Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Văn Phúc, 32 tuổi ở huyện Hoài Đức, Hà Nội về những thay đổi trong lối sống của mình cũng như gia đình từ khi quyết định mua nhà:
Góc ban công nhỏ nhà anh Phúc. Ảnh: PT
Vợ chồng tôi đều quê miền Trung, đã kết hôn được 8 năm và vừa về nhà mới được 6 tháng. Sau hơn 7 năm sống cảnh ở nhà thuê tại khu quận nội thành Cầu Giấy, năm ngoái, chúng tôi quyết tâm mua một căn chung cư mới xây ở Hoài Đức, cách trung tâm thành phố không quá xa, dù chưa tích lũy được nhiều.
Thu nhập của tôi là 12-13 triệu, của vợ khoảng 8 triệu/tháng. Hồi chưa mua căn hộ, mỗi tháng, chi phí thuê nhà và điện nước tốn 4 triệu, đóng học cho con mầm non 2,5 triệu, cộng với sinh hoạt, thỉnh thoảng về quê, đi chơi, chúng tôi hầu như không còn lại bao nhiêu.
Hơn nữa, tôi vốn thoáng tính, nhiều bạn bè, tháng nào cũng giao lưu, nhậu nhẹt ít nhất 3-4 bận. Chuyện tôi vắng nhà buổi tối, có khi 2-3h sáng mới về vì sau ăn uống còn đi hát hò, không hiếm. Có những tháng, kiếm thêm được 2-3 triệu thì tôi lại lạm chi vào tụ tập tới 7-8 triệu.
Tôi làm việc tại một cơ quan nhiều người trẻ năng động. Thấy đồng nghiệp xung quanh đều đã có nhà cửa ổn định, tôi thực sự sốt ruột. Cũng nghĩ rằng, nếu cứ ở thuê và đi làm đợi đến lúc có một khoản lớn mới mua thì không biết tới bao giờ mới có nhà riêng, tôi bàn với vợ mua trả góp và được ủng hộ ngay.
Tìm hiểu một loạt dự án, cuối cùng chúng tôi quyết định mua một căn hộ rộng hơn 60m2 ở rìa thành phố, tổng chi phí 1,1 tỷ đồng. Thời điểm mua nhà, trong tài khoản tiết kiệm, chúng tôi chỉ có gần 200 triệu, và được bố mẹ hai bên cho khoản tương đương. Vì thế, hai vợ chồng phải vay ngân hàng 500 triệu thời hạn 15 năm và mượn của chị em, họ hàng gần 200 triệu nữa. Nghĩ tới số nợ khổng lồ so với thu nhập, chúng tôi cũng toát mồ hôi nhưng vẫn bảo nhau cố gắng.
Sau khi nhận nhà, tôi tốn thêm 130 triệu đồng làm nội thất nên phải vay thêm một khoản tiêu dùng 70 triệu và nợ thẻ tín dụng 50 triệu.
Hiện tại, lương vợ dùng để chi tiêu trong gia đình và đóng học cho con, tôi nhận trách nhiệm lo trả nợ. Mỗi tháng, tôi tốn 6 triệu đồng trả góp mua nhà, 5 triệu trả nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng. Vậy là nhận lương xong, tôi chỉ còn một triệu để chi tiêu cá nhân cả tháng. Như vậy, muốn xài sang, muốn thoáng tay với bạn bè cũng không thể. Nhiều tháng có những việc phát sinh như ma chay cưới hỏi, thăm người ốm... tôi phải xoay sở đi vay mượn hay cố tìm các việc có thể làm thêm. Tôi không dám để nhiều tiền bên người, sợ tiêu mất. Thường trong ví hầu như lúc nào cũng chỉ có khoảng 100.000 đồng.
Phần vì túi rỗng, phần vì nhà ở xa trung tâm, tôi hầu như bỏ hẳn thói quen tụ tập, nhậu nhẹt. Từ chối bạn bè nhiều cũng ngại nhưng tôi không có lựa chọn. Nhiều lần, tôi nửa đùa nửa thật: "Tôi hết tiền rồi, ông nào chiêu đãi thì tôi đi, không tôi xin kiếu". Nếu có dịp gặp gỡ không thể từ chối, tôi tham gia thì cũng chỉ 7-8h tối là cáo lui vì không muốn sa đà và sợ đi xa về nhà gặp nguy hiểm thì khổ cả gia đình. Nhiều bạn hiểu thì cảm thông, động viên, cũng có người khích bác, nói này kia.
Vợ chồng tôi cũng cố gắng cắt giảm tối đa các khoản có thể. Năm rồi nhà tôi không đi du lịch, trong khi những năm trước thì hè nào cũng ra biển vài chuyến. Cuối tuần, gia đình tôi ở nhà hoặc đưa con tới các khu vui chơi miễn phí, bể bơi giá rẻ. Chúng tôi cũng giảm về quê vì mỗi lần về là tốn cả triệu (chi phí đi lại 600 - 700.000 đồng, cộng với ăn uống, mua đồ).
Cả hai vợ chồng đều đi làm xa, vất vả, con lại nhỏ nên chúng tôi xác định riêng ăn uống không thể tiết kiệm. Dù vậy, thay vì mua đồ ở Hà Nội, nhà tôi cứ mỗi tháng vài lần nhờ các bà nội, ngoại gửi thịt, cua, cá, rau quả... từ quê ra, giá cả rẻ hơn, lại đảm bảo đồ sạch.
Ngôi nhà mới khiến chúng tôi phải căng thẳng, lo toan nhiều hơn, thậm chí chưa dám nghĩ tới chuyện sinh con thứ hai dù hai bên gia đình thúc giục khi bé đầu đã gần 7 tuổi. Dù vậy, chúng tôi đã thực sự có tổ ấm, nơi ai cũng muốn trở về sau một ngày dài mệt mỏi, nơi chúng tôi thích chăm chút cho từng góc nhỏ của mình.
Những bữa cơm tối của gia đình tôi giờ luôn đầm ấm quây quần, không còn cảnh vợ và con ngồi nhà bực dọc gọi bố về trong khi tôi đang chén chú chén anh ở nơi nào đó. Thời gian tụ tập với bạn bè, tôi dùng để chơi với con, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa cùng vợ, chăm sóc cho đám cây, hoa góc ban công. Tôi cũng khỏe ra khi nạp ít rượu vào người hơn, có lối sống khoa học, ngủ sớm, dậy sớm. Tần suất vợ chồng cãi vã, giận dỗi cũng giảm hẳn.
Vợ chồng tôi đang cố gắng tăng thu nhập để giảm bớt gánh nặng trả nợ, sớm cho con cái có cuộc sống thoải mái hơn. Tôi tập trung tăng hiệu suất và chất lượng công việc, vợ củng cố vốn tiếng Nhật để có cơ hội đứng lớp và nâng lương. Có mục tiêu phía trước, chúng tôi cảm thấy thêm động lực để cố gắng, thấy bản thân trưởng thành và gắn bó với nhau hơn.
Theo chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (TP HCM), vay quá nhiều để mua nhà thường tạo áp lực, căng thẳng nhưng trong một số trường hợp lại là động lực tốt khiến người ta thay đổi lối sống, phấn đấu cho tương lai.
Chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm các khoản chi không quan trọng để ưu tiên trả nợ như trường hợp anh Phúc là điều nên làm. Tuy nhiên, cũng tránh thắt chặt quá mức vì có thể tạo cảm giác mệt mỏi, stress, làm giảm chất lượng cuộc sống. Thay vào đó, nên cố gắng tìm cách tăng thu nhập để giải quyết các món nợ.
Dù việc cố gắng mua nhà với một số người là động lực thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn, ông Bội Lê cho rằng, trước khi quyết định vay dài hạn để mua, bạn cần tính đến phương án an toàn và cố gắng giữ một khoản dự phòng để tránh gặp rủi ro khi lãi suất tăng hay gia đình có việc phát sinh.