Tiết kiệm thực ra là chi tiêu cho thật đúng: Những thói quen cần bỏ trước tuổi 30 để không phải ngày ngày ngóng lương đến mỏi mòn

08/05/2020 23:14

Và đấy là nếu bạn còn có lương để mà ngóng, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Và đấy là nếu bạn còn có lương để mà ngóng, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

30 là một con số không mấy vui vẻ với đa số chúng ta. Đó là thời điểm bạn không thể dùng đến từ "thanh xuân" được nữa, mà nhường chỗ cho những suy nghĩ và khái niệm chín chắn hơn, trưởng thành hơn.

Nhưng hãy để ý này. Tại sao có những người 30 tuổi đã có xe, mua được nhà, công việc ngày càng ổn định, trong khi số khác tháng nào cũng phải "đóng họ" cho thẻ tín dụng lẫn muôn vàn các thể loại hóa đơn? Để rồi nhận lương mồng 1, mồng 3 đã ngóng cuối tháng?

Mà đấy là nếu bạn còn lương để mà ngóng. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều người thậm chí còn bị cắt giảm biên chế, mất đi thu nhập. Và nếu như họ tháng nào cũng phải ngóng lương, chẳng để ra được đồng tiết kiệm nào, tình cảnh thực sự sẽ muôn vàn khó khăn.

Lý do đơn giản đến không ngờ! Chỉ là do những sai lầm trong thói quen chi tiêu của bạn thôi, thế nên cần phải bỏ ngay.

1. Mua sắm giải sầu

Rất nhiều người có thói quen này, mà khoa học cũng từng chứng minh rằng nó thực tế quả là có thể giúp bạn giải sầu. Nhưng với các nhà kinh tế học, thì đây là một thói quen vô cùng "độc hại" đối với túi tiền.

Đầu tiên là khi mua sắm với một tâm trạng không tốt, bạn rất dễ sa đà vào những món đồ không thực sự cần thiết. Ngay cả khi chúng không đáng mấy tiền, nhưng cộng lại thì mỗi năm bạn cũng ngốn mất một khoản đáng kể đó.

Thứ 2, hãy cân nhắc tính đúng đắn khi mua sắm chỉ để giải sầu. Thực sự, niềm vui hoàn toàn có được với giá rẻ hơn, thậm chí là miễn phí, như đi cafe cùng bạn bè, đi dã ngoại cùng cạ cứng, hoặc đơn giản chỉ là ra đường chơi một môn thể thao nào đó cũng được.

2. Coi thẻ tín dụng là tiền của mình

Tín dụng là nợ, chứ không phải một khoản thu nhập. Bạn tiêu thì bạn sẽ phải trả, khi không trả hết thì sẽ bị tính lãi. Và hãy nhớ, lãi tín dụng không rẻ đâu.

Thế nên, hãy luôn tâm niệm rằng thẻ tín dụng không phải là tiền của bạn, và tập cách khống chế mức chi tiêu cho phù hợp với thu nhập. Đặc biệt, tránh tuyệt đối việc sử dụng hết hạn mức trong thẻ, nếu không muốn cả một thời gian dài sau đó phải ngập chìm trong nợ nần.

3. Đi du lịch không kế hoạch

Tuổi trẻ là tuổi của những cơn bốc đồng. Một ngày bạn có thể thấy mình đang ăn sáng ở Bangkok, chỉ cần chiều hôm trước đột nhiên có hứng thôi. Và khỏi cần nói thì cũng biết những chuyến đi như vậy luôn tốn nhiều tiền hơn bình thường.

Kể sơ sơ, tiền vé máy bay, tiền phòng khách sạn đều sẽ bị đội lên đáng kể khi đặt quá sát giờ. Vậy nên tốt nhất hãy lên kế hoạch cụ thể trước chuyến đi. Cần phải cân nhắc giờ bay, thời điểm bay, sao cho có được mức giá phù hợp nhất với bản thân.

4. Mua lẻ quá nhiều

Các nhãn hàng đang sử dụng nhiều chiêu trò khuyến mãi, như gom nhiều sản phẩm vào một gói hàng để khiến chúng ta mua nhiều lên. Mức giá cho từng món khi chia ra sẽ rẻ hơn nhiều.

Dĩ nhiên, bạn phải cân nhắc đến tính cần thiết trước khi lựa chọn các sản phẩm được gom lại như vậy. Tuy nhiên, với những mặt hàng tiêu dùng nhanh như giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng... thì việc mua trước một lố cũng chẳng hại gì.

Trước sau gì bạn cũng dùng, lại tiết kiệm được một khoản tiền. Đó không chỉ là chi phí trên từng món hàng, mà còn là công sức, xăng xe khi phải ra siêu thị nhặt chúng về nữa.

5. Ngại... mặc cả

Đừng coi thường! Gọi là mặc cả nhưng tên khác của nó là "đàm phán", và đây thực sự là một kỹ năng hết sức quan trọng.

Ở đây, chúng ta không bàn đến việc phải mặc cả vài mớ rau, cái áo ngoài chợ. Nhưng bạn có thể mặc cả khi mua nhà, nội thất, thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính... (tất nhiên là đồ đã qua sử dụng thôi). Ngay cả khi muốn đăng ký tập gym, bạn cũng có thể mặc cả, chẳng sao hết.

6. Uống rượu, hút thuốc, đồ ăn nhanh

Cả 3 đều không tốt cho sức khỏe, và túi tiền của bạn cũng chẳng thấy khá khẩm hơn. Như tại Mỹ, thống kê cho thấy một người bình thường mỗi năm phải bỏ ra tới $5.000 dành cho rượu bia, thuốc lá và đồ ăn nhanh.

7. Mua quần áo, phụ kiện chẳng liên quan đến tủ đồ

Thi thoảng khi đi mua sắm, bạn mua một chiếc túi xách, một đôi giày, hay một món phụ kiện bất kỳ, nhưng rồi nhận ra là chúng chẳng thể phối cùng phần lớn số quần áo bạn đang có trong tủ.

Lúc này bạn sẽ làm gì? Nếu đơn giản chỉ là chấp nhận rằng mình đã bỏ phí một số tiền thì bạn may mắn đấy. Nhưng trên thực tế, có người tiếp tục mua sắm thêm đồ để kết hợp cùng món phụ kiện đó, và cuối cùng khoản tiền bỏ ra bỗng phình lên đáng kể.

Nguyên nhân một phần đến từ hiệu ứng Diderot - hiệu ứng tâm lý, khi con người ta bị ám ảnh bởi một món đồ mới mua, và rồi dẫn đến một chuỗi mua sắm điên cuồng. Để tránh mắc phải hiệu ứng này, hãy cân nhắc kỹ độ khả dụng của món đồ bạn chuẩn bị mua, chứ đừng xuất tiền quá vội vàng.

Tham khảo: BS, VT.co

J.D

Theo Tổ Quốc