Sinh nhật 10 tuổi Winmart

“Tôi ngày nào cũng xem chứng khoán, chứng khoán bây giờ quá bất thường”

11/05/2022 19:13

Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại phiên họp sáng nay (11/5) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh “đặc biệt năm 2022 này tình hình diễn biến rất bất thường về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Huệ nói: “Chứng khoán bây giờ quá bất thường. Sáng hôm qua (10/5) giảm đến 54 điểm, chiều lại đảo chiều trở lại tăng lên dương. Ngày hôm kia (9/5) giảm đến gần 60 điểm. Một phiên mà giảm đến hơn 4,4%”.

“Tôi ngày nào cũng xem về chứng khoán, không biết các đồng chí điều hành vĩ mô các đồng chí có xem không, chờ cơ quan báo cáo thì rất lâu”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ và nhắc lại diễn biến bất thường của phiên giao dịch “sáng mưa, chiều nắng” ngày 10/5.

“Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không, phải đánh giá cho kỹ vấn đề này”, ông Huệ yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội còn cần đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

“Năm ngoái chúng ta để thị trường TPDN phát triển quá nóng. Các đồng chí cứ dẫn số liệu ra, nêu cho đại biểu Quốc hội biết, tổng số phát hành năm ngoái TPDN là bao nhiêu, trong đó TPDN cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu. Nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không, phải đánh giá cho kỹ vấn đề này. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về nguyên nhân, ông Huệ đặt vấn đề: “Luật Chứng khoán mới sửa, nghị định vừa ban hành, các đồng chí đã nói là không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này. Đừng đổ thừa cho khách quan, lỗi chủ quan này phải quy được trách nhiệm, cơ quan nào và đối tượng nào, ai chịu trách nhiệm chuyện này, chứ không thể nói chung chung”.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường TPDN trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư TPDN của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn; đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 tổ chức tín dụng đầu tư TPDN với tổng số dư là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%.

Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS của toàn hệ thống TCTD là 160,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống.

Phát biểu cuối phiên họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản là thông nhau. Và hiện nay thị trường bất động sản chưa tiếp cận đến cầu thực sự và cung, cầu hiện nay không thực tế, do đó việc đầu cơ, việc mua bán, găm giữ còn chưa phản ánh thật, mà vốn chảy vào đây cũng còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

“Do đó, đây là một bất cập rất lớn. Vừa rồi Chính phủ khi phát hiện đã có đánh giá, chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm soát được việc này nếu không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những chỉ tiêu lớn, kiểm soát lạm phát, cân đối lớn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Khái thông tin.

Phó thủ tướng cũng cho biết đã giao cho Bộ Tài chính, đang xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định, để sửa Nghị định 153, trong lúc chưa sửa Nghị định 153 thì phải theo dõi sát tình hình, đặc biệt là báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành của TPDN cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản và những khoản nào tới hạn, số phát hành mới, rà soát xong và đánh giá rủi ro để làm sao kiểm soát tốt nhất trong lúc chúng ta chưa hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường TPDN.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng thị trường vốn rất quan trọng trong định hướng kinh tế thị trường, bởi vì nó là một kênh vốn trung và dài hạn, trong khi thị trường tiền tệ ngắn hạn là không đáp ứng được.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh:

Có ý kiến cho rằng việc tổ chức cá nhân tăng cường đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản cho thấy cầu tiêu dùng yếu. Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và bất động sản.

Vấn đề cần phải quan tâm, đó là lượng vốn lớn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chiếm tới 20,11% dư nợ toàn hệ thống. Đây cũng là một trong những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng.

Vừa rồi Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề TPDN, rủi ro tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Tôi cũng cho rằng đây là nội dung đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân quan tâm. Do vậy, mình chủ động cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân trong nước, đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể, chi tiết hơn trong báo cáo về vấn đề này.

Theo Trung Chính/BizLIVE