"Thật khôi hài khi nghĩ rằng Đan Mạch sẽ bán cả 50.000 công dân cho Mỹ," một đại diện của Đan Mạch bình luận về ý tưởng của ông Trump.
Theo Independent, Đan Mạch đã thể hiện thái độ phản đối trước những nguồn tin cho rằng ông Trump có ý định mua Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi chào đón hợp tác kinh doanh, chứ KHÔNG bán mình," ngoại trưởng Đan Mạch Ane Lone Bagger trả lời Reuters.
Ông Trump sẽ thăm Copenhagen vào tháng 9 và Bắc Cực sẽ là chủ đề được thảo luận trong cuộc gặp với thủ tướng Mette Frederiksen và lãnh đạo đảo Greendland Kim Kielsen.
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, tổng thống Mỹ đã nhiều lần đề nghị mua lại vùng đất Bắc Cực rộng lớn sau khi biết được về tài nguyên thiên nhiên và tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực này.
Một số cố vấn của ông Trump đã coi đây chỉ là lời nói đùa, trong khi đó một số quan chức khác ở Nhà Trắng lại cân nhắc chuyện này rất nghiêm túc.
Nhiều chính trị gia Đan Mạch đã mỉa mai ý tưởng bán Greenland cho ông Trump.
"Nếu ông Trump thực sự muốn làm vậy, thì đây là bằng chứng lớn nhất cho thấy ông ấy có vấn đề," phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Đan Mạch Soren Espersen nói.
"Thật khôi hài khi nghĩ rằng Đan Mạch sẽ bán cả 50.000 công dân cho Mỹ".
Ảnh: iStock
Đảo Greenland - khu vực tự trị của Đan Mạch nằm giữa biển Bắc Atlantic và biển Bắc Cực - hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ kinh tế từ Đan Mạch.
"Tôi tin rằng phần lớn người dân Greenland sẽ tin rằng thà củng cố mối quan hệ với Đan Mạch còn hơn là Mỹ, về mặt lâu dài," Aaja Chemnitz Larsen, nghị sĩ Đan Mạch thuộc đảng Inut Ataquatigiit (IA), nói.
"Ý nghĩ đầu tiên mà tôi nghĩ đến là 'Không, cảm ơn ông [Trump]'," bà nói.
Thủ tướng Đan Mạch hiện chưa đưa ra bình luận. Đại sứ quán Mỹ tại Copenhangen cũng không trả lời câu hỏi của báo giới.
Trong khi đó, ông Rufus Gifford, cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch nói: "Lạy Chúa. Là người rất yêu mến Greenland, tôi cho rằng đây hoàn toàn là một điều thảm họa".
Vấn đề này cũng khiến người dân ở thủ phủ Nuuk của Greenland tức giận.
Một người dân viết trên Twitter: "Chúng tôi không phải là hàng hóa có thể mua. Hãy tránh xa khỏi hòn đảo này."
Nhờ vào vị trí chiến lược và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Greenland đã nhận được nhiều sự chú ý từ các cường quốc thế giới bao gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Hồi tháng 5, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga đã có những hành vi hung hăng ở Bắc Cực và hành động của Trung Quốc tại đây cũng cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Một hiệp ước phòng thủ giữa Đan Mạch và Mỹ hồi năm 1951 cho phép Mỹ có quyền quân sự đối với căn cứ không quân Thule tại miền bắc Greenland.
Greenland là khu vực có chính quyền tự trị với những vấn đề nội bộ, trong khi Copenhagen chịu trách nhiệm các chính sách về quốc phòng và đối ngoại.
Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy việc mua bán Greenland sẽ có trong chương trình đối thoại của ông Trump với các quan chức Đan Mạch.
Martin Lidegaard, một nhà lập pháp cấp cao tại Đảng Tự do Xã hội Đan Mạch và là cựu ngoại trưởng nước này, nói: "Không thể bán Greenland đơn thuần như thời kì thuộc địa được".
"Điều chúng tôi quan ngại là quan điểm và tham vọng của Mỹ tại Bắc Cực đang ngày càng bộc lộ rõ, và họ đang muốn có ảnh hưởng lớn hơn," ông nói thêm.
Năm 1917, Đan Mạch đã bán các đảo ở vùng Tây Ấn cho Mỹ với giá 25 triệu USD, sau này được Mỹ đổi tên thành Quần đảo Virgin.
Theo Tất Đạt
Trí thức trẻ