Chính thức đưa vào hoạt động phục vụ lễ hội từ lễ giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (LS-VHDT) TPHCM tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9 là một dự án lớn, được Nhà nước quan tâm và đầu tư quy mô, là một trong số ít các công trình lịch sử văn hóa trọng điểm của TPHCM đang tiếp tục được thực hiện.
Dự án khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 với diện tích 408ha, trong đó tại P.Long Bình, Q.9, TPHCM là 381ha và tại xã Bình Thắng (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là 27ha. Đến năm 2013, diện tích giao đất thực tế cho dự án còn 402ha. Tổng số hộ dân phải di dời là 1.626 hộ. Dự án được thực hiện từ ngân sách TPHCM.
Từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1998 đến nay, ngoài hạng mục Đền Hùng đã hoàn thiện thì nhiều công trình khác vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Đến nay TPHCM đang triển khai và kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu 9 dự án thành phần từ nguồn ngân sách, xã hội hóa... và 1 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đó là các dự án : Khu giải trí dịch vụ công cộng (khu I - khu cổ đại) với diện tích sử dụng đất 6,5 ha, phục vụ nhu cầu giải trí, dịch vụ công cộng cho dân cư trên địa bàn và các khu vực lân cận.
Dự án Khu làng hoa - du lịch suối khoáng (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 17,88 ha; nuôi trồng và sản xuất, trưng bày, kinh doanh các loại cây hoa cá cảnh truyền thống và hiện đại.
Dự án Công viên điện ảnh (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 23,28 ha; trưng bày, giới thiệu nền điện ảnh Việt Nam; cung cấp các dịch vụ điện ảnh cho các đoàn làm phim.
Dự án Khu làng văn hóa các dân tộc (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 48,17 ha; tái hiện, khai thác các di sản văn hóa của 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và ẩm thực có nét đặc trưng của các dân tộc.
Dự án Khu công viên mạo hiểm và quảng trường Hòa Bình (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 9,62 ha; hình thành 1 khu công viên với các trò chơi mang cảm giác mạnh; nối kết không gian với khu du lịch suối khoáng, tạo thành một quần thể du lịch hoàn chỉnh với nhiều loại hình vui chơi giải trí đa dạng.
Dự án Khu nhà nghỉ thấp tầng (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 11,74 ha.
Dự án Khu tái hiện rừng Trường Sơn (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 20,19 ha; tái tạo lại một phần của rừng Trường Sơn và các địa danh, di tích nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Dự án Khu thể dục thể thao ngoài trời (khu IV - khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 3,71 ha; tạo địa điểm tổ chức các sinh hoạt lớn về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.
Dự án Khu dịch vụ công cộng phục vụ chung toàn khu (khu IV – khu sinh hoạt văn hóa) với diện tích sử dụng đất 5,95 ha; hình thành khu thương mại, khu dịch vụ ăn uống, giải khát, giải trí trong nhà…
Dự kiến, đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 80% công trình công viên, sau đó tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đây là một dự án lịch sử - văn hóa lớn, được đầu tư quy mô và cẩn trọng.
Theo Trí thức trẻ