Tiết kiệm tiền là kỷ luật tự giác hàng đầu của người trưởng thành: Chỉ khi thiếu tiền bạn mới hiểu thấu thế nào là bơ vơ, bất lực khi bị dồn vào đường cùng!

31/07/2021 08:51

Đối với nhiều người trưởng thành, cảm giác an toàn nhất là "khi có tiền gửi trong thẻ ngân hàng".

photo1627553719880-16275537200661727202592-1627696071.png

01.

Trên mạng xã hội có một chủ đề nóng như sau: “Những người sinh năm 9x như bạn, tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng?”

Câu hỏi là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, bình luận sôi nổi. Những người thuộc thế hệ 9x có vô vàn cách thức để tiết kiệm tiền.

Khác với thực trạng “gặp gì mua nấy” ở ngoài đời thực, các bạn 9x này sống vô cùng tiết kiệm:

Có người tiền lương mỗi tháng 10 triệu, mà lại tiết kiệm được 5 triệu.

Có người đã tốt nghiệp 5 năm, trong tài khoản ngân hàng có tận gần 1 tỷ đồng.

Còn có người đã tiết kiệm được hẳn vài tỷ đồng.

Cũng ở phần bình luận, xuất hiện một câu nói khiến ai cũng nhói lòng:

“Đều là những người sinh năm 9x, thế nhưng người thì sở hữu tài sản hơn 1 tỷ, còn người thì nợ nần hơn cũng cả tỷ đồng, sự chênh lệch này không hề nhỏ tí nào!”. Sự chệnh lệch này làm sao mà có? Thật ra nguyên nhân là do thói quen tiết kiệm từng đồng từng đồng mà thành.

Trong thời đại mà việc mua sắm trở nên tiện lợi và bất tận như ngày nay, đâu đâu cũng là những sản phẩm khiến ta muốn mua cho bằng được. Từ đó mà ham muốn, nhu cầu mua sắm của con người không ngừng tăng cao và đạt đến đỉnh điểm chưa từng có.

So với một người kiên trì tập thể dục hằng ngày, có thói quen ngủ sớm dậy sớm mà nói, thì một người có thể kháng cự mọi sự cám dỗ, kiên trì tiết kiệm đến cùng mới là người có tính kỷ luật thật sự. Tiết kiệm chính là sự kỷ luật tự giác của người trưởng thành.

02.

Rất nhiều năm về trước, trong chương trình “Behind the headlines with Wen Tao”, Wen Tao - một nhà sản xuất phim, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đã kể một câu chuyện:

"Tôi từng có thái độ rất cứng nhắc đối với tiền bạc. Chỉ cần cảm thấy quảng cáo này không phù hợp với lý tưởng của bản thân, thì tôi nhất định sẽ không nhận. Ngay cả việc bản thân cần kiếm bao nhiêu tiền, tôi cũng chưa từng nghĩ đến. Thậm chí, tôi còn coi số tiền đó là “Đồng tiền hổ thẹn”.

Nhưng sau này có 1 chuyện xảy ra đã thay đổi hoàn toàn tư tưởng của Wen Tao. Khi đó, mẹ anh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt vì bệnh đột quỵ. Số tiền phải bỏ ra cực kì lớn. Vì nghĩ cách cứu mẹ, anh ấy bắt đầu nghĩ xem làm thế nào để kiếm tiền.

Thậm chí, anh sẵn sàng nhận những quảng cáo mà trước đây nhất định từ chối. Anh bắt đầu nhận quảng cáo, làm cameo, làm cố vấn cho các chương trình tìm kiếm tài năng, thậm chí là làm MC cho những buổi tiệc đám cưới.

“Tiết kiệm càng nhiều tiền, thì mạng sống của mẹ càng kéo dài lâu hơn”,  Wen Tao đã thừa nhận sự quan trọng của đồng tiền một cách cởi mở và không hổ thẹn.

Trên đời này, không ai là không cần tiền. Sức mạnh của người trưởng thành không phải cũng do tiền mang lại sao?

Đối với người trưởng thành có trách nhiệm, chỉ có tiết kiệm tiền mới khiến gia đình họ cảm thấy hạnh phúc và ổn định. Tôi từng thấy một mẩu tin như thế này:

Vì mẹ đột ngột bị ung thư máu, mấy trăm triệu để làm phẫu thuật. Thân là con trai trưởng trong nhà, Vương Hạo mắt nhìn mẹ già bệnh tật, cha già ốm yếu, em nhỏ còn thơ, anh đành bất lực vì không thể kiếm đủ tiền viện phí để cứu mẹ. Rốt cuộc, nhân lúc cha đến bệnh viện, anh nhảy lầu tự sát.

Câu nói “không tiền đố bạn làm nên” thật sự không phải nói ngoa.

Chỉ khi thiếu tiền, con người ta mới hiểu thấu thế nào là bơ vơ, là bị cô lập, mới hiểu thế nào là sự bất lực khi bị dồn vào đường cùng, thế nào là sự uất ức khi không ai có thể giúp được mình.

03.

Trong cuốn phóng sự “Người đàn bà nghèo khổ”, có một câu chuyện cực kì đau buồn:

Hữu Mỹ có một gia đình hạnh phúc, chồng cô là giám đốc của một công ty, còn cô là một bà nội trợ bên 4 đứa con nhỏ đáng yêu.

Nhưng ai có thể ngờ rằng vì cái chết đột ngột của chồng cô, đã khiến cho gia đình vốn không lo về vấn đề “cơm áo gạo tiền” ấy chỉ trong 1 đêm mà mất hết tất cả.

Mất đi trụ cột gia đình, 4 đứa con hãy còn thơ, còn biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu trong nhà. Không còn cách nào khác, Hữu Mỹ chỉ còn cách ra ngoài xin việc. Nhưng trong hơn 10 năm qua cô chỉ làm nội trợ, thì giờ cô có thể làm gì?

Cô vừa không có kinh nghiệm và kĩ năng trong công việc, vừa không theo kịp sự thay đổi của thời đại, đến việc thích nghi thôi cũng phải mất rất nhiều thời gian rồi.

Cuối cùng, Hữu Mỹ làm nhân viên telesale, cô làm việc rất chăm chỉ, nhưng tiền kiếm được rất ít. Không tiết kiệm được tiền, lại không có thu nhập ổn định, một phụ nữ gần 50 tuổi như cô ấy phải buộc mình bôn ba khắp nơi để kiếm những đồng lương ít ỏi. Một đả kích lớn, cũng đủ khiến cho 1 gia đình phải chịu lấy những thay đổi chấn động.

Những chuyện như vậy rất thường xảy ra xung quanh chúng ta: Lúc có thu nhập cao, ta thường không biết tiết kiệm sớm, kết quả sẽ có một ngày, thu nhập tuột dốc trầm trọng.

Lúc thu nhập không cao, thì thấy gì cũng mua, kết quả tổng số tiền trên hóa đơn ngày một lớn.

Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu, không nghĩ đến chuyện tương lai sẽ xuất hiện những sai lầm phải trả giá bằng tiền, kết quả sau này hối hận cũng không kịp.

Lợi thế lớn nhất của người giàu, chính là có thể phạm sai lầm nhiều hơn người thường, không cần biết họ làm sai chuyện gì, vẫn có thể dùng tiền để bù đắp kịp thời. Không như những người bình thường, chỉ cần phạm sai lầm một chút, thì tiền thuê nhà cho tháng sau không biết lấy đâu ra đây?

Những rủi ro trong tương lai không thể lường trước được. Dù xác suất xảy ra chỉ là 1%, nhưng hễ xảy ra, thì rủi ro ấy sẽ hủy diệt cuộc đời bạn 100%. Nếu như sức chống đối của bạn đủ mạnh, thì có thể vượt qua cơn sóng dữ đó; còn nếu không, hậu quả để lại sẽ như mớ hỗn độn sau trận đại hồng thủy vậy.

04.

Nhiều người coi thường thói quen tiết kiệm tiền, thậm chí họ còn dùng tiền trong thẻ tín dụng vô tội vạ. Họ làm như vậy vì nghĩ trong lương lai còn kiếm được nhiều tiền hơn thế nữa.

Những người sống trong tư tưởng như thế, lúc tiêu tiền rất vui vẻ, khi nợ tiền cũng rất thản nhiên. Họ giống như con ếch được tắm nước ấm vậy, Khi nhiệt độ nước ấm lên một tí, những con ếch không những không nhảy ra, ngược lại còn rất thích thú khi được ngâm trong nước ấm như vậy.

Chúng nghĩ mình đang rất thoải mái, nhưng thật tế thì nguy hiểm đang cận kề. Rốt cuộc, những con ếch đó bị nấu chín trong chính sự hoan lạc của nó.

Kurihara là người Nhật, anh tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, sau khi ra trường anh vào làm ở công ty thiết bị điện hàng đầu tại Nhật. Anh nghĩ rằng mình còn có thể làm ăn lâu dài ở công ty, cả đời này cũng không sợ đói.

Nhưng khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, anh bị công ty điều đi làm việc ở các công ty con, không lâu sau thì công ty con bị phá sản. Lúc này anh đã lớn tuổi rồi, những công việc cấp cao thì không tìm được, các công việc cấp thấp thì không được tuyển. Rốt cuộc, bảo hiểm thất nghiệp trở thành nguồn tài chính lớn nhất của Kurihara.

Điều đáng sợ hơn là, anh ấy vay tiền ngân hàng và dẫn đến nợ tiền chồng chất.

Không còn cách nào khác, cuối cùng anh đành bán đi căn nhà để trả nợ và đến ở nhờ nhà vợ chồng em gái.

Bài học từ những sai lầm khi không có kế hoạch chi tiêu chính là đây.

Trong thời đại kinh tế thị trường, có tiền tiết kiệm là chỗ dựa tốt nhất. Không có tiền, không có sổ tiết kiệm, bạn sẽ không dám bị bệnh, không dám nghỉ phép, không dám thất nghiệp. Nhất là khi trong nhà bạn còn già trẻ lớn bé phải lo. Bạn sẽ luôn phải sống trong mệt mỏi, lo lắng. Vì vậy, nếu muốn có cuộc sống thoải mái và tránh được những chuyện xấu xảy ra, bạn phải tiết kiệm tiền.

Theo Zhihu

Theo Hoàng Lan/Nhịp sống kinh tế