Tuy tiền tiết kiệm không thể giúp chúng ta trở thành triệu phú hay tỷ phú được, nhưng đó sẽ là nguồn dũng khí, là quỹ bảo hiểm để được quyết định lựa chọn của chính mình.
Giáo dục, y tế, văn hóa là ba vấn đề chính mà người hiện đại nào cũng quan tâm và dành cả cuộc đời để phấn đấu. Tuy nhiên, với những người trẻ của thế kỷ bây giờ, họ còn phải đối mặt thêm ba vấn đề đau đầu nữa đó chính là: rỗng ví, độc thân và rụng tóc.
Điều đáng sợ nhất đó chính là ba vấn đề sau lại luôn đi cùng với nhau như một vòng tuần hoàn không có hồi kết. Bởi vì nghèo cho nên càng phải nỗ lực kiếm tiền, càng không có thời gian để tìm người yêu. Vừa cô đơn, vừa rỗng ví, không tránh khỏi những lo âu và suy nghĩ, chúng ta rất dễ mắc stress và rụng tóc ngày càng nhiều.
Chung quy lại, nhiều người cho rằng nguyên do nằm ở thu nhập ít ỏi của mình. Nhưng nhìn sang những người đồng hành cùng trang lứa khác, đại đa số đều có mức thu nhập ngang nhau nhưng có sinh hoạt hoàn toàn khác nhau. Vấn đề ở đây không phải do đồng lương thu vào là bao nhiêu mà thật ra, tiêu chuẩn duy nhất để quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta đó chính là số tiền tiết kiệm.
1. Có tiền tiết kiệm chính là có quyền lựa chọn cho bản thân.
Có hai sinh viên vừa tốt nghiệp quyết định cùng nhau bỏ tiền túi ra đi du lịch một lần để lưu lại những kỉ niệm của thời đại học. Do tiền tiết kiệm từ trong quá trình học tập và sinh hoạt không còn bao nhiêu, thay vì đăng ký một tour du lịch nghỉ dưỡng, họ chỉ có thể tìm tới những cơ sở nhỏ hơn, mất tiền ít hơn.
Xoay sở mãi mới tìm được một hành trình năm ngày bốn đêm ở một thành phố khác, họ vui mừng dắt tay nhau lên máy bay mà không ngờ thời gian tới đây, bản thân chỉ được ngủ trong những khách sạn tồi tàn cũ kỹ, ăn đồ bình dân bữa đói bữa no, đi tham quan không khác gì đi dã chiến, ngồi chưa ấm chỗ đã bị hướng dẫn viên thúc giục không ngừng. Kết thúc hành trình du lịch đó, khoảnh khắc vui sướng họ không tích góp được bao nhiêu nhưng những ký ức mệt mỏi, chán nản và thất vọng thì kéo dài đến rất nhiều ngày sau đó. Hai sinh viên mới quay ra nhìn nhau mà than thở: "Biết thế thì tiết kiệm nhiều tiền hơn nữa rồi hãy đi du lịch."
Kỳ thực, đạo lý "tiền nào của nấy" thì ai cũng biết. Giá càng rẻ thì chất lượng càng khó kiểm soát hơn nhưng chính vì bản thân không có đủ tiền tiết kiệm để phục vụ cho mục đích đó, chúng ta cũng đồng thời đánh mất quyền lựa chọn của chính mình. Giống như hai sinh viên phải nhắm mắt đưa chân kia, đâu phải họ không biết những tour du lịch giá rẻ khó lòng đảm bảo chất lượng dịch vụ nhưng không có nhiều tiền hơn, họ cũng chẳng có quyền mà lựa chọn những dịch vụ tốt hơn cho mình.
2. Càng tiết kiệm tiền, chúng ta càng có thể học được cách tiêu dùng hợp lý.
Tiết kiệm không có nghĩa là chúng ta nhét toàn bộ số tiền thừa trong ví vào lợn đất là xong. Quá trình này yêu cầu chúng ta phải có một kế hoạch cụ thể, có mục tiêu đề ra và có phương thức chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt mỗi ngày. Từ đó, chúng ta sẽ tính toán được một số khoản chi không cần thiết và cắt giảm chúng để biến số tiền đó trở thành tiền tiết kiệm. Hành động này được lặp đi lặp lại không ngừng sẽ hình thành một thói quen tiêu dùng hợp lý, phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của chúng ta.
Lấy ví dụ một nữ nhân viên văn phòng có thu nhập một tháng 7 triệu đồng. Do nghĩ bản thân mình còn trẻ, cô không có ý định tiết kiệm tiền, muốn mua gì thì mua đó, muốn chơi gì thì chơi đó. Tiền cà phê, trà sữa, xem phim, mua sắm quần áo có thể không quá nhiều nhưng do không được tiết chế và quản lý đàng hoàng, cho nên, dù mỗi tháng nhận được bao nhiêu tiền lương, cô nhân viên này vẫn tiêu hết sạch. Đến một ngày bản thân bệnh nặng phải vào viện, cần chi trả tiền thuốc men và viện phí đắt đỏ, cô mới giật mình chạy vạy khắp nơi để vay mượn.
Qua đó, có thể thấy rằng, với người có thu nhập không cao, lại không biết cách tiết kiệm thì chất lượng cuộc sống thường chỉ dừng ở mức thấp mà thôi. Nếu mỗi tháng chúng ta mua năm bộ quần áo, mỗi hộ vài trăm ngàn thì cũng không thể bằng việc chúng ta tiết kiệm cả tháng, chỉ mua một bộ quần áo tiền triệu. Cùng một số tiền bỏ ra tương đương nhau nhưng bất luận là chất lượng, thương hiệu, hay giá trị đều có sự khác biệt rất lớn.
Chính vì thế, muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt của mình, ngoại trừ tăng thêm thu nhập, chúng ta càng cần có thói quen tiêu dùng hợp lý, biết cách tiết kiệm và chi tiêu khôn ngoan nhất. Khi tư duy tiết kiệm trở thành thói quen hằng ngày, chúng ta sẽ tự động quản lý chi tiêu, kiểm soát những nhu cầu không cần thiết của bản thân.
3. Tiền tiết kiệm cũng là một loại "bảo hiểm".
Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều vấn đề, rắc rối phải giải quyết. Đó có thể là tranh chấp với cha mẹ, không hòa thuận với chồng con, hoặc bị cấp trên chèn ép, bị đồng nghiệp xa lánh ở công ty... Nhưng tại mỗi thời điểm như đó, việc chúng ta lựa chọn nhường nhịn hay sẽ quyết liệt đến cùng để giải quyết tận gốc vấn đề cũng có một phần nguyên do phụ thuộc vào số tiền tiết kiệm của bản thân.
Nếu bạn có trong tay một khoản tích lũy lớn, tâm lý của bạn sẽ an toàn hơn, cảm thấy được "bảo hiểm" hơn. Ví dụ như, cảm thấy môi trường làm việc không phát triển được, bạn hoàn toàn có thể từ chức luôn, từ từ tìm kiếm một công việc tốt hơn mà không sợ vừa thất nghiệp đã chết đói. Xét đến cùng, chỉ cần có tiền trong tay, bạn hoàn toàn có thể tự gánh vác cuộc sống của mình, tự chi tiêu cho phí dụng sinh hoạt thường ngày, tự tạo cho mình những cơ hội mới mà không cần phụ thuộc vào bất cứ ai. Chính vì thế, càng tiết kiệm được nhiều tiền, bạn càng có một quỹ bảo hiểm an toàn hơn.