế quan mà ông Trump có trong tay ở chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Vũ khí quen thuộc: thuế quan
Ông Trump có thể tái sử dụng loại vũ khí ưa thích, đó là thuế quan, và tăng mối đe doạ gấp đôi đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, hoặc 300 tỷ USD giá trị hàng hoá giao thương hàng năm, bằng cách nâng mức thuế vừa đặt ra tuần trước từ 10% lên 25%. Vào thời điểm ông Trump tập trung chú ý vào những biện pháp với đồng tiền tệ, điều trớ trêu là động thái đó có thể làm suy yếu đồng NDT, do đó sẽ khiến nỗ lực hạ giá đồng USD của ông Trump bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Trump đã lấy lý do Trung Quốc thao túng tiền tệ để áp thuế trước đây.
Một đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ, cho phép các công ty yêu cầu về những khoản thuế có mục đích đối với hàng hoá Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi từ quyên bố cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính. Và nếu đề xuất này được thực hiện thì một loạt các công ty sẽ yêu cầu áp thuế để phòng và trả đũa sẽ xuất hiện.
Nâng rào cản khi hợp tác với các nhà cung ứng, sử dụng công nghệ của Mỹ
Quan trọng hơn cả, Hufbauer lập luận rằng chính quyền ông Trump có thể nâng rào cản đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hoặc nhắm vào nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc bằng cách rút lại quy định miễn trừ - vốn cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu từ Iran và Venezuela.
Ông Trump đã nói rằng việc nới lỏng hạn chế trong hoạt động kinh doanh với Huawei vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, Nhà Trắng hiện đang hoãn lại quyết định cấp giấy phép cho các công ty Mỹ hợp tác trở lại với Huawei, sau khi Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ.
Những cựu và quan chức hiện tại cũng cảnh báo về những hạn chế và chính sách xuất khẩu khác nhằm vào Trung Quốc. Những chính sách này vẫn đang tạm ngừng một thời gian hoặc trì hoãn khi ông Trump đang tiến đến một thoả thuận và sắp tới có thể được áp dụng trở lại.
Bộ Thương mại cũng đang nghiên cứu về những hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu của những ngành công nghiệp mới nổi như robot và AI, các nhà sản xuất được yêu cầu có giấy phép đặc biệt để xuất khẩu sang các nơi như Trung Quốc. Quá trình cập nhật danh sách những công nghệ được kiểm soát đã tiến hành và có thể sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay.
Ngoài ra, có nhiều dự luật lưỡng đảng tại Quốc hội mà ông Trump có thể đưa chúng quay trở lại, ví dụ như một dự luật được đưa ra gần đây yêu cầu Fed quản lý giá trị đồng USD nhằm mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Mỹ và áp thuế đối với dòng vốn chảy vào, cũng như các quy định khác từ chối những công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ. Ngoài ra, một dự luật nữa cũng đang xem xét được lưu hành đó là cấm hoàn toàn Huawei và ZTE hợp tác với các nhà cung ứng Mỹ.
Rủi ro có thể xảy đến
Michael Pillsbury, một cố vấn không thường xuyên của chính quyền ông Trump, khẳng định rằng trong khi ông Trump "có nhiều loại súng hơn" thì ông ấy cũng có quan điểm thực dụng hơn so với những trợ lý và sẵn sàng từ bỏ thoả thuận.
Pillsbury lập luận, áp lực mà ông Trump tạo ra đã khiến Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ, có thể kể đến việc Bắc Kinh triển khai các toà án về sở hữu trí tuệ mới. Ông cho rằng việc xây dựng nên một thoả thuận, tạo ra những thứ to lớn hơn như tạo điều kiện thâm nhập vào thị trường Trung Quốc cho các công ty đầu tư Mỹ và mua thêm nông sản Mỹ để hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, ban đầu sẽ có lợi ích cho cả ông Trump và ông Tập. Điều đó có thể khiến những chủ đề "khó nhằn" như việc Mỹ thúc đẩy Trung Quốc giảm sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước và những cải cách kinh tế khác được tạm đưa ra khỏi bàn đàm phán.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thân cận với chính quyền lại nhận thấy việc đó là rủi ro. Động thái như vậy có thể đẩy ông Trump vào một thoả thuận ngắn hạn tồi tệ với Mỹ. Một kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra hơn là ông Trump tạm ngừng tấn công Trung Quốc khi thếu quan đã được áp dụng cho toàn bộ hàng hoá của nước này và cho các doanh nghiệp sự chắc chắn về bối cảnh thay vì tập trung vào một thoả thuận.
theo Bloomberg