Tìm kiếm nguồn lực tăng trưởng mới, Bình Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư 2019

09/09/2019 17:42

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các hoạt động thu hút đầu tư, đối ngoại của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2019-2020, định hướng 2021-2025.

Nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh để thu hút nguồn lực đầu tư lớn trong và ngoài nước, Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2019 vào ngày 22.9.2019 tại Hội trường Sealinks City, Km9, Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Hội nghị dự kiến sẽ đón 400 khách tham dự, bao gồm lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước cùng các nhà đầu tư Việt Nam và các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đan Mạch, Đức, Hà Lan…

Được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị là mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng xác định Hội nghị là diễn đàn gặp gỡ đối thoại giữa các nhà đầu tư và là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại và quảng bá hình ảnh Bình Thuận.

Theo lãnh đạo Tỉnh Bình Thuận, kinh tế thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng “xanh” và “thông minh”. Hàng loạt mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ cao như năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ giải quyết được mâu thuẫn tồn tại hàng trăm năm nay: làm thế nào để phát triển kinh tế mà không gây tổn hại đến môi trường sinh thái. Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng tất yếu này, với việc chuyển đổi cơ cấu thu hút đầu tư, tập trung vào 3 mũi nhọn: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư ; Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo ;Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng sẽ là những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Bình Thuận 2019.

Có thể nói kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước tỉnh Bình Thuận gần 759 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 2.881 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 36.814 tỷ đồng.

Do đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các hoạt động thu hút đầu tư, đối ngoại của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2019-2020, định hướng 2021-2025.

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP.HCM chỉ 198 km - một vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế.

Tỉnh đang tăng tốc đầu tư hệ thống giao thông, trong đó đường quốc lộ từ TP.HCM đi Phan Thiết đã được nâng cấp mở rộng, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang đã bắt đầu triển khai. Tuyến đường sắt bắt đầu khởi sắc với việc khai trương tàu du lịch 5 sao TP.HCM – Phan Thiết. Tỉnh Bình Thuận có 03 tuyến cao tốc bao gồm: Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo – Cam Lâm dự kiến sẽ sớm được giao mặt bằng và khởi công sớm vào cuối năm 2019. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 50.000 DWT sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh Bình Thuận.

Đặc biệt, sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết hứa hẹn sẽ đưa du lịch Bình Thuận nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung “cất cánh”.

Bình Thuận được Chính phủ quy hoạch trở thành 3 trung tâm lớn của cả nước: trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm thể thao biển quốc gia và trung tâm khoáng sản quốc gia.

Bình Thuận được Chính phủ quy hoạch 4 nhà máy nhiệt điện - là tổ hợp nhiệt điện lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm những “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 6,1 tỷ USD, có thể sản xuất 5.668 MW hàng năm. Với nguồn tài nguyên gió dồi dào, Bình Thuận dẫn đầu cả nước trong thu hút các dự án đầu tư phong điện. Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận, dự kiến đến năm 2030 các dự án phong điện có thể đạt công suất tích lũy lên đến 2.500 MW. Ngoài ra, Bình Thuận còn sở hữu tài nguyên thủy điện dồi dào, được tạo bởi 7 lưu vực sông chính với tổng tổng lượng nước bình quân hàng năm là 5,4 tỷ m3. Với tiềm năng trên, trong thời gian không xa, Bình Thuận sẽ trở thành một trung tâm năng lượng quốc gia khi hệ thống “Nhiệt điện - Phong điện - Thủy điện” được kết nối.

Với bờ biển dài 192 km, Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp hấp dẫn như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông…Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Pôshainư, chùa Núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang… đã và đang hình thành các quần thể du lịch - nghỉ mát - thể thao - leo núi - du thuyền - câu cá - sân golf - nghỉ dưỡng - chữa bệnh, khu vui chơi giải trí… Trong đó, khu vực Mũi Né là khu du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch và đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia. Trong năm 2018, lượng khách đến du lịch tại tỉnh đạt khoảng 5.752.110 lượt người, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017.

Công nghiệp Bình Thuận đang được khuyến khích phát triển. Trong đó, công nghiệp chế biến xuất khẩu sử dụng nguyên liệu lợi thế của địa phương có xu hướng phát triển nhanh. Một số sản phẩm tăng khá như thuỷ sản chế biến, may mặc, vật liệu xây dựng, nước khoáng, hàng thủ công mỹ nghệ.

Về nông nghiệp, Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với 2 mùa mưa – khô rõ rệt. Lượng bức xạ phù hợp, hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh và ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão, Bình Thuận sở hữu điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như phát triển các loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao, khả năng phát triển chăn nuôi đại gia súc; nuôi trồng thủy sải sản tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến xuất khẩu.

Giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Bình Thuận là 7,5%.

Cao Hùng