Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Thương hiệu Việt vang bóng một thời: Từ vị thế số một và cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

27/08/2019 12:19

Sai lầm và hạn chế trong năng lực quản trị của lãnh đạo đã khiến CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) từ vị thế đứng đầu ngành đã rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần, lãnh đạo sáng lập bị khởi tố.

"Ông giáo" Trường Thành

Gỗ Trường Thành được thành lập năm 1993 tại Đắk Lắk bởi doanh nhân Võ Trường Thành, ban đầu chỉ có vỏn vẹn 30 công nhân. Cái duyên đến với ngành gỗ của vị doanh nhân sinh năm 1958 này rất tình cờ. Ông từng là giáo viên dạy toán ở Bình Định nhưng tình thế thay đổi, cuộc sống ở quê trở nên khó khăn buộc ông phải vào Sài Gòn sinh sống rồi tham gia Thanh niên xung phong. Ở độ tuổi trẻ nhất, ông đã trở thành Giám đốc của lực lượng này. Nhưng không lâu sau đó, vì sự cố cá nhân, ông rời Thanh niên xung phong và bắt đầu khởi nghiệp.

Bằng số vốn ít ỏi trong tay nhưng may mắn gặp thời, ông mua được một công ty nhà nước thua lỗ với giá rất rẻ và phát triển nó thành doanh nghiệp ngành gỗ, lấy tên Gỗ Trường Thành.

Vào năm 2000, ông Võ Trường Thành đã tạo được dấu ấn lớn trong sự nghiệp của mình khi trở thành doanh nhân đầu tiên mua lại được một công ty nước ngoài ở Bình Dương, mở ra một thời kỳ huy hoàng của doanh nghiệp ngành gỗ.

Sự nghiệp của vị doanh nhân họ Võ lên như diều gặp gió khi bắt đầu từ năm 2005, TTF liên tục đạt kết quả kinh doanh tốt. Cụ thể trong 3 năm, từ 2005 - 2007, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của TTF đều tăng trưởng mạnh và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Không những thế, Gỗ Trường Thành còn vươn xa hơn khi hợp tác với OJI Paper - Tập đoàn sản xuất giấy hàng đầu Nhật Bản để thực hiện dự án trồng rừng có quy mô hơn 17 nghìn héc ta tại Phú Yên. Ông Thành từng cho biết đây là dự án rất lớn và khi đi vào thu hoạch có thể mang lại lợi nhuận cho TTF cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

duong-ve-xa-xoi-cua-go-truong-thanh1537273416

Bên trong nhà máy sản xuất Gỗ Trường Thành (ảnh minh họa).

Ngã quỵ

Đang trên đà tăng trưởng lại nắm trong tay nhiều dự án được kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao, những tưởng Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục “phất” lên. Nhưng câu chuyện lại đi theo một chiều hướng khác khi sự hạn chế trong năng lực quản trị của lãnh đạo đã đẩy doanh nghiệp này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến TTF chịu mất mát khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. Khách hàng không còn chuộng sản phẩm đắt đỏ, mà quay sang lựa chọn các dòng rẻ tiền hơn, khiến TTF bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường, và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.

Với Trường Thành, vấn đề không dừng lại ở đó, mà còn là hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản, y tế, thủy sản... trong năm 2008 và đều đặn chi tiền tỷ để đầu tư vào kênh này trong những năm tiếp theo.

Đầu tư ngoài ngành với số tiền lớn trong nhiều năm nhưng chưa thể ghi nhận nguồn thu, Gỗ Trường Thành rơi vào cảnh nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn.

Vào giữa năm 2013, lượng tiền mặt của công ty lúc ấy chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng nhưng phải chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có áp lực biến động tăng gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần của lãi suất tiền vay từ các ngân hàng.

Đến năm 2014, tình hình tại TTF phần nào ổn định hơn, với nỗi lo về dòng tiền cơ bản được khắc phục. Những tưởng đây là bước đệm để doanh nghiệp của ông Võ Trường Thành nhanh chóng phục hồi, song những gì đen tối nhất còn ở phía trước.

Tháng 8/2016, hãng kiểm toán uy tín Ernst & Young công bố TTF thiếu hụt hàng tồn kho lên tới 980 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ tương ứng. TTF nhanh chóng chìm trong khủng hoảng, cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư Tân Liên Phát cũng huỷ bỏ cam kết hoán đổi 1.200 tỷ đồng nợ vay thành cổ phần.

Sau đó không lâu, Hội đồng quản trị công ty này đã ra quyết định bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi chiếc ghế Chủ tịch với lý do không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ trên cương vị nắm giữ. Dấu chấm hết cho sự nghiệp của "vua" gỗ diễn ra vào tháng 6/2018 khi hai cha con ông bị khởi tố về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán".

Sự xuất hiện của bộ đôi doanh nhân Mai Hữu Tín - Võ Quốc Thắng

Sau sự sa cơ của cha con ông Thành, nhiều nhà đầu tư đã tham gia tìm cách giải cứu TTF, bởi suy cho cùng gỗ vẫn là ngành nghề quan trọng của Việt Nam với tiềm năng không hề nhỏ. Bản thân Gỗ Trường Thành lại là doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong ngành, có hệ thống nguồn cung và tập dữ liệu khách hàng lâu năm.

Vào giữa năm 2017, CTCP Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín bắt đầu gom cổ phiếu TTF. Vị trí Tổng giám đốc sau đó được ông Mai Hữu Tín đảm nhiệm, còn Chủ tịch HĐQT do ông Hồ Anh Dũng thay thế.

Sau đấy đến cuối năm 2017, CTCP SAM Holdings chi 147 tỷ đồng mua vào 20,8 triệu cổ phiếu TFF và trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau U&I. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn SAM Holdings lại nhanh chóng rút lui khi bán đi lượng lớn cổ phần vào tháng 4/2018.

Cơ cấu cổ đông của TTF tiếp tục có sự thay đổi sau khi công ty này hoàn tất đợt phát hành 96,6 triệu cổ phiếu hoán đổi cho Công ty Sứ Thiên Thanh vào ngày 20/5/2019. Sau động thái này, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 2.146 tỷ đồng lên 3.112 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại.

Được biết, Sứ Thiên Thanh là công ty thuộc CTCP Đồng Tâm do ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) làm Chủ tịch HĐQT. Như vậy, sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại Gỗ Trường Thành đạt gần 14,6% và trở thành cổ đông lớn nhất, xếp thứ hai là U&I với tỷ lệ nắm giữ 9,32%.

Sau động thái này, Ban quản trị công ty cũng có sự thay đổi khi ông Mai Hữu Tín được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và ông Võ Quốc Lợi (con trai Bầu Thắng) được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT công ty.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Mai Hữu Tín cho biết sẽ sớm đổi tên công ty thành Total Furniture và đặt tham vọng đưa TTF trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á. Ở động thái mới nhất, gần đây công ty đã và đang tiến hành đàm phán với một số đối tác nhằm mục đích dành gần 20.000 m2 đất xưởng hiện có để chuyên làm hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Sự tham gia của các “ông lớn” vào quá trình tái cơ cấu này được kỳ vọng sẽ giúp cho Gỗ Trường Thành nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên bộ đôi doanh nhân tiếng tăm Võ Quốc Thắng - Mai Hữu Tín sẽ còn phải cố gắng rất nhiều, bởi "đống đổ nát" ở TTF không dễ gì xử lý trong ngày một ngày hai. Quý 2/2019, TTF ghi nhận khoản lỗ sau thuế 291 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế lên 2.408 tỷ đồng, tương đương 2/3 vốn điều lệ

Nhà đầu tư.