Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tín dụng đen và công ty tài chính rởm lại tung hoành

29/12/2021 11:57

Dịp cuối năm, nhiều công ty cho vay với lãi suất cao lại mọc lên như nấm. Rất nhiều tổ chức đang cho người dân vay với lãi suất rất cao. Cơ quan chức năng đã cảnh báo về vấn đề này.

Phí vay “cắt cổ”

Cuối năm thường là thời điểm nhu cầu vay vốn, chi tiêu của người dân tăng cao. Bên cạnh dịch vụ tín dụng từ các ngân hàng, “thế giới ngầm” tín dụng đen, các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ liên tục ra mắt sản phẩm cho vay kết hợp. Lướt một vòng quảng cáo trên mạng, chúng tôi đều thấy các hội nhóm cho vay tiền trên mạng xã hội nhộn nhịp cả nghìn lượt tương tác mỗi ngày. Các nhóm “vay tiền nhanh”, “hỗ trợ vay vốn”, “vay tiền gấp” và rất nhiều cái tên tương tự, có số lượng cả trăm thành viên/nhóm giao dịch cả ngày lẫn đêm. Một người chỉ cần “thả” yêu cầu vay tiền vào các nhóm này, lập tức cả trăm bình luận “bắt mối” từ các tài khoản ảo tự xưng công ty tài chính, app (ứng dụng) cho vay, cho vay cá nhân…

Tín dụng đen và công ty tài chính rởm lại tung hoành - 1

Quảng cáo cho vay không thế chấp, tin nhắn chào mời vay tiền xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội dịp cuối năm

Theo tìm hiểu của phóng viên, lãi suất cho vay mà các tổ chức, cá nhân quảng cáo đều không quá 20%/năm, nhưng kỳ thực người vay phải chi rất nhiều khoản phí đi kèm (tư vấn, dịch vụ). Tài khoản Đ.L (Thanh Kê, Hà Tĩnh) làm thủ tục vay 1,1 triệu đồng trong 7 ngày, phải trả lãi 5.600 đồng, nhưng phí dịch vụ lên tới 894.400 đồng. Tuỳ tổ chức, mức phí này được áp cố định hoặc có thể đổi theo khoản vay lớn hoặc nhỏ, tổng cộng lãi, phí lên tới hàng trăm phần trăm/năm. Thậm chí, các hình thức cho vay còn liên tục biến tướng.

Vừa qua, dịch vụ hợp tác cho vay tiêu dùng của hệ thống điện máy và chuỗi cửa hàng cầm đồ cũng gây chú ý với lãi suất rất cao. Phí phạt tất toán sớm trước hạn của khoản vay là 5% số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên một kỳ quá hạn.

“Rừng” phí áp lên mỗi khoản vay khiến nhiều người cho rằng, đây là tín dụng đen. Tuy nhiên, theo giải thích của nhiều chuỗi cẩm đồ, lãi suất họ cho vay tối đa chỉ 1,1%/tháng, còn lại là chi phí thẩm định điều kiện cho vay và phí quản lý tài sản, khoảng 53%/năm.

Cảnh báo công ty tài chính rởm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cảnh báo về hiện tượng một số cá nhân, doanh nghiệp lập website, tạo ứng dụng cho vay có tên gây hiểu nhầm doanh nghiệp đó là công ty tài chính được cấp phép hoạt động. NHNN cũng nhận được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra đối với các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những công ty này.

Trong văn bản mới nhất trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính khác biệt so với ngân hàng thương mại về đối tượng khách hàng, lãi suất, sản phẩm cho vay, kênh phân phối và quản trị rủi ro... Với các đặc thù hoạt động như vậy, lãi vay của công ty tài chính thường cao hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, mọi cá nhân và pháp nhân đều có thể được phép đi vay (huy động) và cho vay trong một phạm vi nhất định, mà không cần phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư, kinh doanh và cũng không vi phạm điều cấm theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Tuy nhiên, mọi trường hợp cho vay bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, nếu có mức lãi suất vượt quá 20%/năm đều là bất hợp pháp. Dù vậy, người cho vay hiếm khi ghi nhận rõ ràng mức lãi suất thực tế, mà thường ẩn dưới cách thức khác nhau như: giữ lại 1 phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, tính các loại phí ngoài lãi, như phí thẩm định khoản vay…

Theo Thùy
Bạn đang đọc bài viết "Tín dụng đen và công ty tài chính rởm lại tung hoành" tại chuyên mục Tài chính.