Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước quy định thế nào?

01/10/2018 16:25

Nhân sự đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên...


Nhân sự đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên...

Liên quan đến các chức danh lãnh đạo, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo quy định này, các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về tiêu chuẩn chung, phải đáp ứng 5 nhóm nội dung: Chính trị tư tưởng; đạo đức lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm; không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Cùng với đó, các chức danh kể trên còn có tiêu chuẩn cứng: kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định). Ngoài ra, mỗi chức danh cần có những phẩm chất, năng lực phù hợp với từng vị trí cụ thể.

Với Chủ tịch nước, phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phải có hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Nhân sự đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Chủ tịch nước là một trong ba chức danh đứng đầu Nhà nước do Quốc hội bầu.

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh làm quyền Chủ tịch nước. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh hiện đang là Uỷ viên Trung ương Đảng. Bộ Chính trị khoá XII hiện có 17 người, trong đó có 11 trường hợp mới tham gia từ đầu nhiệm kỳ này, các chức danh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đều đã kinh qua từ hai nhiệm kỳ trở lên.

Theo Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh, nhân sự Chủ tịch nước sẽ được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng nên chắc chắn Trung ương sẽ xem xét nhưng ở kỳ họp nào, có xem xét ở kỳ họp thứ 8 tới đây không, thì sẽ thông báo cụ thể.


Theo Luân Dũng

Tiền Phong